Thời gian gần đây diễn biến của thời tiết khá nắng nóng, khắc nghiệt, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con người, nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Hạn chế đến mức thấp nhất tác động của khí hậu đến sức khỏe, mỗi người cần lưu ý thực hiện các biện pháp sau:
1.Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Bình thường nhu cầu của cơ thể cần một lượng nước đủ để duy trì chuyển hóa chất sinh năng lượng cho các hoạt động và điều hòa thân nhiệt của cơ thể (trung bình mỗi ngày mỗi người cần cung cấp từ 1,2 đến 1,5 lít nước). Nhưng khi trời nắng nóng, nhu cầu này lại tăng lên rất nhiều do tăng cường chuyển hóa, ra nhiều mồ hôi để điều hòa thân nhiệt, nên cần 4 đến 5 lít nước/người/ngày tùy theo cường độ lao động.
2. Đề phòng say nắng, say nóng
Để phòng say nắng, say nóng, mỗi người cần lưu ý khi đi ra ngoài nên mặc đủ áo quần dài vừa che toàn bộ cơ thể vừa đảm bảo thoải mái; không làm việc hay đi ngoài nắng nóng quá lâu. Nếu vì một lý do nào đó phải làm lâu hay đi ngoài trời thời gian dài thì cứ 45 đến 60 phút, ta phải vào bóng râm để nghỉ; phải mang khẩu trang, kính râm và đặc biệt đội mủ rộng vành che nắng cho đầu, nhất là che vùng gáy vì vùng này có chứa trung tâm điều nhiệt.
3. Ăn uống đủ chất
Trong mùa nắng nóng, nhu cầu chuyển hóa của cơ thể cao hơn để cung cấp năng lượng và tăng sức đề kháng, vì vậy chế độ ăn cần đủ chất, dễ tiêu hóa, các món ăn cần được đa dạng và dễ hấp thu. Các thức ăn, nước uống có tính mát sử dụng trong thời tiết nắng nóng như rau dền, rau má, mã đề, bột sắn dây... nên ăn nhiều hoa quả. Ăn uống phải đảm bảo đủ bữa, mỗi người mỗi ngày nên ăn 5 bữa, gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ, không ăn quá no vào ban đêm.
4. Ngủ đủ giấc, ngủ sâu
Ngủ đủ giấc (8 tiếng/ngày) và ngủ sâu sẽ giúp cho cơ thể sảng khoái hơn, làm việc hiệu quả hơn, đầu óc minh mẫn hơn. Để ngủ có chất lượng thì nơi ngủ cần sạch sẽ, thoáng, mát, nếu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ nên để ở nhiệt độ từ 27 đến 30oC, nếu dùng quạt thì để số vừa phải và để chế độ quay không cho quạt trực tiếp vào vùng ngực, mặt.
5. Phòng chống các bệnh về hô hấp, tiêu hóa
Vào mùa nắng nóng với nhiệt độ cao sẽ tạo thuận lợi cho một số tác nhân gây bệnh phát triển, thực phẩm nhanh biến chất, thức ăn mau hỏng nên rất dễ gây nên một bệnh lý về hô hấp và tiêu hóa như: viêm long đường hô hấp trên; viêm họng (do sử dụng nhiều nước đá); rối loạn tiêu hóa; ngộ độc thực phẩm; tả; lỵ, thương hàn...
Để phòng chống các bệnh này bên cạnh ăn uống đủ chất, ngủ đủ, chúng ta cần thực hiện tốt ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; vệ sinh nhà cửa...
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên