Thứ Tư, 27/11/2024 14:35 CH
Bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa hè
Thứ Ba, 12/05/2015 08:57 SA

Cứ đến mùa nắng nóng là số trẻ em nhập viện do các bệnh về nhiễm khuẩn, hô hấp, tiêu hóa… lại tăng cao. Cùng tìm hiểu về những bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa hè để có phương án phòng ngừa trước cho bé.

 

Thời tiết nắng và khí hậu nóng ẩm đặc trưng, mùa hè luôn là mùa phát sinh nhiều dịch bệnh. Đặc biệt là các dịch bệnh do nhiễm khuẩn, nhiễm virus, ký sinh trùng… Với trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch còn yếu cộng thêm việc chăm sóc vệ sinh còn nhiều hạn chế nên càng dễ mắc bệnh trong mùa này. Đa phần những bệnh thường gặp trong mùa nóng liên quan đến vấn đề vệ sinh. Do vậy, những trẻ có sức đề kháng yếu, miễn dịch kém sẽ rất dễ mắc phải.

 

Ngộ độc thực phẩm - bệnh thường gặp ở trẻ em: Nắng nóng khiến việc bảo quản và chế biến thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Ngộ độc thực phẩm chủ yếu do ăn phải thực phẩm ôi thiu, không đảm bảo chất lượng. Để tránh ngộ độc thực phẩm mùa hè này cho trẻ, các mẹ hãy nhớ làm theo các hướng dẫn về an toàn thực phẩm, xử lý thực phẩm như: Chọn rau củ tươi ngon, thịt cá tươi không có dấu hiệu hư hỏng, chế biến đảm bảo vệ sinh, đồ ăn thừa phải bảo quản trong tủ lạnh. Tuyệt đối không ăn đồ ăn đã chế biến nhưng để lâu ngoài môi trường. Ngoài ra, một trong những biện pháp đơn giản giúp bé tránh được nhiễm khuẩn là rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

 

Say nắng: Say nắng là hiện tượng do tia tử ngoại gây ra, có biểu hiện bao gồm: giãn mạch, nhức đầu, nôn, co giật, thậm chí là hôn mê. Cần tránh cho trẻ không nô nghịch nhiều khi trời nắng gắt. Nếu phải ra ngoài trong những lúc nắng to, cần đội mũ, đeo kính, mặc đồ chống nắng đầy đủ. Ngoài ra, cần cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung các thực phẩm đa dạng để tăng sức đề kháng như các loại rau củ, các loại hạt, bổ sung vitamin C trong trái cây, rau củ tươi hoặc các dược phẩm bổ sung vitamin C dạng siro dễ hấp thu.

 

Bệnh ngoài da: Một trong những biểu hiện quen thuộc của bệnh ngoài da trong mùa hè chính là hiện tượng rôm sảy. Cách xử lý đơn giản là tắm rửa cho trẻ sạch sẽ hàng ngày bằng các loại lá, quả mát như lá khế, lá chè xanh, lá kinh giới, mướp đắng, quả chanh tươi… Trong trường hợp viêm da nặng hơn có thể dùng các loại kem bôi chứa sterocorticoid.

 

Bệnh về mắt: Tia tử ngoại có trong ánh sáng mặt trời có rất nhiều tác hại với con người, đặc biệt là cho da và mắt. Các bệnh về mắt vì thế cũng xuất hiện nhiều trong mùa hè. Bạn cần lưu ý đeo kính, đội mũ rộng vành cho trẻ để bảo vệ mắt tốt hơn. Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý 0.9% cũng là cách giúp trẻ phòng ngừa các bệnh về mắt trong mùa hè.

 

Trong trường hợp bé bị các bệnh về mắt, nếu là các chứng bệnh đơn giản bạn có thể tự điều trị bằng thuốc nhỏ mắt tại nhà. Nhưng với các biến chứng nặng hoặc những bệnh nguy cấp hơn, bạn cần đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

 

Tiêu chảy cấp: Tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và bản chất không phải là một bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng do cơ thể mất nước. Do vậy, khi trẻ bị tiêu chảy cấp, mẹ cần bổ sung nước và bù nước điện giải bằng oresol, thực phẩm dạng lỏng… Trong trường hợp trẻ bị nặng, nôn nhiều, đi ngoài nhiều và không bù kịp qua đường uống thì cần đến bác sĩ ngay để có phương pháp điều trị kịp thời.

 

Sốt virus: Biểu hiện của sốt virus bao gồm: sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể kèm thêm các biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, ho, đờm trắng, phát ban. Các nốt phát ban ở trẻ do virus Rubella sởi gây ra, biểu hiện thông qua các nốt ban đỏ mịn, hay xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của bệnh. Những nốt ban này thường sẽ nổi từ mặt, đầu xuống đến chân và khi mất đi cũng vậy. Trẻ có thể nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và tồn tại lâu mới mất đi.

 

Sốt virus cơ bản cũng là một bệnh lành tính, thường kéo dài trong khoảng 3 đến 5 ngày. Cách điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù nước, bổ sung đủ chất dinh dưỡngvà vệ sinh mũi họng tốt. Tuy vậy, nếu trẻ có các biến chứng nguy hiểm như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật thì cần đưa ngay đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

 

Viêm não Nhật Bản B: Là một bệnh nguy hiểm, viêm não Nhật Bản do Arbovirus nhóm B gây nên. Virus này gây bệnh do muỗi truyền từ súc vật sang người. Bệnh có tỉ lệ tử vong khá cao, nếu không cũng để lại di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện bệnh bao gồm: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật, hôn mê nhanh. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên, cần cho trẻ nhập viện nhanh chóng để hạn chế tử vong và di chứng sau này. Để phòng bệnh, các mẹ cần giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, mắc màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi và côn trùng, tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ cho trẻ.

 

HOÀNG LÊ (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek