Tăng huyết áp khi mang thai là bệnh lý nguy hiểm thường gặp và cũng là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng như đẻ non, tiền sản giật, sản giật… Thậm chí, tăng huyết áp còn có thể gây tử vong cao ở thai phụ và thai nhi.
Bà bầu cần thường xuyên kiểm tra huyết áp (ảnh minh họa) - Ảnh: Internet |
Từ khi mang bầu, chị Nguyễn Thị Hoài Ngân ở TP Tuy Hòa hay bị huyết áp cao. Chị Ngân cho biết, khi đang làm việc, chị bỗng nhiên cảm thấy chóng mặt và hơi khó chịu trong người nên đến bác sĩ để kiểm tra huyết áp. Bác sĩ chẩn đoán là chị có nguy cơ bị tiền sản giật và yêu cầu chị nhập viện để bảo đảm tính mạng cho cả mẹ và con. Thời điểm nhập viện, chị Ngân đang mang thai ở tuần thứ 36, được các bác sĩ điều trị khống chế huyết áp bằng cách dùng thuốc, theo dõi thường xuyên để dự phòng co giật và theo dõi sát tim thai trong suốt quá trình điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Phú Yên, một phụ nữ bình thường khi mang thai có huyết áp bằng hoặc trên 140/90mmHg được gọi là tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể có sẵn trước lúc mang thai hoặc có sẵn và nặng thêm khi có thai, thậm chí chỉ xuất hiện khi có thai nếu đi kèm với phù và có đạm trong nước tiểu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, tăng huyết áp còn là một trong năm biến chứng nguy hiểm gây nên hội chứng tiền sản giật và sản giật, góp phần gây ra tình trạng tai biến trong sản khoa, có tỉ lệ tử vong cả mẹ và con khá cao.
Để tránh tình trạng này, các thai phụ nên chủ động đến trạm y tế hay Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản để được khám thai định kỳ hàng tháng, hàng quý nhằm kịp thời điều chỉnh huyết áp ổn định; không nên chủ quan cho rằng sức khỏe mình tốt và bản thân chưa bị tăng huyết áp bao giờ nên không cần đi khám và kiểm tra thường xuyên. Ít có thai phụ biết rằng, tăng huyết áp có thể xuất hiện ở bất cứ thời gian cũng như bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, khi bị nặng có thể gây ra những biến chứng và để lại hậu quả rất nặng nề cho cả thai phụ và thai nhi; đặc biệt là hội chứng sản giật và tiền sản giật.
Bác Sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ một số cách đơn giản để kiểm tra huyết áp có dấu hiệu tăng cao như: tự đo huyết áp hay nhờ người thân đo huyết áp giúp. Đơn giản hơn nữa là dùng ngón tay ấn lên khu vực gần mắt cá chân phía bên trong và thả ra, nếu không có dấu lõm thì các thai phụ tạm yên tâm còn nếu có dấu lõm thì phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra và được tư vấn thêm.
Có thể nói, tăng huyết áp cùng với các yếu tố di truyền, dinh dưỡng kém hoặc béo phì, nghiện thuốc lá, bệnh tim mạch, bệnh thận hay bệnh đái tháo đường… góp phần dẫn đến tình trạng tiền sản giật và hội chứng này thường gặp ở những phụ nữ mang thai con so nhỏ tuổi hoặc con so lớn tuổi, thường xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ và đối với những trường hợp mang đa thai, thai trứng… Tuy nhiên, một trong những yếu tố dễ làm gia tăng tình trạng tăng huyết áp ở thai phụ là sử dụng nhiều muối trong thức ăn, trong các bữa ăn và chế độ ăn uống hàng ngày. Đó là nguyên nhân chính làm cho thai phụ dễ bị tăng huyết áp hơn trong suốt thai kỳ.
Để an toàn cho cả mẹ và con, những phụ nữ bị tăng huyết áp trước khi mang thai cần kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, chú ý các yếu tố thuận lợi đưa đến tiền sản giật qua bệnh sử gia đình, bệnh sử nội khoa và bệnh sử thai kỳ lần này. Cần tuân thủ việc điều trị đường huyết nghiêm ngặt hoặc các bệnh nội khoa khác đang có sẵn.
Sản phụ có thể nghỉ ngơi tại nhà nếu bệnh nhẹ, tự đếm cử động thai, tự theo dõi phát hiện các dấu hiệu bất thường như phù tăng, lên cân nhanh, nhức đầu nặng, mắt nhìn mờ, đau vùng gan, buồn nôn, nôn nhiều. Cần nhập viện ngay khi có một trong các dấu hiệu trên bởi thực tế tiền sản giật biến thành sản giật rất khó đoán trước được. Nếu xảy ra sản giật, sản phụ có thể rơi vào hôn mê, phù não, xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim, bong nhau non gây tử vong cho mẹ và con.
NHƯ NGUYỆN