Người ta thường nói “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Do đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Nhân Ngày Sức khỏe thế giới (7/4), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra chủ đề “An toàn thực phẩm”.
Ngày 2/4 mới đây, tại Geneve (Thụy sĩ), WHO đưa ra các dữ liệu mới cho thấy mức độ nguy hại do bệnh lý từ thực phẩm sinh ra cho sức khỏe con người mang tính toàn cầu do sử dụng thực phẩm không an toàn và cần phải có sự phối hợp trong các hoạt động của chuỗi cung cấp thực phẩm xuyên quốc gia. Tuần tới là tuần tiến hành các hoạt động vềan toàn vệ sinh thực phẩm nhân Ngày Sức khỏe thế giới.
Hiện nay, các sản phẩm thực phẩm được chế biến bằng công nghiệp và được trao đổi buôn bán trên phạm vi toàn cầu. Điều này tạo nhiều nguy cơ mới cho thực phẩm bị nhiễm bẩn bởi các yếu tố nguy hại như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc các yếu tố hóa học. Mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ một địa phương có thể nhanh chóng trở thành vấn đề khẩn cấp quốc tế. Để xác định được bệnh lý do thực phẩm gây ra từ một vụ ngộ độc thực phẩm phức tạp hơn rất nhiều khi mà một đĩa thức ăn hoặc gói thực phẩm có nhiều thành phần từ nhiều quốc gia khác nhau.
Thực phẩm không an toàn có thể chứa các yếu tố nguy hại cho sức khỏe như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc các thành phần hóa học và là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh lý từ tiêu chảy cho đến ung thư. Thực phẩm không an toàn bao gồm thực phẩm có nguồn gốc động vật chưa nấu chín, các loại hoa quả, rau bị nhiễm phân người, phân động vật và các loại hải sản có vỏ có chứa các độc tố sinh học biển.
Sắp tới, WHO sẽ công bố kết quả nghiên cứu phân tích về gánh nặng toàn cầu do bệnh lý từ thực phẩm gây ra. Sau đây, là một số kết luận quan trọng được các chuyên gia đưa ra về nguyên nhân gây nên bệnh lý từ thực phẩm. Cụ thể, có khoảng 582 triệu trường hợp bị bệnh trong 22 bệnh lý đường tiêu hóa do thực phẩm vàcó 351.000 người tử vong. Tác nhân gây bệnh lý đường tiêu hóa dẫn đến tử vong hầu hết là do Salmonella Typhi (52.000 người chết), E.coli (37.000 người chết) và Novovirus (35.000 người chết). Vùng châu Phi được ghi nhận có gánh nặng bệnh lý cao nhất về các bệnh gây ra do thực phẩm, sau đó là các nước Đông Nam Á. Trên 40% người bị bệnh về đường tiêu hóa do thực phẩm bị nhiễm bẩn là trẻ dưới 5 tuổi…
Thực phẩm không an toàn cũng gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho kinh tế, đặc biệt trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay. Các nỗ lực ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm đã được triển khai, mở rộng hệ thống quản lý thực phẩm, có sự phối kết hợp của chính phủ và các hoạt động cộng đồng để bảo vệ chống lại các yếu tố hóa học hoặc các vi khuẩn nhiễm bẩn vào thực phẩm. Tùy điều kiện mà từng quốc gia hay phạm vi toàn cầu có thể triển khai đưa vấn đềan toàn vệ sinh thực phẩm vào chương trình nghị sự của quốc gia mình; phối kết hợp giữa các cơ quan ban ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai hoạt động truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm một cách nhanh chóng và hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp.
Người tiêu dùng là người cuối cùng trong chuỗi cung ứng thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, học cách chọn thực phẩm an toàn, cách nấu nướng hợp vệ sinh và cách đọc nhãn khi mua thực phẩm hay các chế phẩm, phụ gia cho thực phẩm. Đặc biệt, WHO khuyến cáo đẩy mạnh tuyên truyền về 5 nguyên tắc vàng khi chọn thực phẩm cho mọi người dân trên toàn thế giới biết để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.
WHO nhấn mạnh rằng an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của toàn xã hội đòi hỏi sự tham gia của nhiều lĩnh vực từ y tế đến nông nghiệp, thương mại, thương nghiệp, môi trường, du lịch... và sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, tổ chức và các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, cấp cứu và cả giáo dục.
BS NGUYỄN VINH QUANG (tổng hợp)