Đại diện Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian tới công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm là một ưu tiên hàng đầu ở Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo tăng cường phối hợp truyền thông về công tác y tế dự phòng do Bộ Y tế tổ chức sáng 28/1 tại Hà Nội.
Tại hội thảo thạc sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh, bệnh không lây nhiễm đang là rào cản chủ yếu đối với việc giảm đói nghèo và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm tạo ra một gánh nặng lớn khi đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật tại Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Y tế, Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.
Thực tế cho thấy, trong khi các bệnh truyền nhiễm mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi nguy hiểm và sự quay trở lại của một số dịch bệnh trước đây đã được khống chế thì Việt Nam lại phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Đó là các bệnh như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Gánh nặng của bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tòan quốc. Số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất lớn và ngày càng gia tăng. Ước tính hiện tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp, 2,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Theo số liệu thống kê gần đây nhất của các bệnh viện lớn trên toàn quốc, ước tính, năm 2012, cả nước có 520.000 ca tử vong các loại, trong đó hơn 379.000 ca tử vong là do các bệnh không lây nhiễm; tức là cứ 10 người tử vong thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm (chủ yếu là các bệnh: tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...).
Theo thạc sĩ Bảo, các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm ở mức cao và đang gia tăng ở Việt Nam là do tỉ lệ hút thuốc lá cao, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực.
Vì vậy, trước thực trạng trên ngành y tế đã xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm để định hướng để tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia chủ động của các bộ, ngành.
Mục tiêu của chiến lược nhằm khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỉ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm.
Theo Vietnam+