Thứ Tư, 09/10/2024 01:31 SA
Giảm thiểu khúc xạ học đường: Cách nào?
Thứ Năm, 24/05/2007 13:05 CH

Kết quả điều tra của Trung tâm Mắt Phú Yên trên 2.000 học sinh, cho thấy: tỉ lệ học sinh mắc tật khúc xạ (TKX) vẫn ở mức cao: 15%. Ước tính toàn tỉnh có khoảng 7.000 học sinh có thị lực thấp cần chỉnh kính để nâng cao thị lực (6,25%), khoảng 15.000 học sinh cần tư vấn, theo dõi về TKX.

 

070523-mat-1.jpg

Kiểm tra mắt định kỳ cho học sinh tại Trung tâm Mắt Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự gia tăng tật cận thị của học sinh. Ông Phan Văn Đông, Phó phòng Giáo dục TP Tuy Hòa cho rằng: “Nguyên nhân chính là các em chưa hiểu biết về TKX. Bên cạnh đó, môi trường học chưa đảm bảo như bàn ghế quá khổ, lớp học thiếu sáng, chất lượng bảng kém… cũng góp phần gia tăng tỉ lệ học sinh cận thị. Khi mắc TKX, đa phần các em không biết, một số khác biết nhưng không đeo kính thường xuyên. Thiếu sự quan tâm nhắc nhở của cha mẹ, của cán bộ y tế học đường nên các em đeo kính không đúng số, không được đưa đi khám mắt và chỉnh kính định kỳ”. Nhiều nghiên cứu trong nước cũng như trên thế giới cho thấy, tần suất và mức độ cận thị tăng dần theo cấp học của học sinh. Điều này chứng tỏ môi trường, điều kiện học tập, các thói quen tốt về vệ sinh thị giác cũng như việc phân bố thời gian cho các hoạt động nhìn gần, hoạt động ngoài trời… chưa được hình thành ở lứa tuổi học đường. Đây là những nguyên nhân chính gây nên cận thị.

 

Những năm gần đây, nhờ có sự tài trợ của tổ chức Fred-Hollows (Úc), chương trình khúc xạ học đường được triển khai ở một số trường THCS của 5 huyện, thành phố  với gần 50.000 học sinh được đo thị lực, trong đó trên 3.000 em có thị lực thấp và khoảng 1.000 em có TKX được cấp kính. Điều này đã tạo thuận lợi cho các em trong học tập, sinh hoạt. Chương trình khúc xạ học đường đã giúp cho nhà trường và gia đình hiểu được nguyên nhân, hậu quả và phối hợp tốt với ngành y tế giảm thiểu tỉ lệ học sinh mắc TKX.

 

Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình khúc xạ học đường vẫn còn gặp một số khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt tỉnh Phú Yên cho biết: “Có những gia đình không cho con cái đeo kính do nhận thức chưa đầy đủ về tác dụng của kính hoặc sợ người khác biết con mình bị cận, nhất là con gái. Học sinh không muốn cha mẹ biết mình bị cận thị vì như thế sẽ không được chơi game, đọc truyện. Ở Phú Yên, việc cung cấp kính trên địa bàn do các cơ sở tư nhân thực hiện, hầu hết không có kỹ thuật viên khúc xạ được đào tạo một cách có hệ thống mà chỉ làm theo kinh nghiệm. Trang thiết bị cắt kính rất thô sơ, chủ yếu làm thủ công nên chất lượng kính còn hạn chế”.

 

Làm thế nào để giảm thiểu khúc xạ học đường? Bác sĩ Ca Khải Hiệp, Trưởng Phòng Y tế huyện Phú Hòa cho rằng: “Phải có sự quan tâm phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường, hội phụ huynh học sinh và gia đình. Ở Phú Hòa, các trạm y tế xã tổ chức khám mắt cho học sinh ở các trường 6 tháng/lần rồi gởi danh sách các em có thị lực thấp về Trung tâm Mắt và đo chỉnh độ khúc xạ. Nhà trường vận động gia đình học sinh đóng 3.000 đồng/em/năm để làm công tác theo dõi thị lực và giúp những em bị khúc xạ có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ kinh phí cho nhà trường trong chương trình khúc xạ học đường.

 

Từ kinh nghiệm thực tế của Trường THCS Lương Văn Chánh (Phú Hòa), thầy hiệu trưởng Lê Trung Đàn nói: Giáo viên lên lớp luôn quan tâm đến tư thế ngồi, khoảng cách giới hạn khi cầm sách, vở đọc bài của học sinh; bàn ghế hợp lý, ánh sáng phòng học đảm bảo. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh cho các em viết bản cam kết (có chữ ký của phụ huynh) cùng thực hiện cuộc vận động “Nói không với trò chơi điện tử” - một trò chơi có nguy cơ dẫn đến TKX mắt. Gia đình cho các em ngủ đủ 8-10 giờ mỗi ngày, giảm hợp lý cường độ học tập. Hàng tháng, giáo viên chủ nhiệm báo cáo với nhà trường và phụ huynh học sinh về việc sử dụng kính cũng như những học sinh có thị lực bất thường để có biện pháp giúp đỡ, điều trị kịp thời.

 

Giảm thiểu khúc xạ học đường cũng góp phần cải thiện kết quả học tập, giúp học sinh hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. Vì vậy chương trình khúc xạ học đường cần được duy trì và nhân rộng ra các huyện còn lại. Tại hội thảo bàn về giảm thiểu TKX mới đây ở Phú Yên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục đưa chương trình chăm sóc mắt ban đầu vào trường học để hướng dẫn, tuyên truyền vệ sinh thị giác; tổ chức khám mắt và TKX định kỳ để sàng lọc học sinh có thị lực kém, giúp điều trị kịp thời. Gia đình cần quan tâm đến việc cân bằng thời gian học tập và vui chơi của các em…

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những lầm tưởng về nước
Thứ Hai, 21/05/2007 14:53 CH
Đỗ trọng trị bệnh tăng huyết áp
Chủ Nhật, 20/05/2007 09:01 SA
Dinh dưỡng cho người muốn bỏ thuốc lá
Chủ Nhật, 20/05/2007 09:01 SA
Uống thuốc bổ, trẻ sẽ cao ?
Thứ Sáu, 18/05/2007 08:31 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek