Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 (từ 10/11 đến 10/12), Báo Phú Yên phỏng vấn Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, về những nội dung liên quan đến chủ đề của tháng hành động: “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”.
* Thưa Thứ trưởng, tại sao chúng ta lại chọn chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV” cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014?
- Năm 2011, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Geting to zero”, nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.
Hai năm trước, chúng ta đã chọn chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Thực tế, chúng ta đã thực hiện tốt chủ đề này khi liên tục 5 năm liền đã đạt được mục tiêu “3 giảm”: giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.
Có thể nói, với những nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã có nhiều thành công, trong đó nổi bật nhất là làm cho tình hình nhiễm HIV trên toàn quốc có xu hướng giảm, số người mới phát hiện nhiễm HIV năm sau luôn ít hơn nhiều so với năm trước... Tuy nhiên, một trong những điều đáng lo ngại cần tiếp tục tập trung giải quyết, đó là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn tồn tại khá phổ biến dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, là rào cản lớn đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Kinh nghiệm các nước và ở Việt Nam cho thấy, muốn đạt được các mục tiêu: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS, trước hết chúng ta phải đạt được mục tiêu “Không còn kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Đó cũng chính là lý do để UNAIDS đề xuất mục tiêu “ba không” và chúng ta chọn chủ đề Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”. Việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn là nội dung quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
* Chúng ta đã tiến hành nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân khiến kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là vấn đề lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay?
- Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là vấn đề nhạy cảm và rất phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước đây, trong thời kỳ đầu của dịch, để cảnh báo mối nguy hiểm của HIV/AIDS, các chương trình truyền thông của chúng ta đã đưa những hình ảnh người nhiễm HIV/AIDS ốm yếu, lở loét… làm cho mọi người thấy sợ hãi. Điều đó khiến mọi người có tâm lý kỳ thị và xa lánh người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, sự liên hệ giữa HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội (mại dâm, tiêm chích ma túy) khiến hình ảnh của người nhiễm HIV càng trở nên xấu hơn trong cộng đồng. Điều này dẫn đến sự “đổ lỗi”, coi người nhiễm HIV là người xấu và do vậy người dân càng xa lánh, hạ thấp uy tín, thậm chí còn cô lập người nhiễm HIV...
Mặc dù các hoạt động truyền thông của chúng ta đã triển khai rầm rộ và bài bản trong suốt gần 25 năm chúng ta đương đầu với HIV/AIDS, tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều người chưa hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ về HIV/AIDS, cho rằng có thể bị lây nhiễm qua tiếp xúc với người nhiễm HIV như bắt tay, ôm hôn… dẫn đến quá lo sợ mình bị lây bệnh và thể hiện cách phòng vệ bản thân quá mức, dẫn đến những biểu hiện phân biệt đối xử như không ngồi chung bàn, không ăn chung, làm việc chung... với người nhiễm HIV.
Nhận thức sai lầm về khả năng làm việc và cống hiến của người nhiễm HIV đối với xã hội cũng là một trong những nguyên nhân đáng chú ý. Vì không hiểu biết đầy đủ về tiến triển của nhiễm HIV/AIDS nên nhiều chủ lao động cho rằng người nhiễm HIV không còn khả năng lao động và sáng tạo nên khó có thể duy trì công việc được giao hoặc khó có thể làm tốt được việc gì, dẫn đến đánh giá thấp khả năng làm việc và kết quả công việc của người nhiễm HIV. Điều đó làm cho người nhiễm HIV khó có được môi trường để thể hiện khả năng của mình. Tại nơi làm việc có thể tồn tại nhận thức rằng người nhiễm HIV là mối đe dọa đối với tổ chức, cơ quan, xí nghiệp về sự giảm sút uy tín, giảm năng suất lao động, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, có nguy cơ làm lây nhiễm HIV cho đồng nghiệp… Điều này dẫn đến việc người nhiễm HIV bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường làm việc, thậm chí có nguy cơ không có việc làm hay mất việc làm.
Sự kỳ thị còn xuất phát từ chính bản thân người nhiễm HIV. Do sợ người thân biết nên người nhiễm HIV thường cố tình giấu bệnh, dẫn đến biểu hiện tự xa lánh, cô lập, hạn chế hợp tác, từ chối các nỗ lực trợ giúp của người thân, cộng đồng và các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ có liên quan. Khi rơi vào tình trạng chán nản, tuyệt vọng, có người đã nảy sinh ý định “trả thù đời”, cố tình gây lây nhiễm HIV cho người khác, làm cho vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử càng trở nên trầm trọng hơn.
Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS của chúng ta đã nêu rõ những điều khoản có liên quan đến chống kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như trách nhiệm của cá nhân, các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng trong việc tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật còn hạn chế nên chưa có nhiều người biết và hiểu luật. Tác động của luật nhằm điều chỉnh hành vi cá nhân liên quan tới phòng, chống HIV/AIDS còn yếu, cũng làm cho hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS chưa hiệu quả.
* Làm gì để giải quyết căn bản tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, thưa thứ trưởng?
- Muốn giải quyết tình trạng kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, cần tiến hành một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông phòng, chống HIV không chỉ theo chiều rộng mà phải hướng tới chiều sâu. Truyền thông phải tập trung vào việc giải thích cho mọi người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm hôn... và giải thích tại sao HIV lại không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường đó. Chỉ có giải thích cặn kẽ trên cơ sở khoa học và thực tiễn, mọi người mới tin và không còn sợ lây nhiễm khi tiếp xúc với người nhiễm HIV.
Thứ hai, chúng ta phải rà soát, kiên quyết thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có nội dung không phù hợp hoặc gây nhầm lẫn HIV/AIDS với tệ nạn xã hội; không đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV/AIDS, ngược lại cần tăng cường đưa tin, quảng bá các hoạt động tích cực của họ, sự đóng góp của họ cho cộng đồng và gia đình.
Thứ ba, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV, đồng thời tạo điều kiện cho các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong nhà trường, tại nơi làm việc và tuyên truyền quảng bá rộng rãi về các hoạt động này; chuyển từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình là đối tượng của truyền thông sang coi họ là chủ thể của truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Bằng cách này, chúng ta một mặt sẽ làm thay đổi hành vi, giúp người nhiễm thực hiện hành vi an toàn phòng lây truyền HIV ra người thân và cộng đồng, mặt khác ta sẽ phát huy được một lực lượng truyền thông có tiềm năng, vừa làm thay đổi cách nhìn, thay đổi quan niệm của mọi người về người nhiễm HIV.
Thứ tư, cần huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các vị lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ… vào các hoạt động chống kỳ thị và phân biệt đối xử. Đây chính là biện pháp “giáo dục bằng nêu gương”, là cách làm có hiệu quả.
Thứ năm, chúng ta phải tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường thực thi pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả việc tổ chức thực thi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có hành vi phân biệt đối xử với người nhiễm HIV...
Thứ sáu, tăng cường và mở rộng các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, đặc biệt là các hoạt động có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao, của những người có uy tín, những người nổi tiếng, của nhiều người dân trong cộng đồng…
Những việc làm như vậy không chỉ góp phần làm giảm tác động của nhiễm HIV đến người nhiễm HIV, đến gia đình và xã hội mà còn góp phần bình thường hóa vấn đề nhiễm HIV, coi người nhiễm HIV như những người mắc các bệnh mãn tính, khó chữa hay phải điều trị kéo dài vậy.
Cuối cùng là hỗ trợ việc nhân rộng các mô hình hoạt động có sự tham gia của người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ. Đây không chỉ là giải pháp đảm bảo sự chăm sóc ngày càng tốt hơn cho người nhiễm, mà còn là cách để chống kỳ thị, phân biệt đối xử…
* Xin cảm ơn thứ trưởng!
HÀ AN (thực hiện)
Tầm nhìn “ba không”
Chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Geting to zero”. Các mục tiêu cụ thể của tầm nhìn này bao gồm:
* Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV:
- Giảm 50% các ca mới nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm.
- Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS.
- Giảm 50% các ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy vào năm 2015, tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.
* Hướng tới không còn người tử vong do AIDS:
- Tất cả người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị đều được tiếp cận thuốc kháng virus (ARV).
- Giảm 50% các ca tử vong do lao ở những người nhiễm HIV/AIDS vào năm 2015.
- Những người bị nhiễm HIV và gia đình của họ đều được quan tâm đề cập trong các chiến lược quốc gia về bảo vệ con người và có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ thiết yếu.
* Hướng tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử:
- Đến năm 2015, làm giảm 50% số quốc gia có quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú.
- Không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS.
Đại diện Phòng Hậu cần, Công an Phú Yên tặng quà cho gia đình có người nhiễm HIV - Ảnh: V.HOÀNG