Khi tuổi cao thì tâm lý cũng như sinh lý con người có nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi khó khăn, phức tạp hơn so với người trẻ.
Ảnh minh họa: Internet |
Để người cao tuổi vui khỏe sống lâu, mỗi người cần dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của người cao tuổi để có các biện pháp chăm sóc phù hợp, cụ thể: Người cao tuổi các cơ quan trong cơ thể đã lão hóa, nên nhu cầu chất dinh dưỡng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, thức ăn phải mềm, ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn vừa phải, thức ăn không quá nhiều nước, thức ăn không quá cay; không nên sử dụng đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê vì gây mất ngủ (người cao tuổi thường khó ngủ). Người cao tuổi sức đề kháng giảm nên dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, tim mạch, xương khớp, giảm trí nhớ... nên chú ý phòng bệnh như: giữ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, môi trường sống cần yên tĩnh. Đặc biệt, phải tạo môi trường sống thoải mái. Các cụ cần tham gia vào các câu lạc bộ dưỡng sinh, đi bộ, thỉnh thoảng nên về thăm bà con, họ hàng, xóm giềng. Cùng với đó, con cháu cần giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình và gia đình với xóm làng và cộng đồng xã hội để các cụ cảm thấy yên tâm...
Nếu làm tốt những khuyến cáo trên chắc chắn chúng ta sẽ giúp cho người cao tuổi vui khỏe, sống lâu và người cao tuổi luôn luôn cảm thấy mình có ích cho gia đình và xã hội, luôn là những “cây cao, bóng cả”.
BS NGUYỄN VINH QUANG
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên