Cả nước hiện có khoảng 8.500 trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 15 đang chung sống với HIV/AIDS. Cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhiễm HIV như thế nào? Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV có gì khác với trẻ em bình thường? Và điều quan trọng là làm thế nào để những phụ nữ chẳng may nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh? Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bác sĩ Vũ Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, xung quanh vấn đề này.
* Thưa bác sĩ, việc tiếp cận sớm với các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ mang lại những lợi ích gì?
- Nhằm giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tiến đến loại trừ nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, Ủy ban quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chỉ đạo triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Mục tiêu của hoạt động này là tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên phạm vi cả nước.
Phụ nữ mang thai trong những tháng đầu của thai kỳ, nếu tiếp cận sớm các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thì có những lợi ích như:
Nếu kết quả xét nghiệm (-) thì phụ nữ mang thai sẽ được tư vấn về cách phòng tránh cho bản thân, cho chồng hoặc bạn tình không bị nhiễm HIV.
Nếu kết quả xét nghiệm (+), phụ nữ có quyền lựa chọn bỏ thai hay giữ thai. Nếu bỏ thai thì được hướng dẫn đến các cơ sở y tế tin cậy để được tư vấn, lựa chọn phương pháp bỏ thai phù hợp, an toàn. Nếu giữ thai, họ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, hỗ trợ về tâm lý; tư vấn về nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con và các can thiệp dự phòng lây truyền; tư vấn phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; thảo luận về việc thông báo kết quả xét nghiệm cho chồng, tư vấn xét nghiệm HIV cho chồng, đồng thời can thiệp bằng thuốc kháng HIV cho mẹ, để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Sau khi sinh, dùng thuốc kháng HIV cho con để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Nếu phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV và được tiếp cận các dịch vụ can thiệp sớm thì họ có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh không bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ.
* Bác sĩ khuyến cáo gì đối với những phụ nữ mang thai?
- Mọi người ai cũng có thể bị nhiễm HIV, nếu chúng ta không biết cách phòng tránh. Đặc biệt, nếu là phụ nữ mang thai thì ngay từ những ngày đầu của thai kỳ, chị em hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để biết cách phòng tránh cho bản thân, phòng tránh lây truyền cho những đứa con của mình. Nên chủ động, tự nguyện xét nghiệm HIV sớm để được tư vấn và được can thiệp phù hợp, kịp thời nhằm dự phòng lây truyền HIV sang những đứa con do mình sinh ra.
* Trẻ em nhiễm HIV cần được chăm sóc như thế nào, thưa bác sĩ?
- Ở trẻ bị nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch suy giảm hơn những trẻ bình thường nên việc chăm sóc trẻ nhiễm HIV cũng có những khác biệt, đòi hỏi người chăm sóc phải nắm rõ các kỹ năng và thực hành đúng cách.
Ngay sau khi được sinh ra, trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ. Không cần cách ly mẹ và bé. Trong những tháng đầu, cần chăm sóc thật tốt cho trẻ bằng cách tắm, vệ sinh sạch sẽ phòng nhiễm trùng da, xây xước da.
Khi rời bệnh viện về gia đình, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận, sống trong môi trường vệ sinh sạch sẽ, an toàn, không khói thuốc lá, không có vật nuôi trong nhà.
Do hệ thống miễn dịch giảm nên trẻ nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác, nếu mắc dễ dẫn đến trầm trọng hơn. Vì vậy, phải tiêm phòng đầy đủ cho bé, cần cách ly trẻ với người bệnh, nhất là người bệnh lao; thăm khám kịp thời khi trẻ bị sốt, ho, viêm họng…
Trẻ nhiễm HIV cần nhiều thời gian để ngủ, nghỉ ngơi hơn những trẻ khác.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm; thức ăn đa dạng, phù hợp theo lứa tuổi; tăng cường vi chất dinh dưỡng: vitamim A, sắt, kẽm, canxi…; chế biến thực phẩm an toàn; không dùng thức ăn sống, thức ăn lưu trữ trong tủ lạnh; bổ sung đủ lượng nước cần thiết.
Cần hướng dẫn cho trẻ biết cách tự chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Người chăm sóc trẻ phải được huấn luyện cách phòng lây nhiễm, biết cách xử lý các dịch tiết, máu dây bẩn, vệ sinh quần áo trẻ như ngâm trong nước javan, luộc sôi trước khi giặt. Mặt khác, người chăm sóc trẻ phải sử dụng găng tay, áo choàng, khẩu trang khi tiếp xúc với máu, dịch tiết của trẻ.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Hàng năm, cả nước có hơn 2 triệu phụ nữ mang thai. Ước tính của Bộ Y tế, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 0,21%. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ chiếm khoảng 30 đến 40% nếu một bà mẹ nhiễm HIV mang thai không được can thiệp và điều trị dự phòng. Một khi được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn từ 2 đến 5%, thậm chí thấp hơn nữa.
NGUYÊN HIỆU (thực hiện)