Thứ Năm, 28/11/2024 00:52 SA
Chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em:
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Thứ Hai, 25/08/2014 11:00 SA

Phú Yên còn nhiều khó khăn và thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Qua hội thảo Huy động cộng đồng vào việc nâng cao sức khỏe nhân dân mới đây do Sở Y tế phối hợp với Ban quản lý dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động.

 

Các bà mẹ xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) thực hành bữa ăn dinh dưỡng cho bé - Ảnh: V.HOÀNG

NHỮNG RÀO CẢN

 

Theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tỉnh, hiện công tác chăm sóc SKSS tại cộng đồng người nghèo và dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều vấn đề. Cụ thể, nhiều bà mẹ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng trước, trong và sau sinh; mắc các bệnh phụ khoa thông thường, thiếu kiến thức chăm sóc SKSS và dinh dưỡng trẻ; mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khỏe, tư vấn còn thiếu, hoạt động ít. Hiện tỉ lệ quản lý thai nghén toàn tỉnh đạt 99,3%, nhưng tỉ lệ bà mẹ ở khu vực miền núi khám thai đủ 3 lần trong thai kỳ chỉ chiếm 53%. Đặc biệt, hiện nay vẫn còn 1% phụ nữ sinh tại nhà, chủ yếu là phụ nữ ở các xã miền núi, nông thôn.

 

Tính đến cuối năm 2013, tình hình suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi ở các huyện miền núi Phú Yên còn chiếm tỉ lệ cao. Theo đó, SDD chiều cao/tuổi ở huyện Đồng Xuân (29,44%), huyện Sông Hinh (28,83%), huyện Sơn Hòa (28,78%); SDD cân nặng/tuổi ở huyện Sông Hinh (20,33%), huyện Sơn Hòa 19,66%, huyện Đồng Xuân 17,75%.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng phòng Chăm sóc sức khỏe trẻ em - Phòng chống suy dinh dưỡng (Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh), những rào cản làm hạn chế việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS và dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn là do thói quen tập tục lạc hậu; thu nhập thấp, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn; trình độ học vấn hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và nhận thức vấn đề... Đặc biệt, các vùng này họp chợ theo phiên, nguồn thức ăn ít phong phú, đa dạng; dịch vụ y tế có nhưng chất lượng chưa cao nên chưa tạo được niềm tin trong nhân dân…

 

Trong khi đó, khó khăn và thách thức đặt ra hiện nay là điều kiện tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh; chăm sóc sơ sinh còn nhiều hạn chế, nhất là việc tự sinh ở nhà còn tồn tại ở khu vực miền núi. Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm, nhưng tử vong sơ sinh còn cao và tốc độ giảm còn chậm; nuôi con bằng sữa mẹ chưa hợp lý; gánh nặng kép về dinh dưỡng, SDD trẻ em còn ở mức cao, tình trạng trẻ em béo phì có xu hướng gia tăng. Theo Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, tỉ lệ SDD chiều cao/tuổi của tỉnh giảm ít từ 34,5% năm 2001 xuống còn 31,8% năm 2010; năm 2013 là 29,3%. Đặc biệt, kinh phí được cấp còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc bà mẹ trẻ em, chưa đảm bảo được ngân sách cần thiết cho chương trình chăm sóc SKSS.

 

GIẢI PHÁP THÁO GỠ

 

Mục tiêu giảm tỉ lệ SDD đã được chính quyền địa phương đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể tham gia và đầu tư thiết thực cho chương trình phòng chống SDD trẻ em. Tuy nhiên, việc xã hội hóa công tác phòng chống SDD có nơi còn chưa hiệu quả, công tác phối hợp thiếu sự đồng bộ nên chưa phát huy hết tiềm năng và sự hưởng ứng của cộng đồng.

 

Những vấn đề ưu tiên về chăm sóc SKSS và dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo. Đơn cử là tăng cường chăm sóc SKSS bà mẹ và trẻ sơ sinh; giảm hơn nữa tử vong mẹ, tử vong trẻ em, tử vong sơ sinh, tập trung ưu tiên các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm thu hẹp cách biệt giữa các vùng miền. Cùng với đó, tập trung đầu tư cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em như: Đẩy mạnh phòng chống SDD trẻ em, đặc biệt là trẻ em thể thấp còi; giải quyết các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng như các vấn đề sức khỏe trẻ em khác như tự kỷ, rối nhiễu tâm lý, tại nạn thương tích.

 

Ông Phạm Minh Hữu, Phó giám đốc dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ, cho rằng: Phú Yên cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc SKSS bà mẹ và phòng chống SDD trẻ em như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông vận động, truyền thông giáo dục, tư vấn về SKSS, sức khỏe bà mẹ trẻ em; xây dựng và hoàn thiện các chính sách, các văn bản hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật có liên quan đến SKSS; nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc SKSS.

 

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể và ngành Y tế trong tỉnh cần phối hợp để đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi; lựa chọn chủ đề phù hợp trong chăm sóc SKSS và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; tư vấn khám thai định kỳ; tư vấn sinh ở trạm y tế; tư vấn vị thành niên không mang thai sớm; tư vấn phá thai; nuôi con bằng sữa mẹ; dinh dưỡng hợp lý cho trẻ…

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek