Thứ Năm, 28/11/2024 00:41 SA
Nhận biết chó bị bệnh dại để phòng bệnh dại
Thứ Hai, 18/08/2014 09:40 SA

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi.

 

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong là 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

 

Khi người bị chó cắn, việc quyết định có tiêm vắc xin phòng dại hay vừa tiêm vắc xin dại vừa tiêm huyết thanh kháng dại tùy thuộc vào mức độ phơi nhiễm. Người bị phơi nhiễm là “người bị chó, mèo, động vật dại, nghi dại cắn, cào, liếm hoặc bị nước bọt dính vào niêm mạc (như mắt, miệng, niêm mạc bị trầy xước) hoặc tiếp xúc qua da bị tổn thương và niêm mạc với bệnh phẩm hoặc vi rút dại tại phòng thí nghiệm”.

 

Các biện pháp dự phòng bệnh dại ở người là truyền thông tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng; tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm và những người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ Y tế. Chỉ định dùng vắc xin và huyết thanh kháng dại trong điều trị dự phòng bệnh dại tùy theo tình trạng động vật, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, vị trí bị cắn, số lượng, tình trạng vết cắn và tình hình bệnh dại trong vùng.

 

Để biết được chó nào là chó dại hoặc nghi dại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đánh giá và quyết định tiêm vắc xin hay vừa tiêm vắc xin vừa tiêm huyết thanh kháng dại cho người bị chó cắn. Sau đây là 17 dấu hiệu biểu hiện của chó bị dại được nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Veera tại Viện Nghiên cứu chữ thập đỏ Thái Lan đã công bố với độ chính xác 94,6% trong chẩn đoán lâm sàng bệnh dại ở 1.170 con chó đã cắn người trong giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1996: Xệ hàm; tiếng sủa bất thường; lưỡi xệ, khô; liếm chính nước tiểu của nó; uống/liếm nước bất thường; nôn mửa; thay đổi hành vi; cắn và ăn các đồ vật bất thường; gây gổ, cáu giận; cắn khi không bị chọc tức; đi không có mục đích rõ ràng; cứng chân khi chạy hoặc đi; bồn chồn; cắn trong suốt quá trình bị nhốt; xuất hiện triệu chứng buồn ngủ; đi không thăng bằng; thường xuyên có dáng ngồi “dog sitting”.

 

Với đặc điểm của bệnh dại khi đã phát bệnh thì tử vong 100%, nhưng nếu được tiêm phòng vắc xin phòng dại hoặc tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại sau khi bị phơi nhiễm thì sẽ phòng chống được bệnh. Vì vậy, mỗi người khi bị chó cắn nên đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra nhất là vào mùa nắng, mùa bệnh dại hay xảy ra ở chó.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek