Hiện nay, ý thức về chăm sóc sức khỏe của thai phụ từng bước được nâng cao. Tuy nhiên lại có ít phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn, biết đầy đủ các điều kiện cần thiết về y tế, dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi phù hợp để giúp thai nhi phát triển an toàn và khỏe mạnh. Dưới đây là 3 vấn đề cơ bản thai phụ cần biết.
KHÁM THAI ĐỊNH KỲ
Bà bầu cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng - Ảnh: T.DIỆU |
Phần lớn phụ nữ mang thai đều khỏe mạnh, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp có biến chứng xảy ra. Trong các trường hợp có tai biến hoặc bệnh lý xảy ra, 70% các trường hợp có thể can thiệp y tế nếu thai phụ đăng ký khám thai và sinh nở ở cơ sở y tế. Vì vậy, bà bầu cần đăng ký tư vấn và khám thai định kỳ 3 tháng/lần bởi đây là điều kiện cần thiết giúp phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ cũng như biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.
Trong 3 tháng đầu, bà bầu cần khám thai ít nhất 2 lần với mục tiêu: xác định chắc chắn người mẹ có mang thai không, sau đó đưa ra quyết định giữ thai, dưỡng thai hay chấm dứt thai kỳ tùy theo các điều kiện. Bởi trong phạm vi can thiệp của ngành Y tế, thời điểm chấm dứt thai kỳ an toàn cao khi thai kỳ dưới 7 tuần tuổi. Đây cũng là giai đoạn phát hiện bệnh lý nguy hiểm cho mẹ và thai nhi như: thai trứng, thai ngoài tử cung, động thai, dọa xảy thai, nghén quá độ gắn với tăng huyết áp, khi phát hiện sớm có thể xử lý, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Trong 3 tháng giữa, thông qua các chỉ số: tim thai, máy thai, cử động thai, phát triển nước ối…, bác sĩ sẽ phát hiện các triệu chứng bệnh thận, huyết áp và dọa sinh non, xác định thai phát triển tốt hay không.
Trong 3 tháng cuối, bà bầu nên khám thai 1 lần nữa xác định lại sự bình chỉnh của thai để chuẩn bị cho cuộc sinh. Trong thời kỳ này, bác sĩ sẽ phát hiện các bệnh lý xuất huyết trước chuyển dạ với các nguy hiểm có thể xảy ra như: nhau tiền đạo, nhau bông non, dọa vỡ hoặc vỡ tử cung...
DINH DƯỠNG HỢP LÝ
Đối với phụ nữ mang thai, chế độ dinh dưỡng hợp lý là vô cùng cần thiết. Bà mẹ cần đảm bảo cơ chất căn bản, vi chất dinh dưỡng hợp lý. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu protein của bà mẹ tăng cao, cần thiết cho sự phát triển của cơ, xương và các bộ phận khác của thai nhi. Và thực phẩm giàu protein chủ yếu từ thịt, đặc biệt là thịt gà. Lipid là chất béo quan trọng trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai bởi nó cần thiết cho sự phát triển thị lực và trí não của thai nhi có nhiều trong dầu cá một số loại như: cá hồi, cá mòi và cá thu… Các vi chất cơ bản như: I ốt, sắt, axít folic và các vi chất khác như: canxium, magie… cũng cần phải được cung cấp đầy đủ. Các vi chất này có nhiều trong các loại trái cây tươi, rau quả, các loại đậu và các loại hạt… Ngoài ra, bà bầu cần uống nhiều nước và sinh tố hoa quả để cung cấp thêm các loại vitamin cần thiết như A, B, C, E…; tránh dùng vitamin hoặc các khoáng chất bổ sung trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Trong thời kỳ này, thai phụ thường phát sinh nhu cầu lạ như thèm ăn chua hơn, hay thèm ăn ngọt hơn… nhưng chỉ nên đáp ứng trong chừng mực nhất định để đảm không có biến dị cho sự phát triển của thai nhi. Một số lưu ý mà bà bầu cần tránh là tránh ăn mặn để ổn định huyết áp và tránh dùng chất kích thích, đồ uống có cồn để đảm bảo cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.
SINH HOẠT, LAO ĐỘNG, HỌC TẬP, NGHỈ NGƠI PHÙ HỢP
Hiện nay, mặc dù kiến thức của phụ nữ mang thai có tăng lên nhưng chưa cao, nhất là nhóm phụ nữ nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi. Nhóm này có tỉ lệ sẩy thai cao nhất. Các nguyên nhân được xác định là do bà mẹ mang thai phải lao động nặng nhọc kiếm sống như ở nông thôn phải gặt lúa vào vụ mùa, hay làm việc nhà thường xuyên; việc sinh hoạt tình dục không đúng cách hoặc tình trạng bạo lực tình dục cũng dễ dẫn đến nguy cơ sẩy thai. Vì thế thai phụ phải có lịch sinh hoạt, lao động, học tập, nghỉ ngơi phù hợp với sinh lý người mang thai. Thai nhi tổng hợp rất nhiều tinh chất từ mẹ khiến cho cơ thể bà mẹ thường xuyên mệt mỏi. Nếu bà mẹ còn phải chi phí thêm nhiều năng lượng phục vụ cho các hoạt động xã hội sẽ khiến cơ thể thiếu chất trầm trọng và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng xấu trong quá trình phát triển.
Hai vấn đề cần lưu ý trong lịch sinh hoạt và nghỉ ngơi là tư thế nghỉ ngơi và sinh hoạt tình dục. Trong tư thế nghỉ ngơi, bà mẹ nên nằm nghiêng về phía trái, chân gác hơi cao, trước bụng có gối ôm vừa phải dài để bảo vệ bụng, sau lưng có gối ôm để tựa lưng nghiêng tạo tư thế thoải mái cho bà mẹ và tuần hoàn dinh dưỡng cho thai nhi. Đối với sinh hoạt tình dục, không nên cho tinh dịch tiếp xúc trực tiếp cổ tử cung vì trong tinh dịch có chất gây co bóp cổ tử cung có thể gây ra sẩy thai, giảm lượng tuần hoàn trao đổi chất từ mẹ sang con. Tuy nhiên, về vấn đề này nên có sự tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa.
Hiện nay, nước ta vẫn chưa có cơ quan chuyên trách để bảo vệ quyền lợi của bà mẹ mang thai nên các tai biến của thai phụ do không có chế độ lao động, nghỉ ngơi chưa phù hợp với sinh lý của người mang thai vẫn rất phổ biến. Đây là điều đáng tiếc.
Bác sĩ NGUYỄN ANH TUẤN
(Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh)