Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể người từ động vật bị dại qua vết cắn, vết xước, vết liếm trên lớp da, niêm mạc bị tổn thương.
Ở một số súc vật ăn thịt, trong nước bọt của chúng có nhiều enzym hyaluronidaze - yếu tố có thể giúp vi rút dại lan nhanh hơn tới hệ thần kinh. Sau khi xâm nhập, vi rút tồn tại nhân lên tại vết thương từ vài giờ cho tới vài tuần, sau đó nhanh chóng đi tới các đầu mút thần kinh cảm giác và vận động của hệ thần kinh ngoại biên rồi chuyển tới cơ quan thần kinh trung ương. Khi xâm nhập và nhân lên trong tế bào thần kinh, vi rút dại gây tổn thương não tủy ở các mức độ với biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh tương ứng với sự di chuyển và nhân lên của vi rút. Thời gian này dài hay ngắn tùy thuộc vào quãng đường phải đi qua từ nơi vết cắn đến thần kinh trung ương. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày (80% trường hợp), có những trường hợp nhanh dưới 20 ngày (5 đến 10% trường hợp) hoặc chậm hơn 3 tháng (7 đến 20% trường hợp), thậm chí kéo dài hơn cả năm (1,8% trường hợp). Thời gian ủ bệnh ngắn nhất được tìm thấy khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em.
Triệu chứng tiền lâm sàng: Từ 2 đến 4 ngày trước khi phát hiện, bệnh nhân thấy đau nhức, sưng tấy tại vết cắn có thể quan sát được. Những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống hạch bạch huyết, đồng thời với các triệu chứng trên còn có một số triệu chứng khác kèm theo: bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ. Có 3 thể lâm sàng:
Thể co thắt: Đây là thể thường gặp nhất. Đặc điểm là co cứng, co thắt, co giật, run các cơ kể cả cơ ở mặt. Co thắt hô hấp và co thắt thanh quản là biểu hiện tổn thương hành tủy. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là nhân lên cơn dại như: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Những cơn co thắt đầu tiên còn xa nhau, càng ngày càng mau và thường tử vong sau 3 đến 4 ngày do ngất hoặc ngạt trong một cơn co thắt sợ nước hoặc sau một cơn hôn mê.
Thể liệt: Thể này hiếm hơn, kém điển hình hơn. Dấu hiệu phấn khích quá độ không có. Bệnh xuất hiện rất nhanh sau giai đoạn co thắt, run. Liệt có thể tiên phát và bắt đầu bằng liệt 1 hoặc 2 chi dưới rồi lan lên trên (hội chứng Landry) hoặc xuống dưới. Tử vong thường do ngạt hoặc ngất vào ngày thứ 4, diễn biến bệnh không quá 10 ngày.
Thể cuồng: Bệnh nhân bị kích thích quá độ, có những phản ứng dữ tợn, người bệnh trở lên hung bạo. Vì vậy bệnh nhân thường có những hành vi không bình thường như chống lại y bác sĩ và những người quanh mình. Thể trạng suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và chết.
Chẩn đoán tổng quát: Nếu bệnh ở vào thời kỳ toàn phát thì việc chẩn đoán qua những biểu hiện lâm sàng không khó lắm, nhưng thực tế chúng ta thường gặp phải những trường hợp như sau:
Chó vẫn sống hay bề ngoài vẫn khỏe mạnh: Cần phải tiến hành việc theo dõi và không được giết chó trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu chó đang trong thời gian ủ bệnh thì các triệu chứng thường xuất hiện khoảng 2 ngày sau nhưng có thể lâu hơn 7 đến 10 ngày. Khi xuất hiện những biểu hiện đầu tiên của bệnh, chúng ta sẽ bước sang trường hợp thứ hai.
Chó bị bệnh: Dựa vào những triệu chứng lâm sàng để kết luận. Đối với thể bại liệt, con vật thường bị bại liệt phần thân sau hay bại hàm. Còn đối với thể dại điên cuồng, con vật có những cơn hung dữ, chảy nhiều nước bọt và tiếng sủa khan. Con vật sẽ chết sau 2 đến 3 ngày. Khi đó, chúng ta sẽ gặp trường hợp thứ 3.
Chó đã chết: Lấy mẫu là những phần ở não để tiến hành xét nghiệm. Hiện nay có 3 phương pháp thông dụng nhất để chẩn đoán xét nghiệm bệnh dại. Đó là phương pháp miễn dịch huỳnh quang, phương pháp tiêm truyền trên động vật thí nghiệm và phương pháp giải phẫu bệnh.
Khi người bị chó cắn cần rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn để giảm tối thiểu lượng vi rút xâm nhập. Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng vi rút dại tán phát càng hiệu quả. Chú ý không làm dập nát vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại.
Để đạt hiệu quả cao, người bệnh phải tiêm sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Trong thời gian tiêm, người bệnh không được uống rượu, các chất kích thích, thuốc kháng viêm, thuốc làm giảm miễn dịch.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dại. Đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị nên khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong cao. Do đó tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại là cách duy nhất cấp cứu có hiệu quả cho người bị súc vật nghi dại cắn.
BS ĐOÀN HÙNG ÁNH
Giám đốc TTYT TP Tuy Hòa