Chi rất nhiều tiền để mua thực phẩm tốt cho bé, nhưng chưa chắc mẹ đã nấu nướng đúng cách. Giai đoạn ăn dặm cực kì quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của bé. Vì thế, nếu mẹ nấu nướng không đúng cách sẽ khiến con bị thiếu chất, chậm phát triển và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Cùng điểm danh những sai lầm mẹ thường mắc phải khi nấu đồ ăn dặm cho bé:
Dầu ăn được coi như dung môi giúp hòa tan các vitamin trong thức ăn dặm của bé. Khi có dầu ăn, các vitamin A, D, E, K mới có thể hòa tan và cơ thể bé mới hấp thu được. Thế nhưng, có rất nhiều mẹ lại bỏ qua bước thêm dầu ăn khi nấu nướng cho bé, kết quả là rất nhiều vitamin đã bị "bỏ phí" vì con không hấp thu được.
Tuy vậy, thêm dầu ăn vào thức ăn cho bé cũng cần đúng thời điểm. Đó là khi mẹ chuẩn bị bắc khỏi bếp nấu. Như thế sẽ có tác dụng tốt hơn đối với sự phát triển của bé, vì khi đó dầu chưa bị biến chất do tác động của nhiệt độ cao và sẽ dễ hấp thu hơn.
Sai lầm nghiêm trọng của mẹ khi nấu ăn dặm cho con là bỏ đi phần cái mà chỉ dùng phần nước hầm của xương, thịt,... Có thể mẹ nghĩ rằng khi hầm kĩ xương, thịt như vậy thì "chất bổ" sẽ tan hết vào nước và chỉ cần dùng nước đó nấu cháo cho con là đủ chất. Nhưng sự thật là mẹ có hầm kĩ thế nào đi nữa thì chỉ có các axit amin hòa tan được vào nước thôi, còn những chất đạm vẫn còn trong phần "xác" của miếng xương, thịt đó. Vì thế, chất dinh dưỡng có trong nước hầm xương rất ít, hầu như không có canxi và đạm. Hơn nữa, trong tủy xương có nhiều chất béo động vật, nếu cho con ăn nhiều sẽ khó tiêu hóa
Vì vậy, muốn nhận đủ các chất dinh dưỡng, mẹ phải cho trẻ ăn cả phần cái (xác) bằng cách băm nhuyễn hay cắt nhỏ, rồi nấu mềm thịt để bé ăn. Thay vì chỉ dùng phần nước hầm không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu.
Một số mẹ vì sợ tình trạng rau củ hiện nay chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật, nên đã cẩn thận luộc kĩ rau củ trước khi xay để nấu cho bé. Nhưng mẹ có biết, làm như thế sẽ khiến các vitamin trong rau củ bị "thất thoát" đi đáng kể.
Vì thế, cách tốt nhất là mẹ nên lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, sau đó rửa thật sạch trước khi chế biến cho bé ăn.
Trẻ nhỏ có cảm giác vị giác tốt hơn người lớn rất nhiều lần. Vì vậy, khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, mẹ cần nêm nhạt hơn so với khẩu vị của mình một chút, nếu mẹ nêm vừa miệng mình thì có lẽ là quá mặn hoặc quá ngọt so với bé rồi. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều muối rất không tốt cho sức khỏe của bé. Vì vậy, mẹ nên cẩn thận khi nêm gia vị vào thức ăn cho con nhé!
Phô mai vốn thơm ngon và giàu dinh dưỡng nên nhiều mẹ thường có thói quen thêm thật nhiều vào cháo, gây ra mất cân bằng dinh dưỡng. Lý do là vì trong phomai chứa rất nhiều năng lượng, chất đạm, chất béo,... Vì vậy, nếu mẹ muốn thêm phomai thì cần bớt một phần cá/thịt/... và dầu mỡ trong cháo để dạ dày bé không bị quá tải do thừa đạm và chất béo.
Hơn nữa, việc thêm phô mai bừa bãi có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bé. Chẳng hạn, khi mẹ kết hợp phô mai với cua, lươn, rau mồng tơi hay rau dền sẽ khiến bé rất dễ bị đau bụng. Mẹ chỉ nên kết hợp phô mai với khoai tây, cà rốt, thịt bò hay thịt gà để bé ngon miệng hơn.
Mẹ cũng cần lưu ý là chỉ thêm phô mai khi cháo đã chín và nguội bớt (còn khoảng 70 - 80 độ) để tránh mất các vi chất trong phô mai do tác động của nhiệt độ quá cao. Ngoài ra, mẹ cũng không nên nấu một nồi cháo cho bé ăn cả ngày khiến bé bị chán ăn. Cũng không nên lặp đi lặp lại một loại thực phẩm nào đó mà bé thích, vì như thế con sẽ không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Cần linh hoạt thay đổi món cho bé hàng ngày để con ăn ngon miệng và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Theo Giadinh.net