Trong thời gian gần đây cùng với sự biến đổi của khí hậu, nhiều dịch bệnh nguy hiểm xảy ra và diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ bùng nổ thành dịch lớn trên phạm vi toàn cầu.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dịch sởi đã được khống chế và đẩy lùi. Hiện bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết lại có xu hướng gia tăng và nguy cơ bùng phát thành dịch. Trong khi chúng ta đang nỗ lực phòng chống các dịch bệnh nói trên thì một dịch bệnh mới có nguồn gốc từ Trung Đông (gọi là Hội chứng viêm phổi Trung Đông do vi rút corona đang lây lan từ Arập - Xê út sang các nước và nguy cơ lan sang Việt Nam là không nhỏ. Đây là những thách thức lớn không chỉ ngành Y tế mà là cả cộng đồng xã hội. Trong cuộc chiến với các dịch bệnh nguy hiểm này, chúng ta phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh nhân dân để phòng, chống dịch bệnh.
Người dân cần có kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch bệnh, từ đó thực hiện hành động có lợi cho sức khỏe. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi người dân yếu ớt thì cả xã hội yếu ớt, mỗi người dân khỏe mạnh thì cả xã hội khỏe mạnh. Muốn khỏe mạnh thì không bị ốm đau, muốn không bị ốm đau thì phải ăn ở sạch sẽ. Ta tuy còn nghèo nhưng không ai cấm ta ăn ở sạch sẽ”. Những lời Bác dạy hết sức đơn giản nhưng đã bao quát, quán triệt một cách sâu sắc tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói riêng, sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung.
Muốn người dân hiểu, có thái độ tích cực thì công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe rất quan trọng, nhất là trong học sinh. Để học sinh nghe, hiểu và làm theo các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh thì vai trò của giáo viên có tính quyết định. Nhiều học sinh trong giao tiếp với mọi người, với cha mẹ thường hay nói: “Thầy, cô con nói thế này, hay thầy cô con nói thế nọ...”. Điều đó cho thấy lời nói của thầy, cô giáo có tác dụng rất lớn trong thay đổi thái độ và hành vi của học sinh. Hơn nữa các dịch bệnh như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết... xảy ra nhiều ở lứa tuổi học đường. Giáo viên cần quan tâm cung cấp kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho các em như: vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh trường lớp, vệ sinh nhà cửa, môi trường, sử dụng nước sạch, ăn chín uống sôi...
Nếu các thầy cô giáo mỗi giờ lên lớp hay trong các tiết sinh hoạt, chỉ cần tranh thủ thời gian hướng dẫn các em những biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì chắc chắn chúng ta sẽ không để dịch bệnh xảy ra, cũng như ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung Tâm TTGDSK Phú Yên