Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong công tác điều trị tại đơn vị. Cùng với đó, thực hiện Đề án 1816, bệnh viện đã hỗ trợ, chuyển giao cho tuyến huyện những phương pháp mới hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao cho người dân.
Những kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng được triển khai từ đầu năm 2013 đến nay tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được đánh giá hiệu quả như: Rửa quả lọc thận trên hệ thống máy rửa quả lọc thận nhân tạo, Holter huyết áp điện tâm đồ 24/24, kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản sau phúc mạc, kết hợp xương kín vùng hàm mặt dưới C-Arm, đo chức năng hô hấp, phẫu thuật hội chứng ống cổ tay, ghép kết mạc, kết hợp xương kín đầu dưới xương cánh tay trên màn hình tăng sáng, điện di Protein, X-Quang kỹ thuật số, siêu âm Doppler màu tim/mạch máu, xét nghiệm HbA1C, xét nghiệm định lượng Feritin, đo độ cồn trong máu.
Bệnh viện cũng đã triển khai một số kỹ thuật cao về lâm sàng và cận lâm sàng như: CTScanner - 64 lát cắt, kỹ thuật chụp và đọc MRI; đã ký hợp đồng với Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đọc phim qua mạng đối với những trường hợp khó, điện di Hemglobin, xét nghiệm miễn dịch học, xét nghiệm PCR, điện di huyết sắc tố. Năm 2013, bệnh viện đã thực hiện thành công 16 ca phẫu thuật thay khớp háng, 11 ca phẫu thuật thay khớp gối và 9.138 lượt chạy thận nhân tạo. Tất cả những kỹ thuật này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao trong chuyến về thăm và làm việc tại Phú Yên vào cuối năm 2013. Đặc biệt, một số kỹ thuật y tế ở bệnh viện hạng 1 vẫn được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (bệnh viện hạng 2). Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho rằng: Việc triển khai những kỹ thuật trên nhằm nâng cao tay nghề, tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Điều này vừa mang tính nhân văn, vừa rất có ý nghĩa đối với những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong thời gian gần đây, có những trường hợp thập tử nhất sinh, bệnh viện đã cấp cứu và cứu sống. Bà Lê Thị Trúc (phường 5, TP Tuy Hòa) cho biết: “Tôi có người cháu được phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Sau khi xuất viện, cháu tôi đi lại ổn định. Phẫu thuật tại tỉnh nên đỡ tốn kém về chi phí đi lại”.
Sắp tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập đơn nguyên y học hạt nhân và đưa vào sử dụng máy Spect, dưới sự giúp đỡ về chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Việc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế (2013) là nền tảng để bệnh viện mở rộng, ứng dụng đa dạng các kỹ thuật y tế tiên tiến, nhằm phục vụ cao hơn nữa, hiệu quả và an toàn hơn nữa trong khám chữa bệnh.
Theo bác sĩ Trúc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có nhiều cơ hội quý để phát triển theo chiều sâu, trên cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện đầu tư phát triển theo định hướng tim mạch, ung bướu, cơ xương khớp và một số chuyên khoa khác. Việc bệnh viện cải tiến quy trình đón tiếp người bệnh; thủ tục khám và nhận thuốc rút ngắn thời gian chờ đợi; chú trọng công tác chăm sóc người bệnh toàn diện; quán triệt quy tắc ứng xử trong đội ngũ cán bộ viên chức bệnh viện… giảm sự chê trách về tinh thần phục vụ người bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh viện cử cán bộ luân phiên chuyển giao một số kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng cho bệnh viện huyện nhằm phát huy hiệu quả của tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến trên, như: Sử dụng dao điện trong phẫu thuật, sử dụng máy thở, sử dụng máy đo chức năng hô hấp, nội soi dạ dày tá tràng, kỹ thuật sốc điện, sử dụng máy gây mê, phẫu thuật kết hợp xương nhỏ, chọc hút Abces, u, dịch dưới siêu âm, và các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm Triglyceric, HDL, LDL, xét nghiệm tổng quát, đọc điện tim… Bác sĩ Nguyễn Tấn Khoa, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phụ trách công tác thực hiện Đề án 1816, cho biết: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh có nhiều giải pháp giúp các bệnh viện huyện nâng cao kỹ năng thực hành, ứng dụng nhiều thành tựu mới vào cấp cứu, khám và điều trị hiệu quả; giúp sử dụng hiệu quả các trang thiết bị y tế. Ngoài ra, trong quá trình luân phiên về công tác tại tuyến huyện, các bác sĩ đã tham gia điều chỉnh một số điểm chưa phù hợp trong chuyên môn và quản lý khoa, phòng. Năm 2014, chúng tôi tập trung hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện Sơn Hòa, Sông Hinh và Phú Hòa”. Theo bác sĩ Hoàng Kim Châu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa, trong thời gian qua ngoài chuyển giao một số kỹ thuật tiên tiến, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ bệnh viện huyện cấp cứu một số trường hợp tắc ruột, cắt ruột thừa viêm khó, hoại tử mạc treo hồi tràng, phù phổi cấp sau sinh… Có thể nói, nhờ sự trợ giúp này, Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa được nâng cao năng lực điều trị và sử dụng có hiệu quả trang thiết bị y tế.
MINH TUẤN