10 năm qua, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam thực hiện dự án Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý, mang lại những kết quả khả quan. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Phú Yên xung quanh dự án này.
* Bác sĩ có thể cho biết những nội dung cụ thể của dự án được triển khai trong thời gian qua?
- Dự án Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý được thực hiện tại Phú Yên 10 năm qua gồm các hợp phần chính: Xây dựng năng lực; phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và giáo dục hòa nhập; kế hoạch thôn; tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo; dự án nhóm nhỏ; sức khỏe người cao tuổi; trẻ em suy dinh dưỡng; sức khỏe tâm thần. Đối tượng hưởng lợi của dự án gồm: Người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi… ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân.
Dự án đã thực hiện đúng mục đích là nâng cao quyền cho cộng đồng thông qua phương pháp cùng tham gia và lập kế hoạch từ dưới lên. Với sự hỗ trợ của các nhóm đã qua tập huấn, người dân tham gia xác định vấn đề, vấn đề ưu tiên, phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp và lập kế hoạch thực hiện. Dự án còn hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng trong quá trình đưa ra quyết định; tạo cơ hội cho cộng đồng tiếp cận các nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ và phát triển của chính họ.
* Những kết quả đạt được là gì, thưa bác sĩ?
- Có thể nói hiệu quả rõ nhất của dự án là giúp người khuyết tật phát triển sức khỏe toàn diện, hòa nhập cộng đồng, điển hình ở huyện Phú Hòa. Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại Phú Hòa từ năm 1998 đến nay. Đặc biệt là từ năm 2006, được sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam qua dự án Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý, hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng ở Phú Hòa càng tích cực, năng động hơn; mở rộng phạm vi hoạt động giúp người khuyết tật ở 3 xã Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Quang Bắc không những phục hồi về thể chất mà còn biết làm kinh tế, tự vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Phú Hòa có 285 người khuyết tật được hỗ trợ 1,675 tỉ đồng (bình quân mỗi người khuyết tật được hỗ trợ từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng). Số người tiến bộ trong PHCN ở huyện là 236/335 người; 175 người đã hòa nhập cộng đồng. Chương trình đã hỗ trợ 51 trẻ khuyết tật được đến trường; hỗ trợ kiến thức làm ăn và các nghề khác như uốn tóc, sửa chữa xe, điện cơ và hỗ trợ hình thành nhóm tự lực: thêu đan, bó chổi, làm nhang, đúc chậu kiểng… cho 135 người. 43 trẻ em được phẫu thuật mắt, chân khoèo, hỗ trợ dinh dưỡng, ngôn ngữ trị liệu kết hợp giáo dục hòa nhập.
Có thể nói, dự án Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý góp phần tăng cường sự công bằng trong phát triển; tập trung hỗ trợ cho người dân trong cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng yếu thế; khuyến khích và đảm bảo sự tham gia của nhóm đối tượng trong toàn bộ quá trình phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người thiệt thòi tại các vùng có chương trình Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý. Đồng thời, qua thực hiện, dự án đã nâng cao ý thức cộng đồng về bình đẳng giới; khuyến khích sự phối hợp giữa các ban, ngành trong hoạt động hỗ trợ người yếu thế.
* Ở tuyến huyện chưa có hội người khuyết tật, nhưng tại các xã có triển khai dự án đều được thành lập hội người khuyết tật. Hội viên người khuyết tật được hưởng quyền lợi gì?
- Mỗi xã có dự án đều thành lập hội người khuyết tật. Hội viên là những người khuyết tật sau khi được giải thích về quyền và nghĩa vụ, đã tự nguyện nộp đơn xin gia nhập hội. Mục tiêu thành lập hội người khuyết tật là hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội tiếp cận các dịch vụ PHCN, nâng cao nhận thức phát triển kỹ năng, tạo sân chơi bình đẳng, giao lưu và động viên học hỏi kinh nghiệm; tham gia hoạt động xã hội hướng đến PHCN toàn diện.
Hoạt động sinh hoạt hội những năm qua đã tạo cho người khuyết tật thể hiện tài năng trước cộng đồng dân chúng địa phương. Mỗi hội người khuyết tật đã phối hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức văn nghệ gây quỹ, được người dân đồng tình ủng hộ; phối hợp với Hội Y tế thôn bản tổ chức giao lưu nhân Ngày Người khuyết tật (18/4). Nhiều bạn trẻ khuyết tật được tham gia diễn kịch tại địa phương, tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ với các đơn vị tại Quảng Trị, Đắk Lắk, Hà Nội…
* Dự án có tiếp tục triển khai tại Phú Yên sau tổng kết 10 năm, thưa bác sĩ?
- Dự án Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý thật sự mang lại nhiều ý nghĩa cho cộng đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam lập kế hoạch cho những năm tiếp theo để giúp những đối tượng yếu thế hòa nhập.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
VŨ HOÀNG (thực hiện)