Thời gian qua, ngành Y tế Phú Yên đã chủ động phòng, chống nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện bệnh sởi và bệnh tay chân miệng vẫn còn diễn biến phức tạp vì địa bàn mắc rộng. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
KHỐNG CHẾ BỆNH SỞI
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 77 ca sốt phát ban nghi sởi. Qua 41 mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang kiểm định, kết quả phát hiện 16 mẫu dương tính, rải rác trong 9 xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố. 2 ổ dịch tại thị trấn Phú Hòa (Phú Hòa) và xã An Lĩnh (Tuy An) đã được xử lý. Đặc biệt tại ổ dịch ở thôn Định Thọ, thị trấn Phú Hòa với 7 trường hợp mắc cùng một nhóm tuổi, một thời điểm và biểu hiện lâm sàng như nhau. Ngành Y tế tỉnh đã áp dụng chống dịch bằng việc cách ly điều trị, tuyên truyền vận động, khử trùng dụng cụ bằng Cloramin B; đồng thời, triển khai chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi cho 600 trẻ từ 25 tháng đến 10 tuổi trong thôn. Ổ dịch xảy ra đúng dịp nghỉ lễ dài ngày nên học sinh không đến trường, hạn chế lây nhiễm.
Hiện tại Phú Yên không phải vùng nguy cơ cao mắc bệnh sởi. Tỉnh không có đường biên giới với các quốc gia khác, chưa bị ảnh hưởng trực tiếp về dịch sởi từ các tỉnh lân cận. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 16 ca mắc sởi, 2 đối tượng mắc chủ yếu là: ở lứa tuổi lớn tiền sử tiêm vắc xin sởi không rõ và trẻ ở lứa tuổi dưới 9 tháng chưa tiêm vắc xin sởi. Thực tế, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi ở Phú Yên trong năm 2013 đạt cao (mũi 1 đạt 99,3%, mũi 2 đạt 94%); tỉ lệ tiêm vét vắc xin sởi mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 96,8%. Những trẻ mắc bệnh sởi do thời điểm tiêm chủng, bé theo cha mẹ làm ăn xa; những trẻ tiêm vắc xin sởi nhưng do thời điểm tiêm trẻ mắc bệnh khác và phải uống thuốc điều trị nên mất miễn dịch đối với bệnh sởi; một số trẻ có cơ địa không tạo miễn dịch.
Ông Biện Ngọc Tân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác giám sát thường xuyên trong hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ tuyến cơ sở, phát hiện sớm tất cả các ca bệnh nghi sởi ở cộng đồng và các cơ sở y tế; giám sát các trường hợp tiếp xúc với ca nghi ngờ mắc bệnh sởi, rubella, những người đã sống ở vùng có dịch hoặc đã đến những vùng có dịch trong thời gian lây truyền; tổ chức thu nhập mẫu bệnh phẩm, tập trung lấy mẫu ở những ca bệnh đầu tiên ở địa phương, những ca bệnh nặng…
GIÁM SÁT CHẶT BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Đối với bệnh tay chân miệng, toàn tỉnh ghi nhận 114 ca mắc (không có trường hợp tử vong) nằm rải rác ở 54 xã, phường trên 9 địa phương và hình thành 3 ổ dịch nhỏ tại thôn Lạc Mỹ (xã Hòa Phú, Tây Hòa). Số ca mắc được điều tra dịch tễ là 62/114, lứa tuổi mắc từ 1 đến 3 tuổi. Nhận định tình hình bệnh, ông Biện Ngọc Tân, cho biết: Bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp vì đang lưu hành 2 chủng vi rút là Coxsackie A16 và Enterovirus 71, địa bàn mắc rộng. Thời điểm hiện tại bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng nhưng chưa mạnh, khả năng dập dịch hoàn toàn rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Từ khi có chùm ca bệnh đầu tiên, tất cả các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở đã phân công cán bộ bám sát từng khu vực, tổ chức giám sát chủ động điều trị dịch tễ, phát hiện ca bệnh… Cùng với đó, hệ thống y tế dự phòng và điều trị ở các tuyến đã có sự phối hợp khá chặt chẽ trong việc thông tin, điều tra, giám sát, xử lý ca bệnh. Nhờ vậy, số liệu thống kê, báo cáo giám sát kịp thời và chính xác. Ngoài ra, ngành Y tế còn cử cán bộ bám sát, tư vấn, hướng dẫn cho giáo viên, bảo mẫu các biểu hiện ban đầu của bệnh tay chân miệng ở trẻ để kịp thời phát hiện, khai báo với cơ quan y tế; cấp phát hóa chất Cloramin B và hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường, lau rửa sàn nhà, vệ sinh cá nhân, dụng cụ sinh hoạt của trẻ…
Tính đến cuối tuần qua (tuần 20), Phú Yên ghi nhận 158 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 5 ổ dịch nhỏ tại 8/9 địa phương. Trong đó, huyện Phú Hòa có số mắc nhiều nhất (79 ca), tiếp đến là TP Tuy Hòa (24 ca), huyện Đông Hòa (20 ca). Huyện Đồng Xuân chưa ghi nhận trường hợp nào mắc sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh giảm 4 lần (158/644 ca), tuy nhiên theo nhận định của Viện Pasteur Nha Trang bệnh sốt xuất huyết ở Phú Yên hiện có xu hướng gia tăng.
Theo ông Biện Ngọc Tân, để đối phó với dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và chi tiết cho từng hoạt động phòng, chống sởi và bệnh tay chân miệng; ban hành nhiều công văn, củng cố ban chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công trách nhiệm từng thành viên ở các tuyến; củng cố đội cơ động phòng, chống dịch ở từng tuyến, bao gồm cán bộ dịch tễ, xét nghiệm, xử lý môi trường và lâm sàng; dự trù đầy đủ vắc xin, dụng cụ tiêm chủng, vật tư, hóa chất và trang thiết bị phòng, chống bệnh truyền nhiễm. |
VŨ HOÀNG