Năm 2013, tại Phú Yên đã phát hiện thêm hơn 1.500 bệnh nhân lao, trong đó tới hơn 1.000 bệnh nhân mắc lao phổi, có BK (+) hay còn gọi là vi khuẩn lao dương tính trong đàm, là thể bệnh gây lây nhiễm cho cộng đồng. Tuy vậy, chúng ta mới chỉ phát hiện được gần 60% số người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng. Vì vậy mỗi người cần chủ động biết cách phát hiện để được chẩn đoán và điều trị lao kịp thời.
Tỉ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng cao - Ảnh: T.THỦY
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Bệnh lao có thể tấn công bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, nhưng nó thường hay tấn công vào phổi (80 đến 85%). Bệnh lao phổi dễ dàng lây từ người này sang người khác. Một người mắc lao có thể lây sang 10 đến 15 người/ năm. Nếu không được điều trị thì bệnh lao sẽ diễn tiến nặng lên và gây chết.
Bệnh lao phổi lây qua đường hô hấp. Người bệnh lao phổi khi ho, hắt hơi, khạc đàm làm văng ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao và lơ lửng trong không khí. Người ở gần có thể hít phải vi khuẩn lao vào phổi. Nhưng chúng ta không bị lây nhiễm lao qua bắt tay, dùng chung ly chén hoặc dùng chung bồn vệ sinh.
Hãy nghĩ đến bệnh lao phổi, khi bạn ho khạc đàm kéo dài trên 2 tuần và có thể kèm theo ăn không ngon, mệt mỏi và sụt cân, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm về đêm, đau ngực, hoặc ho ra máu. Nếu có ho kéo dài trên 2 tuần, bạn hãy đến ngay các trạm y tế hoặc tổ chống lao các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và Trạm chuyên khoa lao tỉnh để được khám phát hiện bệnh lao.
Bạn sẽ được khám, xét nghiệm đàm và nếu cần sẽ được chụp X-quang phổi để chẩn đoán bệnh lao phổi. Nếu xác định đúng là mắc lao, bạn sẽ được tiếp nhận để điều trị, cấp thuốc lao và theo dõi điều trị cho đến khi lành bệnh. Thuốc chống lao được cấp miễn phí. Tổ chống lao trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố sẽ chuyển bệnh nhân lao về trạm y tế phường, xã, thị trấn nơi cư trú để được tiếp tục điều trị cho đến khi lành bệnh hẳn. Việc khám, xét nghiệm và điều trị lao không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú.
Bệnh lao sẽ được chữa lành nếu được điều trị theo nguyên tắc đúng, đủ, đều:
- Điều trị đúng các loại thuốc lao, theo đúng liều lượng do cán bộ y tế kê đơn và cấp thuốc.
- Điều trị đủ thời gian, liên tục trong ít nhất 6 tháng.
- Điều trị đều đặn mỗi ngày, một lần duy nhất vào buổi sáng lúc bụng đói.
Nếu người mắc lao không được điều trị đúng cách, bệnh lao sẽ diễn tiến nặng hơn, có thể dẫn đến tử vong. Điều trị lao không đúng cách còn làm cho vi khuẩn lao kháng lại thuốc sẽ rất khó điều trị hết bệnh. Vi khuẩn lao kháng thuốc có thể lây cho gia đình và cộng đồng.
Nên chủng ngừa lao cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em dưới 1 tuổi; giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời chiếu vào. Điều trị hết bệnh lao là cách tốt nhất để phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng.
BS ĐOÀN HÙNG ÁNH
Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa