Thứ Năm, 28/11/2024 12:34 CH
Thực hiện Đề án 1816 lĩnh vực Sản - Nhi:
Giảm tỉ lệ tai biến, tử vong
Thứ Hai, 23/12/2013 14:00 CH

Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên vừa được nhận sự giúp đỡ của tuyến trên, vừa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tuyến dưới theo tinh thần Đề án 1816. Từ đó, năng lực hoạt động tại Bệnh viện Sản - Nhi và bệnh viện tuyến dưới có những bước phát triển mới; ứng dụng nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh.

mo131223.jpg

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên phẫu thuật ngoại tiết niệu - Ảnh: Q.HỘI

TIẾP NHẬN NHỮNG KỸ THUẬT MỚI

Chương trình 1816 trong năm 2013, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên được Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật đo huyết áp động mạch xâm lấn và tập huấn chuyển giao kỹ thuật ngoại niệu, ngoại tiêu hóa.

Bác sĩ Nguyễn Thành Huy, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, cho biết: “Khóa chuyển giao kỹ thuật này kéo dài khoảng 2 tháng. Lúc thực hiện, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 mang theo trang thiết bị và cầm tay chỉ việc, thực hiện trên một bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng. Áp dụng phương pháp đo huyết áp động mạch xâm lấn sẽ theo dõi sát bệnh hơn, phục vụ tốt công tác điều trị. Với những trường hợp bị sốt xuất huyết nặng từ 1 đến 2 giờ phải lấy máu một lần thì sẽ phức tạp đối với những trẻ khó tìm ven. Việc áp dụng phương pháp này sẽ thuận tiện hơn, nối động mạch sẵn, muốn lấy máu lúc nào thì lấy.

Huyết áp động mạch xâm lấn là tiêu chuẩn vàng để xác định huyết áp; theo dõi huyết áp liên tục, chính xác; điều chỉnh lượng dịch chống sốc thích hợp; lấy máu động mạch để xét nghiệm khí máu nhiều lần. Chỉ định điều trị sốc kéo dài trên bệnh nhân hạ huyết áp nặng; nguy cơ rối loạn huyết động trong và sau phẫu thuật (đặc biệt là phẫu thuật tim và mạch máu lớn); trường hợp bệnh sốt xuất huyết (độ III, IV có tái sốc), tay chân miệng (độ III, IV), viêm cơ tim nặng…

Qua 2 lần chuyển giao kỹ thuật mổ, các bác sĩ đã tiến hành mổ 31 ca. Sau mổ, các cháu đều ổn định, xuất viện. Bác sĩ Hoàng Cao Nhã, Trưởng khoa Ngoại cho biết: “Bệnh viện đã từng làm phẫu thuật bệnh lý ống bẹn. Chúng tôi học thêm phẫu thuật tạo hình lỗ tiểu thấp và tạo hình vùi dương vật. Nhưng phẫu thuật này phải học thêm nhiều lần nữa, chúng tôi mới có thể làm độc lập. Qua chuyển giao của tuyến trên, chúng tôi nắm kỹ hơn những kiến thức cơ bản thiết yếu để các bác sĩ nhận biết được các dị tật bẩm sinh về tiêu hóa cũng như tiết niệu đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, trưởng đoàn bác sĩ về hỗ trợ phẫu thuật tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, nói: “Đây là một bệnh viện mới tách ra hơn 1 năm nay nhưng cũng đã đảm đương dần các phẫu thuật dị tật bẩm sinh. Trong đợt khám bệnh tại Phú Yên giữa tháng 12 này, chúng tôi thấy các bệnh nhi đều ở lứa tuổi lớn; việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ sẽ có những hậu quả nguy hiểm như thoát vị bẹn có nguy cơ nghẹt và hoại tử ruột; tinh

hoàn ẩn ở những trẻ lớn nguy cơ ung thư tinh hoàn rất cao và gây vô sinh; hẹp da quy đầu với nhiều lần viêm nhiễm gây xơ chai da quy đầu cũng có nguy cơ gây ung thư dương vật về sau; tật lỗ tiểu đóng thấp có trẻ 14 tuổi vẫn chưa được điều trị gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý cũng như chức năng… Ngoài ra, việc tập huấn cũng giúp các bác sĩ 2 bệnh viện có sự trao đổi cập nhật kiến thức. Chúng tôi cũng biết họ cần gì để có những đợt chuyển giao hiệu quả về sau”.

HỖ TRỢ TUYẾN HUYỆN

Trong năm 2013, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh hỗ trợ cho 2 bệnh viện Phú Hòa và Sơn Hòa. Với Bệnh viện Sơn Hòa, Bệnh viện Sản - Nhi giúp điều trị băng huyết sau sinh. Bác sĩ Hoàng Kim Châu, Giám đốc Bệnh viện Đa

khoa huyện Sơn Hòa, cho biết: “Bệnh viện Sản - Nhi hỗ trợ chúng tôi thực hiện điều trị băng huyết sau sinh, hồi sức sơ sinh. Nhờ sự trợ giúp tận tình của các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi trong nghiệp vụ, nhắc nhở những vấn đề sai sót xảy ra, những trường hợp có vấn đề xử trí gấp, từ đó tình hình điều trị bệnh ở đơn vị cải thiện hơn, tỉ lệ tai biến giảm rõ rệt. Chúng tôi chỉ chuyển lên tuyến trên những trường hợp có nguy cơ thiếu máu và những trường hợp có bệnh lý tim mạch kèm theo”.

Với Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Hòa, Bệnh viện Sản - Nhi đưa bác sĩ về hỗ trợ nhiều lĩnh vực ở sản khoa. Bệnh viện Sản - Nhi tăng cường mỗi tuần 2 bác sĩ và chuyển giao trong 2 tháng. Bác sĩ Hồ Văn Thanh, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: “Bác sĩ tuyến tỉnh đứng theo dõi, hỗ trợ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Hòa mổ 14 ca và họ tự làm 4 ca. Từ đó, người dân ở Phú Hòa tin tưởng năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện này hơn, tạo bộ mặt mới cho Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Hòa. Năm tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ để củng cố phát triển Khoa Sản của bệnh viện này, tiến tới điều trị, phẫu thuật u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung, cấp cứu, đồng thời giúp thêm lĩnh vực hồi sức sơ sinh và truyền máu”.

Cũng theo bác sĩ Thanh, niềm vui trong năm nay là tính đến thời điểm này, bệnh viện đã giảm tỉ lệ tai biến sản khoa; không có trường hợp chết mẹ; tỉ lệ tử vong sơ sinh giảm rõ rệt (giảm 50%) so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi đã giúp được nhiều cho tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng điều trị các bệnh về sản - nhi.

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek