Bước vào thiên niên kỷ thứ III, nhân loại đứng trước những thách thức mới trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Chỉ hơn một thập niên trong thế kỷ đầu, nhiều bệnh mới xuất hiện, nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trên diện rộng đang là mối đe dọa đến sức khỏe của con người trên phạm vi toàn cầu.
Chạy bộ là một trong những cách rèn luyện sức khỏe - Ảnh: M.CHÂU
Nhiều tác nhân gây bệnh trước đây hầu như không gây bệnh cho người đến nay “bỗng nhiên” gây bệnh nguy hiểm, nhiều bệnh mới xuất hiện đang thách thức các nhà khoa học để tìm ra giải pháp phòng chống bệnh. Trong xu thế phát triển của nhân loại, sự phát triển của giao thông liên lạc, xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay đã đem đến cho từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ có điều kiện hơn trong quá trình phát triển và phồn vinh. Tuy nhiên xét trên bình diện dịch tể, sự toàn cầu hóa cũng tạo nên điều kiện thuận lợi cho dịch, bệnh từ quốc gia, vùng lãnh thổ này sang quốc gia, vùng lãnh thổ khác rất nhanh, dẫn đến khả năng bùng phát đại dịch làm khó khăn cho quá trình phòng, chống dịch.
Điểm qua một số dịch bệnh xảy ra trong hơn 10 năm qua cho thấy, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân đang mang tính toàn cầu. Đầu tiên là dịch SARS bùng nổ ở Trung Quốc, sau đó nhanh chóng lây lan qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hongkong, Canada, Thái Lan, Việt Nam; dịch cúm gia cầm (H5N1) từ gia cầm lây sang người đầu tiên ở Hongkong sau vài tháng đã sang nhiều quốc gia khác gây thiệt hại nhiều về kinh tế và sức khỏe; cúm A/H1N1 chỉ vài tháng đã lây từ châu Mỹ sang các châu lục khác; hay mới đây nhất là dịch cúm A/H7N9 xảy ra ở Trung Quốc với trên 150 trường hợp mắc bệnh và trên 40 trường hợp tử vong đã lan sang Hongkong và đang đe dọa các nước trong khu vực. Vì vậy việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân hiện nay đòi hỏi phải có tư duy mới, mang tính toàn cầu và phối kết hợp giữa các khu vực, các quốc gia với nhau mới đem lại hiệu quả cao.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, với tư tưởng chủ động, phòng bệnh hơn chữa bệnh, lấy phòng bệnh là chính, bảo vệ sức khỏe phải dựa trên cộng đồng và muốn bảo vệ sức khỏe cho mình phải chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, huy động cả cộng đồng tham gia. Theo tư tưởng của Người, chăm sóc sức khỏe phải trên cả 3 mặt: Thể chất, tinh thần và xã hội. Điều này được thể hiện qua bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc năm 1946. Người định nghĩa: “Khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, thế là sức khỏe”, quan điểm này của Bác đến năm 1978, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng định nghĩa tương tự: “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay tật”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của sức khỏe và vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe trong kháng chiến và kiến quốc: Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. “Dân cường thì quốc thịnh”. “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vị trí trung tâm của mọi hoạt động và quyền được sống là quyền cao nhất của con người. Khi được sống thì sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất, nếu không có sức khỏe thì chẳng làm được gì. Chính vì vậy mà Người dạy chúng ta: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Ðó chính là tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của sức khỏe và vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe.
Có một điều mà chúng ta cần nhận thức sâu sắc, đó là ngay khi cách mạng còn nhiều khó khăn, gian khổ, đời sống của nhân dân còn gian nan, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng vị trí của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Người cho rằng: “Sạch sẽ thì ít ốm đau. Có sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn”. Như vậy, không phải chỉ khi nào “có ăn” mới lo giữ sức khỏe. Người còn dạy: “Mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ”. Ðành rằng kinh tế có phát triển thì mới có tiền để mua trang thiết bị dùng để nâng cao chất lượng phòng bệnh và chữa bệnh. Nhưng không vì thế mà lãng quên hoặc coi nhẹ mọi hoạt động của công việc chăm sóc sức khỏe ngay khi bắt đầu xây dựng kinh tế...
Hiện nay khi nền kinh tế của nước ta đã và đang phát triển mạnh mẽ, trong lĩnh vực y học đã có những bước tiến vượt bậc, chúng ta đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, nhiều kỹ thuật hiện đại được áp dụng để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Chúng ta có quyền tự hào về những kết quả đó, tuy nhiên đứng trước nguy cơ nhiều dịch bệnh nguy hiểm có thể xâm nhập vào Việt Nam gây thành dịch, chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác, chủ động phòng tránh tích cực, không để dịch bệnh bùng nổ mới triển khai phòng chống.
Chúng ta học tập và vận dụng tư tưởng của Bác: “Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Hơn bao giờ hết, trước những thách thức mới trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phải chủ động, phòng bệnh là chính. Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng phải chung tay xây dựng đời sống mới, cùng tham gia bảo vệ môi trường, rèn luyện thể dục thể thao, vệ sinh môi trường.
BS NGUYỄN VINH QUANG
(GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên)