Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mãn tính do tuyến tụy không tiết hoặc tiết không đủ insulin cho quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể gây nên tình trạng gia tăng đường máu quá mức, dẫn đến hàng loạt các biến chứng nguy hiểm cho tim mạch, thận, mắt, mạch máu... ĐTĐ đang có xu hướng ngày càng tăng và là một trong các bệnh lý gây tử vong hàng đầu hiện nay ở các nước đang phát triển.
Nhiều biến chứng từ bệnh đái tháo đường, bệnh nhân phải cấp cứu - Ảnh: V.HOÀNG
Điều đáng nói ở đây là bệnh lý diễn biến từ từ, nhiều khi không có triệu chứng đặc biệt nên người bệnh không biết mình bị bệnh, chỉ đến khi có biến chứng hoặc trong một dịp tình cờ nào đó mới biết mình bị ĐTĐ.
Khi biết bị ĐTĐ, người bệnh thường có các trạng thái tâm lý như lo lắng, sợ sệt, sợ biến chứng, sợ tàn tật, chán nản và thường có mặc cảm với bệnh lý của mình. Từ các trạng thái tâm lý đó ảnh hưởng đến năng lực của bản thân cả năng lực trí tuệ, lẫn năng lực hành động. Người bệnh thường quá kiêng khem trong ăn uống và sinh hoạt nên chất lượng cuộc sống giảm đáng kể.
Với sự tiến bộ của khoa học hiện nay, nhất là trong lĩnh vực dinh dưỡng, sinh lý học, hóa dược... nhiều thuốc điều trị ĐTĐ ra đời đã là một cuộc cách mạng trong điều trị bệnh này. Hơn nữa các phương tiện kiểm soát ĐTĐ ngày càng đa dạng, tiện ích nên người bệnh có thể kiểm soát mức đường trong máu, từ đó có chế độ dinh dưỡng, thuốc men, hoạt động thể lực phù hợp.
Theo quan điểm mới hiện nay, ĐTĐ không cần phải kiêng khem quá mức như trước đây, người bệnh cũng có thể thưởng thức ít vị ngọt của cam, chuối, chè hoặc những thứ mình ưa thích nhưng với điều kiện phải kiểm soát mức đường huyết dưới 140mg/dl (mức đường huyết sau khi ăn 2 giờ); cũng có thể uống 1 ly rượu nhỏ hàng ngày (60ml đối với rượu mạnh, 100 đến 150ml rượu nho) hay 330ml bia sẽ tốt cho tim mạch.
Đặc biệt yếu tố tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống bệnh nói chung, bệnh ĐTĐ nói riêng. Người xưa có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” hoàn toàn chính xác. Vào những năm 1972-1975 các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy một chất do não tiết ra và đặt tên là enkephalin, chất này có tác dụng làm giảm đau, giảm lo âu, chống quá trình oxy hóa khử, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Sau này các nhà khoa học đặt tên cho enkephalin là endorphin (morphin do cơ thể tạo ra), với những tác dụng kỳ diệu của mình, endorphin đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Thử tưởng tượng, nếu không có endorphin thì chỉ cần một mũi kim châm vào tay, chúng ta cũng không thể chịu nổi cảm giác đau do kim gây ra, hay không có endorphin thì con người không thể chịu được gánh nặng tâm lý do lo âu, cũng như không có endorphin con người sẽ “rất chóng già” do thiếu yếu tố chống lại quá trình oxy hóa... Vì vậy, tạo được trạng thái tâm lý thoải mái rất có lợi trong quá trình kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ.
Bệnh ĐTĐ cho đến hiện nay vẫn chưa điều trị khỏi hẳn, nhưng có thể kiểm soát được bệnh nếu người bệnh tuân thủ các khuyến cáo của bác sĩ. Đối với bệnh ĐTĐ, nhất là ĐTĐ týp II (không phụ thuộc insulin) thì chế độ ăn, sử dụng thuốc hạ đường huyết, có chế độ thể dục thể thao là 3 biện pháp trị liệu không thể thiếu. Có trường hợp điều chỉnh chế độ ăn đã có hiệu quả, có trường hợp phải phối hợp cả 3 liệu pháp mới có hiệu quả. Tuy nhiên vì bệnh nhân ĐTĐ thường phải tuân thủ các khuyến cáo của bác sĩ nên họ luôn cảm thấy mình “bị hạn chế” nhiều mặt từ ăn uống, sinh hoạt, lao động dẫn đến chất lượng sống của bản thân thấp.
Để có chất lượng sống tốt, thiết nghĩ bệnh nhân ĐTĐ cần có cách nhìn đúng về bệnh, từ đó điều chỉnh việc ăn uống, sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí phù hợp. Cụ thể, người bệnh không nên kiêng khem quá mức nhưng phải thường xuyên kiểm tra đường huyết để quyết định ăn uống phù hợp vừa đủ chất, vừa đủ lượng không để hạ đường huyết cũng như không để mức đường trong máu quá cao. Sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, hoạt động thể lực đều đặn vừa đảm bảo được yêu cầu tiêu năng lượng, điều hòa được chuyển hóa đường, chuyển hóa mỡ nhưng không quá sức. Người bệnh cần thường xuyên tạo cho mình tâm lý thoải mái để giúp não bộ tiết ra endorphin; cần biết rằng nếu phát hiện sớm ĐTĐ, kiểm soát tốt thì người bị ĐTĐ có tuổi thọ trung bình giảm không đáng kể so với người không bị ĐTĐ.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên