Đái tháo đường, còn gọi là bệnh tiểu đường hay bệnh dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước. Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư…
Bệnh nhân bệnh tiểu đường suy thận, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi - TP Hồ Chí Minh |
Báo động về tỉ lệ bệnh ĐTĐ đang ngày càng tăng ở nước ta, thạc sĩ, bác sĩ Trương Lê Vân Ngọc, chuyên viên Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế nhấn mạnh: “Thiếu kiến thức về bệnh ĐTĐ và thiếu các dịch vụ y tế có thể dẫn đến các biến chứng hết sức nguy hại như mù lòa, cắt cụt chi…”.
Năm 2012, theo công bố của Hiệp hội ĐTĐ thế giới, Việt Nam có 3,16 triệu người mắc bệnh ĐTĐ (tương đương 5,29% dân số trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi). Năm 2013, ước tính trên toàn cầu có khoảng 371 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, trong đó hơn 80% người bị bệnh ĐTĐ đang sống ở những quốc gia có thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình. Số lượng người mắc bệnh ĐTĐ trên toàn cầu dự kiến sẽ gia tăng trên 2 lần vào năm 2030. Thiếu kiến thức về bệnh ĐTĐ; những kết luận không đầy đủ, không kịp thời từ các dịch vụ y tế và thuốc thiết yếu có thể dẫn đến biến chứng gây nhiều bệnh hiểm nghèo.
Trong khi đó, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam cho biết, đầu thập niên 90, điều tra cơ bản ở Hà Nội và Huế có tỉ lệ ĐTĐ là 1%, TP Hồ Chí Minh khoảng 2,5% và trong đó 95% là ĐTĐ tuýp 2, nhưng đến 2011, tỉ lệ bệnh ĐTĐ ở Việt Nam là 5,7%; trong đó tỉ lệ cao nhất ở TP Hồ Chí Minh là 7%.
Theo nghiên cứu của Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam trên những bệnh nhân chưa mắc bệnh ĐTĐ tại các bệnh viện, biểu hiện nhiều nhất có thể dẫn đến ĐTĐ là tăng huyết áp, rồi đến lối sống ít vận động, sau đó là yếu tố trong gia đình có cha mẹ trực tiếp bị ĐTĐ hoặc anh chị em bị ĐTĐ, tiếp theo đó mới đến yếu tố thừa cân. Những yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc ĐTĐ thường thấy ở những nước phát triển và đang phát triển. Theo một số những nghiên cứu ở TP Hồ Chí Minh và cũng được thực hiện ở một số bệnh viện trên toàn quốc, bệnh nhân ĐTĐ nhập viện chủ yếu vì các biến chứng và biến chứng hàng đầu là loét nhiễm trùng bàn chân.
Các chuyên gia y tế cho biết, chi phí điều trị bệnh ĐTĐ chưa biến chứng khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng. Nếu có biến chứng, chi phí trả sẽ tăng gấp 6 lần, đặc biệt những bệnh nhân có biến chứng mãn tính phải nhập viện nhiều lần và thời gian nằm viện thường kéo dài. Những biến chứng gây tốn kém nhất khi điều trị là: loét bàn chân ĐTĐ, suy thận giai đoạn cuối cần lọc thận và bệnh tim mạch. Vì vậy, nếu chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân ĐTĐ sẽ không có biến chứng xảy ra hoặc biến chứng rất nhẹ và ít gây tốn kém.
Trong khuôn khổ chương trình “Chăm sóc ĐTĐ tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015” đã được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện, năm 2013, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam, phối hợp với Bệnh viện Nội tiết trung ương và Tập đoàn Novo Nordisk Việt Nam tổ chức chương trình Ngày hội về phòng chống bệnh đái tháo đường nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, tập thể về nguyên nhân cũng như cách phòng chống bệnh ĐTĐ và mức độ nghiêm trọng của bệnh đối với sức khỏe cộng đồng cũng như về kinh tế và xã hội.
Theo SGGPO