Rửa tay và rửa tay với xà phòng từ lâu được xem là một trong những biện pháp phòng bệnh tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh viêm gan A, E…, bệnh về giun sán rất hiệu quả. Tuy nhiên, thói quen rửa tay chưa được thực hiện một cách toàn diện, tích cực trong toàn dân, đặc biệt là trẻ em, người đang chăm sóc trẻ bệnh.
Các hộ lý thực hành thao tác rửa tay bằng xà phòng tại lớp tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện - Ảnh: V.HOÀNG
Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho thấy có từ 84 đến 88% dân số không rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống. Và với dịch tay chân miệng trong thời gian qua, dù Bộ Y tế đã nhiều lần khuyến cáo người dân, cán bộ y tế cần rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy, song thực tế ít ai thực hiện.
Theo các bác sĩ hệ dự phòng, về lý thuyết, phòng bệnh tay chân miệng thì rất đơn giản nhưng thực tế thì không phải vậy. Vì từ nhận thức đúng cho đến hành động đúng còn rất xa nên bệnh vẫn xuất hiện, đến hẹn lại lên. Đa số ai cũng biết phòng bệnh tay chân miệng (bệnh lây từ đường tiêu hóa) là rửa tay đúng, vệ sinh ăn uống, sát khuẩn, diệt khuẩn đồ chơi nơi sinh hoạt của trẻ nhưng khi thực hiện thì... quên, nhất là nhà chưa có trẻ mắc bệnh.
Tại các trường mầm non, mẫu giáo, các cháu đã được làm quen với chương trình vệ sinh học đường, được các cô tập cho thói quen rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Về nhà, không ít bé phải nhắc bố mẹ nhưng họ lại lơ chuyện. Khi được hỏi, vì sao lại bỏ qua việc rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, nhiều bà mẹ cho rằng: chỉ cần rửa tay với nước, tay nhìn thấy trắng - không mùi nghĩa là đã sạch; hoặc không nghe ai nói nhiều đến tầm quan trọng của xà phòng diệt khuẩn; hoặc có người biết nhưng quên. Trong khi đó, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần một động tác rửa tay sạch là đã giảm tới 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn… Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn được hiểu như liều vắc-xin hiệu quả, tiết kiệm mà lúc nào cũng có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe.
Các nhà khoa học đã khuyến cáo: “Rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh giúp cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào. Nó có thể làm giảm một nửa số ca tiêu chảy trên thế giới, giảm 1/2 các ca tử vong do viêm phổi và 1/4 các ca do bệnh liên quan đến hô hấp”. Bởi thế, từ năm 2008 đến nay, ngày 15/10 được chọn là “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng”, với sự kiện hàng triệu người của hơn 20 quốc gia trên thế giới cùng tham gia rửa tay với xà phòng và truyền đi thông điệp về thói quen cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng thế giới.
Vừa qua, trong những chương trình tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cho đối tượng hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ ở các bệnh viện trong tỉnh, vấn đề vệ sinh tay luôn được đề cập đầu tiên. Chị Lê Thị Tuyết Trinh, hộ lý khoa Lao Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho rằng: vấn đề tuy cũ, nhưng bằng phương pháp giảng dạy tích cực, sau khi học chúng tôi hiểu hơn mục đích của rửa tay; thực hiện thành thạo 6 bước trong quy trình rửa tay thường quy; 6 bước trong quy trình sát khuẩn tay nhanh bằng dung dịch có chứa cồn. Qua đó, các nhân viên y tế như chúng tôi có thêm kiến thức để tư vấn lại cho người nhà bệnh nhân và bệnh nhân để kiểm soát nhiễm khuẩn, góp phần đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Trong quá trình hoạt động cả ngày, chúng ta thường xuyên va chạm vào mọi người, các bề mặt và điều này tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay. Sau đó, chúng ta có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính bản thân bằng các hành động vô tình như đưa vi trùng này vào mắt, mũi hay miệng. Mặc dù, chúng ta không thể giữ tay vô trùng nhưng việc rửa tay thường xuyên có thể giúp bạn hạn chế chuyển giao và lây lan các vi khuẩn, vi rút sang người khác và ngược lại.
VŨ HOÀNG