Các nhân viên y tế thôn thường ít nói đến sự cống hiến, cũng như e ngại kể về nỗi vất vả trong nghề. Bắt tay vào công việc, họ luôn tận tâm vì sức khỏe cộng đồng.
Nhân viên Chi hội Y tế thôn bản TP Tuy Hòa phát tờ rơi tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: T.THỦY
Chưa bao giờ lực lượng y tế thôn lại hoạt động hiệu quả như thời gian gần đây. Biết chụp ảnh, quay phim và biết cách thuyết phục người dân bằng các kỹ năng đã học, họ đã góp phần giải quyết một số vấn đề tồn đọng tác động xấu đến sức khỏe con người.
NHIỆT TÌNH CỐNG HIẾN
Hôm qua (18/8), là ngày chủ nhật, nhưng nhóm nhân viên y tế thôn, khu phố gồm 10 người ở các huyện, thị xã, thành phố tụ tập về Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh tập kịch với chủ đề tuyên truyền về đục thủy tinh thể, cao huyết áp để hôm nay họ về xã vùng cao Suối Trai, huyện Sơn Hòa tổ chức truyền thông. Chị Nguyễn Thị Kim Nhũng, Phó chủ tịch Hội Y tế thôn bản TP Tuy Hòa, thành viên của đội lưu động, cho biết: “Đội gồm những người có năng khiếu, nhiệt tình và có khả năng truyền thông lưu loát. Chúng tôi tập hai vở kịch: Già đã hiểu rồi; Hiểu ra đã muộn màng với mục đích giúp bà con người dân tộc thiểu số hiểu biết hơn; tránh những mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu mà ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi trong buôn”.
Trước đó, vào đầu tháng 8, liên tục các hoạt động của nhân viên y tế tác động đến cộng đồng như truyền thông nhân Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ ở TP Tuy Hòa và các huyện; tổ chức tuyên truyền bằng “Ảnh biết nói” tại xã Hòa Thịnh (Tây Hòa), tác động đến người dân sống trong vùng không đảm bảo vệ sinh môi trường do ý thức kém.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Tổng thư ký Hội Y tế thôn bản tỉnh, người trực tiếp hỗ trợ nhân viên y tế các hoạt động, nói: Từ những nhân viên y tế vốn ít dạn dĩ, nay đã biết lập kế hoạch, lên chương trình và đứng ra tổ chức buổi lễ, các buổi truyền thông. Họ đã thật sự tự tin khi được trang bị kiến thức và kỹ năng. Tại các buổi diễn kịch, nhân viên y tế thôn đã vận động người xem cùng tham gia, từng bước tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi vốn không có lợi cho sức khỏe của người dân tại địa phương.
Ở nông thôn, việc thu gom, phân loại hay xử lý rác thải còn quá sơ sài, hay thậm chí còn không xử lý. Những hệ lụy từ rác vẫn là bài toán để chúng ta suy nghĩ. Chị Lê Thị Thu Tuyết, Chi hội phó Chi hội Y tế thôn bản huyện Đồng Xuân, nhân viên y tế khu phố Long Hà (thị trấn La Hai) nói: “Qua tổ chức truyền thông “Ảnh biết nói” tại xã Xuân Long và Xuân Sơn Bắc về vệ sinh môi trường, người dân ở các địa bàn này thấy được tác hại của việc “sống chung với rác” ảnh hưởng đến sức khỏe, đã sớm khắc phục”.
Ngày ngày, họ tham gia các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng như: Phát hiện, tham gia giám sát tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người già; sơ cứu ban đầu và chăm sóc người dân mắc bệnh thông thường; vận động, hướng dẫn bà con sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống sốt xuất huyết, nuôi con bằng sữa mẹ... Các nhân viên y tế thôn, buôn, khu phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để hướng dẫn và hỗ trợ người dân cách chăm sóc sức khỏe. Một số người bảo các chị “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Bận tối mắt với công việc, nhiều lúc các chị phải tạm gác công việc đồng áng, gia đình.
“NGHỆ SĨ” TRUYỀN THÔNG
Một số người cho rằng, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân chăm sóc sức khỏe là công việc rập khuôn và khá khô khan. Thế nhưng, các nhân viên y tế thôn bản đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Họ đưa ra nhiều sáng kiến trong công việc, đặc biệt là đổi mới, nâng cao hiệu quả truyền thông. Nhờ thế, kiến thức chăm sóc sức khỏe đã đến với người dân một cách nhẹ nhàng, vui tươi và gần gũi hơn.
Trên sân khấu truyền thông, các nhân viên y tế thôn bản giống như nghệ sĩ thực thụ. Mỗi người đảm nhận nhiều công việc khác nhau như: dàn dựng sân khấu, viết kịch bản, dẫn chương trình, ca hát, diễn kịch... Mỗi khi có lịch là anh chị em đều xách ba lô, đồ nghề lên đường. Bất kể nắng mưa, đường sá trắc trở, bước chân họ vẫn bền bỉ đến các thôn, buôn gần xa.
Chị Nguyễn Thị Tri (xã Hòa Thịnh, Tây Hòa) thổ lộ: “Thực tế, phần đông người dân hiện đã cảm thấy nhàm trước cách tuyên truyền lạc hậu, chỉ đơn thuần là hô hào và phát tờ rơi. Thế nên, những buổi truyền thông sáng tạo do đội ngũ nhân viên y tế thôn bản tổ chức khiến bà con hào hứng. Phần truyền thông bằng “Ảnh biết nói” hay các tiết mục văn hóa - văn nghệ đều được thể hiện dưới hình thức hát đối đáp, hò vè, diễn kịch… thu hút người xem”.
Bên cạnh đó, các nhân viên y tế thôn còn vận động người dân cùng tham gia biểu diễn, trả lời câu hỏi tình huống... Thế nên, phần lớn khán giả đều chăm chú theo dõi buổi truyền thông từ đầu đến cuối. Thậm chí, một số người còn nán lại động viên các nhân viên y tế thôn bản. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với những người cán bộ tận tâm.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh Phú Yên, cho biết: “Nhân viên y tế thôn là lực lượng góp phần đáng kể trong các hoạt động y tế tuyến cơ sở, nhất là trong công tác phát hiện và tuyên truyền phòng chống bệnh, dịch tại cộng đồng. Tuy nhiên, họ chỉ được nhận mức phụ cấp rất thấp, chỉ 20-50% lương cơ bản tùy theo vùng miền. Bản thân họ chưa được Nhà nước quan tâm đóng bảo hiểm y tế. Hội cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, lãnh đạo ngành Y tế để tổ chức này phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình”.
THU THỦY