Chưa bao giờ bệnh sốt xuất huyết (SXH) hoành hành tại các huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa như thời gian gần đây. Tuy chưa có trường hợp tử vong ở hai địa phương này, nhưng diễn biến của bệnh gây áp lực lớn đối với những người làm công tác y tế và chính quyền địa phương.
Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Hòa - Ảnh: T.THỦY
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, từ đầu năm đến nay toàn huyện có 284 ca SXH. Điều đáng nói là bệnh ở địa phương này chỉ rải rác trong những tháng đầu năm, nhưng hơn một tháng qua, bệnh tăng cao, có tuần lên đột biến với 64 trường hợp và chỉ trong một ngày (20/7), toàn huyện ghi nhận tới 20 ca. Theo ông Trần Như Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, bắt đầu từ năm 2012, bệnh xuất hiện rộ ở Sơn Hòa, nhưng 2013 là năm có số ca bệnh cao nhất từ trước đến giờ. Các xã có số bệnh nhân SXH cao là Sơn Phước, Sơn Hội, Sơn Nguyên và thị trấn Củng Sơn. Sơn Phước là nơi bệnh SXH xuất hiện lần đầu, nhưng cũng có số ca mắc cao nhất hiện nay, với gần 100 ca. Hiện 13/14 xã, thị trấn của Sơn Hòa (trừ xã Sơn Xuân) đều ghi nhận có ca bệnh SXH.
Bác sĩ Trần Như Tiến cho biết: “Trong thời gian qua, công tác tổng vệ sinh, diệt bọ gậy còn nhiều khó khăn. Người dân ngại phun thuốc, không coi đó là quan trọng. Thường thì mỗi ổ dịch nhỏ chỉ xử lý phun thuốc 2 lần, nhưng với Sơn Phước, chúng tôi đã phun 3 lần và tổng vệ sinh liên tục. Trong thời gian phòng bệnh, có xã chưa hỗ trợ kinh phí và nhân lực, gây nhiều khó khăn. Chúng tôi phải chi công phun thuốc 200.000 đồng/ngày/người, trong khi đó tỉnh quy định chỉ chi 60.000 đồng/ngày/người. Khó khăn là vậy, nhưng với sự cố gắng của lực lượng y tế, bệnh SXH đang có chiều hướng giảm ở Sơn Hòa. Song, với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, những người làm công tác dự phòng lại lo lắng sự bùng phát trở lại của bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa, bà Lê Thị Bích Quy (thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước), kể: “Bệnh lây lan quá nhanh. Nhà tôi có đến 6 người mắc SXH, trong đó có 3 người bệnh nặng phải chuyển xuống điều trị ở Bệnh viện tỉnh. Tôi vừa đỡ bệnh thì phải đi nuôi con dâu bệnh. Hồi giờ ở Sơn Phước mới có bệnh này, ai nấy đều rất hoang mang”. Bác sĩ Hoàng Kim Châu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa, cho biết: “Vì được tập huấn liên tục, nên công tác điều trị tại bệnh viện đã được chú trọng, thực hiện đúng phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi chỉ chuyển viện những trường hợp cảnh báo. Số lượng bệnh nhân đông nên Ban giám đốc đã tăng cường 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng từ khoa khác về hỗ trợ”.
Trong khi bệnh SXH giảm ở Sơn Hòa thì tại Sông Hinh hai tháng qua, tuần nào cũng ghi nhận trên 30 trường hợp. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị ở một bệnh viện thiếu bác sĩ trầm trọng. Bác sĩ Đỗ Văn Hòa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh, cho biết: “Bệnh viện luôn quá tải. Chỉ riêng ngày 11/8, bệnh viện điều trị 31 ca SXH. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại đây luôn ở mức 80 đến 85 bệnh, trong khi chỉ tiêu 50 giường, nên nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường. Chúng tôi cố gắng điều trị, nhưng những trường hợp quá khả năng thì sẽ giải quyết chuyển viện kịp thời”.
Lo lắng cho tình hình bệnh SXH ở huyện Sông Hinh, bác sĩ Trần Minh Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: “Tình hình bệnh ở địa phương đang diễn biến phức tạp. Về khách quan là do thời tiết tạo thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Còn về phía chủ quan vẫn là do ý thức của người dân. Ngay tại thị trấn Hai Riêng, ý thức người dân trong phòng bệnh vẫn chưa cao. Cán bộ y tế đem tờ rơi tuyên truyền đến tận nhà để phát và hướng dẫn, nhưng phần lớn người dân chỉ cười mà không để ý thực hiện theo. Đến khi đoàn giám sát quay trở lại kiểm tra tại hộ gia đình, thì chỉ số muỗi, mật độ côn trùng vẫn còn khá cao”.
Cũng theo ông Anh, Huyện Ủy Sông Hinh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể cùng tham gia với ngành Y tế thực hiện tốt công tác phòng bệnh SXH. Tuy nhiên, không đơn vị nào hưởng ứng, cũng chỉ có lực lượng y tế tuyến thôn, xã và huyện cùng làm, kể cả hai ngày qua (thứ bảy, chủ nhật) lực lượng y tế vẫn tiếp tục bám sát để xử lý ổ dịch nhỏ tại thị trấn Hai Riêng. Trung tâm Y tế huyện cũng đã gửi tờ trình xin kinh phí của huyện bổ sung cho hoạt động phòng, chống bệnh SXH nhưng đến giờ vẫn chưa thấy phản hồi.
UBND tỉnh, Sở Y tế có công văn chỉ đạo liên tục công tác phòng, chống bệnh SXH. Tuy nhiên, đến nay một số địa phương chưa có sự chung tay của lãnh đạo huyện, xã và các ban ngành, đoàn thể để cùng tích cực phối hợp đẩy lùi dịch bệnh. Tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay là cơ hội cho bệnh phát triển, lan rộng. Bệnh nhiều, gây khó khăn trong công tác điều trị ở các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh trong điều kiện thiếu bác sĩ trầm trọng. (Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên) |
VŨ HOÀNG