Thứ Hai, 11/11/2024 20:54 CH
Từ Sông Cầu đến Tuy Hòa – sự thay đổi không gian phát triển kinh tế – xã hội ở Phú Yên (1887-1945)
Thứ Năm, 08/10/2009 19:00 CH

1. SÔNG CẦU VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRUNG TÂM ĐÔ THỊ Ở PHÚ YÊN (1887 - 1921)

* Sông Cầu với vai trò trung tâm hành chính

 

Di-tich-hanh-cung-Long-Binh.jpg
Di tích hành cung Long Bình của triều Nguyễn tại Sông Cầu. - Ảnh: D.T.XUÂN

Về phía chính quyền bảo hộ Pháp, tháng 1/1888, người Pháp chính thức xác lập hệ thống chính quyền thực dân ở Phú Yên. Đứng đầu chính quyền bảo hộ là viên Công sứ nắm giữ quyền công chính và thương chính, về sau thực dân Pháp ban hành thêm quyền lãnh sự, thay mặt Khâm sứ Trung Kỳ chỉ đạo mọi hoạt động từ tỉnh trở xuống. Giúp việc có viên Phó sứ và các quan lại đứng đầu mỗi sở, ngành chuyên môn như giám binh, thầy thuốc, lục lộ, chủ sở Điện báo, quan thú y,…(1) Viên Công sứ đến thụ chức đầu tiên ở Phú Yên là Tirant, Phó sứ là Groleau. Giúp việc cho toà Công sứ còn có các quan lại người Việt giữ chức vụ tham tá, phán sự và thông ngôn.

 

Xuất phát từ những toan tính về chính trị, quân sự và quyền lợi kinh tế, chính quyền bảo hộ chọn Vũng Lắm làm nơi tọa lạc tòa Công sứ đầu tiên ở Phú Yên. Vũng Lắm nằm trong vịnh Xuân Đài vừa là thương cảng và quân cảng quan trọng ở Nam Trung Kỳ. Về phía tây, Vũng Lắm giáp với con đường thiên lý, án ngự trọng điểm của tỉnh giống như tâm điểm của trục tung hoành với 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Từ đây việc tiếp ứng cũng như rút lui của chính quyền bảo hộ nhanh chóng khi có những cuộc nổi loạn dân bản xứ. Mặt khác, Vũng Lắm nằm bên cạnh thành An Thổ, phủ lỵ Nam triều xây dựng từ thời Minh Mạng, cửa Đông thành An Thổ thông ra vịnh Xuân Đài, sở hữu cửa biển Tiên Châu, nơi diễn ra hoạt động trao đổi, buôn bán tấp nập giữa người bản xứ với các lái buôn ngoại quốc Hà Lan, Pháp, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha… Những phố buôn bán người Hoa, dân bản xứ gọi là khách trú dựng lên khắp các khu vực thuộc vịnh Xuân Đài.

 

Từ giữa năm 1888, hệ thống chính quyền thực dân tay sai ngày càng mở rộng, người Pháp dự kiến xây dựng đồn giám binh, sở thương chánh, công chính, y tế… phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa sắp tới, chính quyền bảo hộ nhận ra Vũng Lắm không phù hợp để đặt một chính quyền quy mô lớn và lâu dài. Tháng 2-1889(2), chính quyền thực dân Pháp dời tòa Công sứ ra làng Phước Lý (Sông Cầu) và đóng ở đây cho tới ngày thực dân Pháp cáo chung. Việc di dời tòa Công sứ của chính quyền bảo hộ nhằm phục vụ ý đồ cai trị lâu dài, cùng với đó là những chính sách khai thác thuộc địa sẽ được triển khai trên khắp địa bàn tỉnh Phú Yên.

 

Sự kiện này kéo theo hàng loạt các sở với nhiều phòng, ban lần lượt di dời về tỉnh lỵ Sông Cầu. Sở giám binh, đứng đầu là viên quan chủ sở, bên dưới là các đồn lính khố xanh ở mỗi phủ, huyện và ở tận thôn, buôn. Đứng đầu mỗi đồn là viên quan Một hoặc quan Hai, giúp việc có quan thông ngôn người Việt, bên dưới là đội lính bản xứ do nhà cầm quyền An Nam cung cấp. Sở thương chính trưng dụng nhiều phòng phụ trách các vấn đề như phòng quản lý xuất nhập cảng, phòng quản lý muối, phòng thuế về buôn bán, nấu rượu… Thực dân Pháp đặt phòng quản lý xuất nhập cảng 1 tham tá, 1 thừa hành và một số viên lại giúp việc thực hiện thu thuế, về sau đặt thêm đội cảnh sát vệ sinh.

 

Về phía chính quyền An Nam, năm 1888, chính quyền bảo hộ đặt tòa Công sứ tại Vũng Lắm nên tỉnh đường phải dời ra làng Tân Thạnh (Xuân Thọ 2, Sông Cầu) theo yêu cầu của người Pháp. Năm 1889, tỉnh lỵ dời về lại thành An Thổ. Và đến năm 1899, tỉnh lỵ dời ra thôn Long Bình (Sông Cầu), nằm bên cạnh toà Công sứ để cho người Pháp dễ bề cai trị.

 

Phú Yên xếp vào hạng tỉnh nhỏ, đứng đầu là quan Tuần vũ, kế đến quan Án sát, Đốc học, Lãnh binh. Theo nghị định ngày 27/3/1890, Toàn quyền Đông Dương sát nhập tỉnh Phú Yên và Bình Định thành tỉnh Bình Phú do công sứ Quy Nhơn cai quản. Chính quyền An Nam thuyên chuyển quan Tuần vũ Phú Yên ra Quy Nhơn giúp việc quan Tổng đốc Bình Phú, bổ nhiệm quan Bố chính đứng đầu tỉnh. Năm 1926, chính quyền An Nam lại đặt quan Tuần vũ thay thế quan Bố Chính đứng đầu tỉnh Phú Yên. Ở tỉnh đường có 2 ty: Ty phiên và ty niết. Đứng đầu ty phiên là quan Thông phán, bao gồm các tào lại, lễ, hộ, công, nhiệm vụ giúp việc cho quan Tuần vũ. Ty niết giúp việc cho quan Án sát, đầu ty là quan Kinh lịch. Mỗi ty có các Thừa phái và Hậu bổ giúp việc. Về võ quan có Đề đốc, Chánh phó Lãnh binh, Quản cơ, Suất đội, Hiệp quản, Đội trưởng…Chịu trách nhiệm quản lý giáo dục thi cử trong tỉnh có các quan: Đốc học coi sóc cả tỉnh, Giáo thụ phụ trách phủ và Huấn đạo ở cấp huyện.

 

Như vậy, kể từ tháng 2/1889, Sông Cầu trở thành tỉnh lỵ Phú Yên, là trung tâm hành chính, nơi hội tụ của quyền điều hành các cấp khác ở Phú Yên. Lý giải lý do vì sao chính quyền thực dân Pháp chọn Sông Cầu làm tỉnh lỵ, theo chúng tôi, bước đầu có hai lý do khiến người Pháp đi đến quyết định này. Thứ nhất, về mặt số lượng quan lại người Pháp ở Trung Kỳ trong khoảng thời gian này thiếu hụt rất nhiều nên không đủ cai trị ở Phú Yên, nên họ quyết định di dời tòa Công sứ về Sông Cầu, nơi cách Quy Nhơn hơn 60 cây số có thể hỗ trợ cho nhau. Thứ hai, về điều kiện khí hậu ở Sông Cầu, nơi đây có khí hậu khá mát mẻ phù hợp với người Âu, với dừa và đất cát, thường có những mạch nước ngầm đã làm cho khí hậu Sông Cầu khác biệt so với các vùng khác trong tỉnh Phú Yên. Chính những lý do này khiến người Pháp chọn Sông Cầu làm tỉnh lỵ. Về sau với nhiều mục đích khác trong chính sách khai thác thuộc địa, người Pháp mở rộng Sông Cầu thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội ở Phú Yên.

 

* Sông Cầu với vai trò trung tâm kinh tế

 

Sông Cầu trở thành trung tâm kinh tế của Phú Yên xuất phát từ những chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Trong khoảng thời gian từ 1888 – 1921, chính quyền Pháp thực hiện chính sách then chốt, nổi bật là đầu tư phát triển cảng thị, cụ thể ở Cù Mông và vịnh Xuân Đài trở thành hải cảng “thương mại và xuất khẩu” quan trọng ở xứ Trung Kỳ.

 

Phong-canh-Ganh-do.091008.jpg
Phong cảnh gành Đỏ, xã Xuân Thọ 2 - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Ý tưởng quy hoạch cảng thị ở Phú Yên manh nha từ năm 1890, biểu hiện ở lời nhận xét của viên công sứ Tirant về tầm quan trọng của vịnh Xuân Đài(3): “Vịnh Sông Cầu là một trong những vịnh đẹp nhất trên toàn thế giới mà 100 tàu có thể đến thả neo ở đây”, sau đó đích thân ông ta đã đề nghị nhà cầm quyền: “nó phải được thừa nhận là hải cảng chính của miền Trung An Nam”(4). Vịnh Xuân Đài có vị trí quan trọng đối với tỉnh Phú Yên trong lịch sử, là nơi di trú và làm ăn của một bộ phận không nhỏ người Hoa ở Vũng Lắm, Tiên Châu (nằm trong Vịnh Xuân Đài), nơi thuận lợi cho sự phát triển dịch vụ vận chuyển đường biển, nhất là trong điều kiện khó khăn về giao thông đường bộ trong khoảng thời gian này.

 

Xét về quy mô của hải cảng, Cù Mông và vịnh Xuân Đài không sánh bằng các hải cảng ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn; nhưng xét về vai trò, vị trí và tính chất, chúng tôi nhận thấy có một số điểm quan trọng: Thứ nhất, hải cảng Cù Mông, Xuân Đài đóng vai trò “cảng trung gian”, là nơi trung chuyển hàng hoá nông sản ở khu vực Trung Kỳ, trạm tiếp nhiên liệu và lương thực cho các tàu ngoại quốc hoặc tàu hành trình Bắc – Nam, nơi trú ẩn an toàn khi thời tiết diễn biến xấu. Thứ hai, cảng thị Cù Mông và Xuân Đài đóng vai trò quan trọng trong chính sách độc quyền khai thác và tách cao nguyên ra khỏi lãnh thổ Trung Kỳ của thực dân Pháp. Những nguồn lợi tài nguyên, hàng hoá nông thổ sản ở cao nguyên vận chuyển bằng đường bộ qua tỉnh Phú Yên, sau đó vận chuyển tới vịnh Xuân Đài, Cù Mông để chuyên chở vào các cảng lớn. 

 

Từ những ý tưởng của Tirant, sau thời gian tìm hiểu và triển khai các chính sách khai thác thuộc địa, chính quyền Pháp tập trung vào phát triển kinh tế Phú Yên theo hướng thương mại và dịch vụ. Chính quyền Pháp xây dựng các trạm thuế quan, cư xá cho các thủy thủ, thiết lập phòng cảnh sát vệ sinh hàng hải và mở tuyến đường thuỷ nội địa, quốc tế ở vịnh Xuân Đài và Cù Mông. Cụ thể, vào năm 1911 thực dân Pháp đã cho xây dựng 1 cư xá với nhà phụ cho ủy thác viên và 1 cư xá cho các thủy thủ ở vịnh Xuân Đài. Về sau do nhu cầu giữ gìn vệ sinh cũng như bảo vệ an ninh ở các cửa biển, chính quyền thực dân đã thiết lập phòng cảnh sát vệ sinh hàng hải ở Cù Mông, Xuân Đài và Đồng Trạch.

 

Song song với việc đầu tư xây dựng các cơ sở phục vụ khai thác thuộc địa, chính quyền Pháp mở các tuyến vận tải hàng hải đường dài Quy Nhơn - Sông Cầu - Sài Gòn và ngược lại. Hãng Berthet - Charriere nhận thầu đầu tiên, hãng này đưa chiếc tàu hơi nước Hélène hoạt động thường xuyên ở vùng biển Phú Yên từ năm 1901. Chiếc tàu hơi nước Hélène vận chuyển hàng hóa từ Sông Cầu - Quy Nhơn, Sông Cầu - Sài Gòn và ngược lại, cuối cùng bị mắc cạn ở vùng biển Tuy Hòa. Năm 1909, ông Dom Bazin nhận thầu vận chuyển hàng hóa đường dài từ Vũng Lắm, Sông Cầu đi Sài Gòn với chiếc tàu hơi nước của hãng ông.

 

Với việc xây dựng cơ sở vật chất trên, thực dân Pháp phát triển quy mô cảng Cù Mông, Vũng Lắm, Sông Cầu trở thành “cảng trung gian” vận chuyển hàng hóa không chỉ ở Việt Nam mà vươn ra tận khu vực Đông Nam Á và Đông Á... Theo kết quả thống kê của phòng Thuế quan Cù Mông và Xuân Đài thì lượng tàu thuyền cập cảng từ năm 1904 – 1909 là 7.012 chiếc, trong đó thuyền ghe người Việt khoảng 6.911 chiếc, tàu thủy ngoại quốc là 83 chiếc; lượng tàu xuất cảng ở Phú Yên là 6.522 chiếc.(5)

 

Bảng 2: Số lượng tàu thuyền cập cảng ở vịnh Xuân Đài và Cù Mông (1904 – 1909)

(Đv: Chiếc)

 

bang-1.091008.jpg

 

(Nguồn: Tổng hợp từ các bản báo cáo Rapporte Economique province de Phu Yen, Residence de Song Cau, année 1904 - 1909)

 

Góp phần thúc đẩy sự phát triển giao thông đường biển phải kể đến số lượng lớn ghe thuyền người bản xứ, hơn 6.911 chiếc ghe bầu người bản xứ cập cảng Vũng Lắm, Sông Cầu, Cù Mông từ năm 1904 – 1909, chia làm 3 loại: ghe thuyền của các lái thương người Việt và người Hoa; ghe thuyền vận chuyển hàng hóa do người Pháp thuê; ghe thuyền đánh cá của ngư dân. Trong quý III năm 1908, công sứ Phú Yên đã cấp 800 giấy thông hành cho loại ghe này. Hoạt động của loại ghe thuyền bản xứ theo mùa thu hoạch của nông thổ sản và thời gian hoạt động của gió mùa Đông Bắc và Tây Nam. Vào mùa thu hoạch nông thổ sản và muối, thuyền của các lái thương cập cảng Cù Mông, Vũng Lắm và Sông Cầu thu mua, sau đó vận chuyển đến các tỉnh Nam kỳ (chủ yếu Cần Thơ, Rạch Giá, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sài Gòn), Trung Kỳ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phan Rang, Bình Thuận) và Bắc Kỳ.

 

Bảng: Số lượng tàu thuyền xuất cảng ở vịnh Xuân Đài và Cù Mông (1904 – 1909)

(Đv: Chiếc)

 

bang-2.091008.jpg

 

(Nguồn: Tổng hợp từ các bản báo cáo Rapporte Economique province de Phú Yen, Residence de Song Cau, année 1904 – 1909)

 

Trong thời gian này hoạt động thương mại ở Cù Mông và Vũng Lắm được đẩy mạnh. Theo thống kê của phòng Giám thu Xuân Đài và Cù Mông, hoạt động thương mại năm 1909: Xuất khẩu 8338 tấn với giá trị 2,3 triệu Franc (fr), mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đường mật, cau, đồ gốm, dừa khô, cá khô, muối, da động vật, đậu lấy dầu; nhập khẩu 3552 tấn với giá trị 1,1 triệu fr, mặt hàng nhập khẩu như cá khô và thịt muối, chè Trung Hoa, gốm Nam Kỳ, vải, chỉ cotton, gạo trắng; số lượng tàu thuyền cập cảng là 2307 chiếc (tàu ngoại quốc là 13 chiếc, tàu An Nam 2285 chiếc).

 

Theo kết quả thống kê của Sở Thương chính thì tổng lượng hàng xuất khẩu tại cảng Cù Mông, Vũng Lắm và Sông Cầu từ năm 1904 - 1909 là 36,1 triệu tấn với giá trị 9,4 triệu fr vàng, trong đó phòng thuế quan Cù Mông là 11 triệu tấn với giá trị 2,6 triệu fr, Xuân Đài là 25,1 triệu tấn với giá trị 6,8 triệu fr vàng. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ở Phú Yên trong thời kỳ này gồm gia súc, muối, đường mật, cau, dừa khô, da động vật, lúa gạo, cá khô, nước mắm, đồ gốm, gỗ và các loại đậu đỗ….

 

Hoạt động thương mại quan trọng và có tính chất phức tạp tác động đến nền kinh tế thực dân ở Phú Yên từ 1887 - 1921 là việc xuất khẩu gia súc. Thời kỳ đầu, xuất khẩu gia súc ở Phú Yên do các lái thương Nam Kỳ thực hiện, với tính chất nhỏ lẻ nên chưa được người Pháp chú ý. Chỉ sau đơn yêu cầu của ông Schoss, nhà tư sản người Mỹ ở Sài Gòn gửi đến nhà cầm quyền Pháp về việc thu mua số lượng gia súc từ 1.000 – 1.200 con và một số gia cầm ở Phú Yên thì tư bản Pháp mới quan tâm đến nguồn lợi này. Sau ông Schoss, nhiều nhà tư sản đến từ Philippin đệ đơn xin trưng mua gia súc để xuất cảng và một số xin trưng thuê đất đầu tư chăn thả gia súc. Trước tình hình trên, chính quyền thực dân đã ban hành một văn bản quy định về việc xuất cảng gia súc ở các tỉnh Trung Kỳ vào năm 1900, theo đó tư bản Pháp cho phép các nhà tư sản thương mại đặc quyền thu mua gia súc ở Phú Yên xuất cảng sang Philippines.(6)

 

Kể từ năm 1900, hoạt động xuất khẩu gia súc ở Phú Yên chủ yếu sang Philippin và loại gia súc xuất khẩu là trâu bò. Theo số liệu thống kê Sở Thương chính thì số lượng trâu bò xuất cảng sang Manila từ năm 1906 – 1908 gần 6.878 tấn, riêng năm 1908 xuất cảng với số lượng 4.101459 kg với lợi nhuận gần 2 triệu fr vàng. Giá xuất khẩu mỗi loại gia súc có sự chênh lệch giữa ngựa và trâu bò, giá ngựa thường cao gấp 2-3 lần giá trâu bò, thông thường giá xuất khẩu trâu bò loại 1 từ 23-25 đồng/con, giá trâu bò loại 2 từ 18-20 đồng/con; giá ngựa loại 1 từ 80-100 đồng/con, giá ngựa loại 2 40-60 đồng/con.(7)

 

Bảng 11: Tình hình xuất khẩu gia súc ở Phú Yên năm 1908

(ĐV:kg)

 

bang-3.091008.jpg

 

(Nguồn: Rapporte Economique province de Phu Yen, Residence de Song Cau, année 1908)

 

Theo các bản báo cáo kinh tế của tòa công sứ Sông Cầu từ năm 1900 – 1908 có hơn 9 nhà tư sản và hiệp hội đến Phú Yên thu mua và đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc gồm nhà tư sản Jose Gerenacoi, Daniel de Movellan, Matheu (Quy Nhơn), Houdetot (Nha Trang), Defert là những nhà tư sản trưng mua trâu bò xuất sang Philippines; Montpezat, Lyard là những nhà tư sản thuê đất chăn thả gia súc ở miền tây Phú Yên. Trong số những nhà tư sản trên, ông Defert đại diện hiệp hội thu mua gia súc Ynchanssi được chính quyền Pháp ưu tiên về một số quyền hạn về trưng mua trâu bò ở Phú Yên, nhà tư sản Philippines này lập một thương điếm và định cư lâu dài ở Vũng Lắm, ông thu mua trâu bò ở Phú Yên vận chuyển về Philippines bằng tàu hơi nước tại cảng Vũng Lắm.

 

Sau một thời gian xuất cảng, tư bản Pháp nhận ra những bất cập trong việc xuất cảng trâu bò sang Manila. Nếu con số xuất cảng trâu bò mỗi năm là 2.292,7 tấn, thì trung bình mỗi năm tỉnh Phú Yên xuất khẩu sang Philippines 6.550 con, tính liên tục trong vòng 10 năm lên đến 65.550 con. Lượng gia súc cung ứng xuất khẩu mỗi năm sẽ không đủ, những lái thương Philippines phải mua trâu bò cái và bò mộng để xuất khẩu, vì vậy đàn trâu bò của tỉnh không có khả năng phục hồi và sẽ tuyệt chủng. Thêm vào đó, trâu bò là tư liệu sản xuất chính không chỉ cho nông dân Phú Yên mà cả khu vực Nam Trung kỳ. Điều này đe dọa đến nền an ninh lương thực cũng như nền kinh tế Phú Yên. Nhận thức được vấn đề trên, từ năm 1909 chính quyền thực dân Pháp đã cấm chỉ xuất khẩu trâu bò sang Philippines và tịch thu giấy phép mà nhà cầm quyền đã cấp cho các nhà tư sản ở Philippines trước đó

 

Với những chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trong khoảng thời gian 1887 – 1921 cho thấy chính quyền Pháp ưu tiên Sông Cầu với vai trò là trung tâm kinh tế Phú Yên, phát triển theo hướng khai thác các mặt hàng nông sản để xuất khẩu, tận dụng yếu tố biển để phát triển dịch vụ vận tải và xuất khẩu. Điều này thể hiện đúng với bản chất vơ vét của chính quyền thực dân Pháp trong giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất, nhưng thông qua đó phản ánh lên một điều chính quyền Pháp tận dụng yếu tố biển để phát triển dịch vụ vận tải biển và xuất khẩu ở Phú Yên.

 

* Sông Cầu với vai trò trung tâm văn hóa, giáo dục ở Phú Yên

 

Những năm đầu thế kỷ XX, hệ thống chính quyền thực dân và chính sách khai thác thuộc địa của Pháp ngày càng mở rộng ở Phú Yên, đòi hỏi phải bổ sung lượng công chức hành chính Tây học phục vụ ở các cơ quan chính quyền bảo hộ, đồng thời thực hiện âm mưu với tay đến tận cấp xã thôn. Người Pháp bắt đầu triển khai chương trình giáo dục Pháp - Việt ở Phú Yên. Theo nguồn tư liệu chúng tôi tiếp cận thì chính thức năm học 1908 – 1909, chính quyền bảo hộ Pháp đã cho thử nghiệm chương trình học này tại Sông Cầu, mới đầu chỉ có 1 lớp với 3 thầy giáo và 32 học sinh, được học lồng ghép với các lớp theo hệ thống giáo dục cũ do ngân sách chính quyền Nam triều đài thọ.

 

Sau năm 1915, chính quyền thực dân Pháp chính thức triển khai chương trình giáo dục tiểu học Pháp – Việt ở Phú Yên với 3 cấp học. Đến năm 1917, chính quyền Pháp mở thêm trường Sơ học Pháp – Việt dành cho con gái (Ecole franco – annamite des jeunes files), trường dạy nữ sinh nhập chung với trường Sơ học Pháp – Việt dành cho nam sinh ở Sông Cầu. Chương trình học đối với lớp nam sinh gồm 3 lớp: Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng, nội dung dựa theo chương trình Học quy được ban hành năm 1906 của chính quyền thực dân Pháp. Đối với lớp con gái, chính quyền thực dân Pháp dạy tiếng mẹ đẻ gồm tập viết, tập đọc, học tính, luân lý, vệ sinh và chương trình thực tập gồm gia chánh (khâu vá, giặt giũ, nấu ăn…), những nghề thủ công dành cho phụ nữ (thêu, đan, dệt, làm bánh, làm vườn…). Cho đến năm 1918, lượng giáo viên dạy ở trường Sơ học Sông Cầu là 3 người, trong đó 1 hiệu trưởng, 1 thầy giáo giảng dạy (instituteur auxiliaire) và 1 giáo viên nữ (institutrice).(“Province de Binh Đinh”, Annuaire general de L’indochine, anée 1918)

 

Sau chiến tranh thế giới lần I, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục thực hiện chính sách củng cố và phát triển hệ thống giáo dục thực dân ở Phú Yên. Thời kỳ này, chính quyền bảo hộ triển khai nền “Học chính tổng quy” từ cấp phủ, huyện đến tổng, xã với hàng loạt các trường tiểu học Pháp – Việt ra đời ở Phú Yên. Bậc học cao nhất ở Phú Yên là Tiểu học với 3 loại trường: Tiểu học toàn cấp (Ecole Primaire de plein exercice) lập ở tỉnh, Sơ đẳng Tiểu học (Ecole Primaire Élémenteire) lập ở phủ, huyện và Sơ học ở các tổng, xã (Ecoles cantonales et communales).

 

Vào năm 1921, trường Sơ đẳng tiểu học Sông Cầu đổi thành trường Tiểu học toàn cấp (Ecole primaire de plien exercice) với 5 cấp học, gồm: Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng Tiểu học, Trung đẳng Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học, sau đó được thăng lên trường tỉnh. Sự kiện này tạo ra một bước ngoặt đối với nền giáo dục Phú Yên thời thuộc Pháp. Hệ thống giáo dục phong kiến chính thức chấm dứt vai trò đào tạo nguồn nhân lực, cùng với nó là hệ thống giáo dục Pháp – Việt chi phối và quyết định đến việc đào tạo đội ngũ tri thức ở Phú Yên. Đồng thời tỉnh lỵ Sông Cầu trở thành trung tâm đào tạo đội ngũ trí thức ở Phú Yên.

 

2. TUY HÒA VÀ SỰ THAY ĐỔI TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở PHÚ YÊN (1921 - 1945)

 

Bo-song-Tam-Giang.091008.jpg

Trên dòng sông Tam Giang giữa lòng thị xã Sông Cầu - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Theo nghị định ngày 17/10/1921, chính quyền Pháp tách tỉnh Phú Yên trở thành tỉnh độc lập và không còn lệ thuộc vào tỉnh Bình Định. Sự chia tách này có ý nghĩa quan trọng, tỉnh Phú Yên trở về đơn vị hành chính cấp tỉnh và được đầu tư như một tỉnh lỵ khác ở khu vực Trung Kỳ. Cũng sau nghị định này, đánh dấu một sự thay đổi lớn về chính sách khai thác thuộc địa và không gian phát triển kinh tế - xã hội ở Phú Yên. Lúc này, chính quyền Pháp triển khai hàng loạt các chính sách đầu tư khai thác ở khu vực phía nam tỉnh Phú Yên. Dưới đây chúng tôi xin nêu một vài nhân tố chính yếu dẫn đến sự dịch chuyển từ Tuy Hòa đến Sông Cầu:

 

Xây dựng đập Đồng Cam và bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Phú Yên, các đề án nghiên cứu về việc xây dựng một hệ thống thủy nông trên sông Đà Rằng bắt đầu vào năm 1889, nhưng không được chấp thuận do thiếu hụt về nguồn kinh phí và nhân công. Đến năm 1904, đoàn kỹ sư người Pháp gồm Fayard và Desbos làm kỹ sư trưởng tiếp tục thám sát, lần này phái đoàn làm việc nghiêm túc và nhìn nhận lại kết quả khảo sát trước đó. Đoàn đã thám sát bãi đá Tuy Phong, sau đó kỹ sư Desbos lập ra một bảng kế hoạch cho việc xây dựng đập trình lên Sở Công chính (Travaux publics), nhưng không được chấp thuận. Mãi đến năm 1920, viên kỹ sư Nordey tiếp tục nghiên cứu công trình xây dựng đập thủy nông trên sông Ba, dưới sự điều hành của kỹ sư trưởng Lefevre. Đến ngày 30/11/1923, đề án xây dựng đập thủy nông Đồng Cam (Tuy Phong) được Toàn quyền Đông Dương chấp nhận.(1)

 

Hệ thống thủy nông Đồng Cam hoàn thành đã tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp ở Phú Yên, bước đầu đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật người Việt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Việc du nhập nhiều trang thiết bị hiện đại, cùng với lai tạo nhiều giống cây trồng góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Phú Yên phát triển, năng suất và sản lượng được cải thiện, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp đạt kết quả cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của chính quyền thực dân. Cùng với đó là sự biến đổi tình hình sở hữu ruộng đất từ sau khi xây dựng đập Đồng Cam đã dẫn đến sự phân hóa lớn trong các giai tầng xã hội ở Phú Yên.

 

Các cuộc khảo sát của các chuyên gia Pháp, năm 1928 hai chuyên gia người Pháp là M. Chauvin và De Visme thực hiện chuyên khảo sát nghiên cứu thành phần đất ở Phú Yên(2). Hai ông tiến hành khảo sát từ Sông Cầu vào đến Tuy Hòa, trong đó hai ông chú ý nhất là nghiên cứu thành phần đất đai, địa hình ở các vùng tả ngạn và hữu ngạn sông Đà Rằng. Kết quả của cuộc khảo sát phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa và cho thấy sự thay đổi của chính sách đầu tư khai thác của thực dân Pháp.

 

Thiết lập nhà máy đường Tuy Hòa, với những phân tích về điều kiện đất đai, khí hậu, địa hình và sự thuận lợi việc tưới tiêu nước khi hệ thống thủy nông Đồng Cam hoàn thành ở vùng Đồng Bò và Bàn Thạch, ông Hunegolz quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến theo kỹ nghệ Tây Âu đặt ở làng Trung Lương. Với những cố gắng của ông, tháng 12/1927, nhà máy chế biến đường được thành lập với tên gọi Nhà máy đường Việt Nam (Sucrier Viet Nam), đây là nhà máy chế biến đường theo phương pháp kỹ nghệ hiện đại thời bấy giờ.(3)

 

Thời kỳ đầu công suất của nhà máy thấp, khoảng 60 tấn/ngày (1931), sau thời gian mở rộng diện tích và cải thiện các giống mía nhập từ Java với phương thức trồng theo hệ thống Reynoso ở vùng Tuy Hòa và Sơn Hòa đã cải thiện công suất của nhà máy, tăng lên 300 – 400 tấn/ngày vào năm 1936. Theo đó, sản lượng đường của nhà máy cũng thay đổi thất thường, đỉnh điểm vào năm 1942 nhà máy sản xuất được 6000 tấn. Trong tác phẩm Địa dư Phú Yên, Nguyễn Đình Cầm và Trần Sĩ đã mô tả tình hình sản xuất đường của nhà máy như sau: “Cách làm đường bằng máy móc và theo kiểu hóa học tối tân. Họ dùng đến hàng ngàn công thợ, mỗi ngày ra đến mấy mươi tấn đường. Đường trắng mà giá lại rẻ cho nên tiêu thụ rất dễ dàng”.

 

Với chu trình sản xuất hiện đại của Nhà máy đường Việt Nam đánh dấu bước tiến lớn trong ngành đại kỹ nghệ ở Phú Yên, lần đầu tiên nhân dân Phú Yên tiếp xúc với máy móc và dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại, tận mắt nhìn thấy những sản phẩm được chế biến từ kỹ nghệ hiện đại.

 

Nối ray đường sắt Phú Yên, chính quyền thực dân Pháp phác họa đoạn đường sắt xuyên Việt chạy qua địa phận tỉnh Phú Yên chủ yếu dựa trên kết quả nghiên cứu khảo sát của đại úy Dunal tiến hành từ năm 1900 – 1904 với chiều dài hơn 100km vượt qua hai dãy núi Cù Mông, Đèo Cả và nhiều sông, suối (sông Cái, Đà Rằng, Bàn Thạch…). Đến cuối năm 1928, dự án xây dựng đường sắt đi qua địa phận Phú Yên được phê duyệt, đoạn đường sắt ở phía bắc tỉnh Phú Yên thiết kế chạy dọc theo đường liên tỉnh Chí Thạnh – Phước Lãnh, men theo sông Cái và thung lũng sông Cô, vượt qua đường hầm Đèo Thị đến Vân Canh (Bình Định), đoạn đường sắt này dài trên 30km, Km 1134 (ga Mục Thịnh) đến Km 1171 (ga Chính Thạnh) chạy qua các ga Mục Thịnh, Phước Lãnh, La Hai, Hà Bằng, Phong Niên và Chí Thạnh. Đoạn đường sắt ở vùng trung tâm tỉnh từ Chí Thạnh đến Tuy Hòa (từ Km 1171 đến Km 1198) được xây dựng dọc theo đường thuộc địa, đi qua các ga và nhà chờ Phú Tân, Mỹ Phú, Hòa Đa, Chính Nghĩa, Minh Chính và Tuy Hòa. Đến đoạn đường sắt ở phía nam tỉnh đi qua 2 cửa sông lớn Đà Rằng và Đà Nông, đặc biệt phải đi qua dãy núi Đèo Cả, người Pháp đã xây dựng 3 cây cầu bắc qua sông Chùa, Đà Rằng và Bàn Thạch, được thiết kế dùng chung cho đường bộ và đường sắt. Đoạn đường sắt chui qua 7 đường hầm tại vùng núi Đại Lãnh và một đường hầm dài trên 1km vượt qua dãy núi Đèo Cả(4). Đến ngày 2/9/1936, tuyến đường sắt Bắc – Nam làm lễ nối ray tại Km 1222 phía nam ga Hảo Sơn. Hoạt động vận chuyển đường sắt qua địa phận Phú Yên chính thức từ ngày 29/9/1936 với lịch tàu Hà Nội – Tuy Hòa và ngày 1/10/1936 chuyến tàu đầu tiên từ Hà Nội đến ga Tuy Hòa vào lúc 11 giờ 30 phút.

 

Việc hoàn thành đoạn đường sắt xuyên Việt đánh dấu bước chuyển biến lớn trong lĩnh vực giao thông nói riêng và lĩnh vực kinh tế - xã hội Phú Yên nói chung trong giai đoạn Pháp thuộc, dịch vụ vận tải đường sắt và đường bộ phát triển, mang lại sự giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội và giáo dục giữa Phú Yên với các vùng miền trong cả nước, từ đây Phú Yên mở rộng gắn kết với các xứ bên ngoài mà trước đây được xem là “một cái phòng rộng ba bề kín mít.

 

Việc hoàn thành đoạn đường sắt xuyên Việt đánh dấu bước chuyển biến lớn trong lĩnh vực giao thông nói riêng và lĩnh vực kinh tế - xã hội Phú Yên nói chung trong giai đoạn Pháp thuộc, dịch vụ vận tải đường sắt và đường bộ phát triển, mang lại sự giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội và giáo dục giữa Phú Yên với các vùng miền trong cả nước, từ đây Phú Yên mở rộng gắn kết với các xứ bên ngoài mà trước đây được xem là “một cái phòng rộng ba bề kín mít.

 

Thay đổi trong chính sách giáo dục, năm 1922, chính quyền Pháp cho xây dựng 2 trường Sơ đẳng Tiểu học ở Tuy Hoà và Tuy An. Về sau do nhu cầu chính sách khai thác thuộc địa và vị trí ngày càng quan trọng của đô thị Tuy Hoà, tư bản Pháp cho mở thêm 2 lớp Trung đẳng Tiểu học (lớp Nhì) và Cao đẳng Tiểu học (lớp Nhất) ở Tuy Hoà vào năm 1929, đồng thời các học sinh ở Tuy Hoà và Sơn Hoà sẽ tham dự kỳ thi lấy bằng Ri me tại đây. Sự kiện này đánh dấu hệ thống giáo dục ở Tuy Hòa ngang bằng với hệ thống giáo dục ở tỉnh lỵ Sông Cầu. Thời kỳ này, ở Phú Yên có 2 trường tổ chức thi lấy bằng Sơ học yếu lược và Sơ đẳng Tiểu học Pháp – Việt gồm trường Tiểu học Sông Cầu (Sông Cầu) và Tiểu học Tuy Hoà (phủ Tuy Hoà), ngoài ra còn trường Sơ đẳng Tiểu học Tuy An cũng tổ chức kỳ thi lấy bằng Sơ học yếu lược. Sau khi tốt nghiệp trường Tiểu học toàn cấp, các học sinh Phú Yên muốn học lên bậc Trung học phải ra Bình Định, theo học tại trường Cao đẳng Tiểu học Qui Nhơn (Collège Qui Nhơn).

 

Biến đổi địa lý nhân văn, một yếu tố cũng góp phần quan trọng vào sự dịch chuyển không gian phát triển kinh tế - xã hội Phú Yên từ sau năm 1921, đó trận bão năm Giáp Tý (23-10-1924). Trong tác phẩm Địa dư tỉnh Phú Yên, hai tác giả Trần Sĩ và Nguyễn Đình Cầm đã mô tả về diễn biến cơn bão này như một trận sóng thần. Chúng tôi xin trích lại những ghi chép của hai ông về cơn bão đặc biệt này: “Đã ba ngày trời mưa tầm tã. Nước sông Tam Giang lên quá cao. Tối 22 tháng 10, mưa càng to, trời đen như mực, gió bắt đầu thổi dữ. 12 giờ khuya, mưa ngớt nhưng gió thổi càng mạnh, mọi người đều sợ có cơn bão to”. Và vào buổi sáng ngày 23-10: “Nước biển cứ theo chân tràng vào. Ngọn gió nồm nhè nhẹ đưa vào. Ai nấy đều la to: nước dâng. Thình lình nghe một tiếng rầm rất lớn, rồi từ đó gió thổi mạnh, mạnh xắp mấy lần ban đêm. Nước cứ dâng mãi, dâng một cách mau chóng lạ thường”. Hệ quả là Sông Cầu bị tàn phá nghiêm trọng: “Thành phố Sông Cầu khi xưa đẹp biết bao, mà bây giờ, cây gãy, cầu trôi, nhà sập, người và thú vật chết không chỗ chôn, kẻ sông sót không cơm ăn áo mặc, trong giây phút mà đã thành một cảnh điêu tàn thê thảm”5

 

Cơn bão Giáp Tý đã tác động đến những đổi thay về mọi mặt ở tỉnh lỵ Sông Cầu. Sau năm 1924, một làng sóng di dân của người Hoa vào Tuy Hòa, nên dân số ở đây tăng lên về mặt cơ học. Sự di cư của người Hoa đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của Tuy Hòa và sự tàn tụi của Sông Cầu, Vũng Lắm. Những thay đổi về mặt địa lý nhân văn cũng tác động không nhỏ đến phát triển một vùng đất. Qua việc phân tích này gợi mở cho chúng ta nhiều hướng nghiên cứu và đánh giá về sự phát triển của vùng đất Phú Yên.

 

3. KẾT LUẬN

 

Qua việc phân tích về sự thay đổi không gian phát triển kinh tế - xã hội ở Phú Yên từ năm 1887 - 1945, chúng ta nhận thấy rõ sự thay đổi nội tại trong không gian phát triển kinh tế - xã hội ở Phú Yên, đó là dịch chuyển của hai trung tâm lớn trong thời Pháp thuộc. Sự dịch chuyển này thể hiện hướng kinh tế phát triển về phía nam ở Phú Yên. Những nhân tố dẫn đến sự dịch chuyển này, nằm trong nội tại lẫn những tác động ngoại tại đưa đến sự di chuyển mang tính chất bước ngoặt ở Phú Yên.

 

Sông Cầu phát triển kinh tế theo hướng dịch vận tải biển và xuất khẩu, phù hợp với các chính sách của Pháp, nên trong cơ cấu kinh tế Phú Yên thời kỳ 1887 – 1921 là yếu tố dịch vụ, xuất khẩu và cảng biển quyết định. Kể từ sau năm 1921, Tuy Hòa trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa ở Phú Yên, nên trong cơ cấu kinh tế ở Phú Yên, yếu tố then chốt là nông nghiệp với hai cây trồng: cây lúa và cây mía.

 

----------------------

(1) Chúng tôi dẫn theo tác phẩm của Trần Sĩ, Nguyễn Đình Cầm. Địa dư tỉnh Phú Yên, tr.34 và theo bài viết Hệ thống chính quyền và chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Phú Yên (từ 1887 đến đầu những năm XX), Tạp chí Khoa học xã hội, số 4/2008.

(2) Chúng tôi căn cứ vào Paris. C, “ Voyage d’exploration de Hue en Cochinchine par la route mandarine”, Bulletin adminisstratif de l’Annam, Paris: Ernest Leroux, 1898, p.171.

(3) Theo chúng tôi vịnh Xuân Đài mà công sứ Tirant nhắc ở đây là vịnh Xuân Đài bây giờ, nó bao gồm các cảng Vũng Lắm, bãi Tiên Châu, cảng Sông Cầu,…

(4)  Dẫn trong bài viết của tác giả. A. Laborde (1929), La province de Phu Yen, BAVH, Tập 16, số 4, (Tỉnh Phú Yên), Bản dịch, Thuận Hóa, 2003, tr.438.

(5) Tổng hợp từ các bản báo cáo của Công sứ Phú Yên: Rapporte Economique province de Phu Yen, année 1904 – 1909.

(6) Dẫn trong Rapporte Economique province de Phu Yen, année 1900, 1901.

(7) Tổng hợp từ các bản báo cáo của Công sứ Phú Yên: Rapporte Economique province de Phu Yen, année 1906 – 1908.

1 Chúng tôi tổng hợp từ báo cáo việc xây dựng đập Thủy nông Tuy Hòa lên Sở thủy nông Đông Dương. Irrigations du Phu Yen (Reseau de Tuy Hoa), Hy draulique agricole en indochine, anee 1932, Ha Noi, Người dịch kỹ sư Nguyễn Trọng Giai, Hệ thống thủy nông Tuy Hòa.

2 Theo tác phẩm Massif deu Phu Yen (Điều kiện tự nhiên tỉnh Phú Yên) đăng trên tạp chí Indochine du Sud năm 1928.

3 Dẫn trong tác phẩm Nhà máy đường Tuy Hòa – Những chặng đường lịch sử. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia. 1999.

4 Chúng tôi tổng hợp từ các văn bản lưu trữ hành chính của chính quyền Pháp: Chemen de fer: Khanh Hoa – Tourane – Hue, Phan Thiet. Main d’oeuvre – Indeminite de déguerrissement. Rapporte des cheysa de mission d’etude. 1901 – 1903. RSA/HC 594; Projet de classement des routes d’accés au gares du chemin de fer. 1936. RSA/HC 3327.

5 Dẫn trong tác phẩm của Trần Sĩ và Nguyễn Đình Cầm. 1937. Địa dư tỉnh Phú Yên . Qui Nhơn, tr.10.

 

NGÔ MINH SANG - ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Quyến rũ vịnh Xuân Đài
Thứ Ba, 22/09/2009 19:00 CH
Ở miền Tây Phú Yên
Thứ Hai, 14/09/2009 07:00 SA
Khảo sát thực địa địa đạo Hòn Trung
Thứ Hai, 03/08/2009 07:01 SA
Một thời máu lửa
Thứ Sáu, 31/07/2009 07:01 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek