Là vùng đất với địa hình núi, sông, đồng, biển, lại là vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Ê Đê, Ba Na…, ngoài cảnh quan hoang sơ, quyến rũ, đáp ứng nhu cầu check-in của giới trẻ và khách du lịch, Phú Yên còn có một chiều sâu về lịch sử, văn hóa như phần chìm của tảng băng. Các nhà làm phim nếu tiếp tục khai thác tốt di sản ấy, chắc chắn sẽ thu nhiều quả ngọt.
“Ngày xưa có một chuyện tình”, phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, đang ra rạp, với hầu hết bối cảnh được quay tại Phú Yên, dự báo sẽ tạo thêm làn sóng hiệu ứng truyền thông mới cho tỉnh.
Vùng đất có cả núi, sông, đồng bằng và biển
Các nhà nghiên cứu ví von Phú Yên như một căn phòng khổng lồ, phía Bắc là dãy Cù Mông ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên, nơi có giống trà Mã Dọ nổi tiếng. Phía Nam là dãy Đại Lãnh, ranh giới giữa Khánh Hòa và Phú Yên, với núi Thạch Bi được mệnh danh là “nam phương đệ nhất trụ” (chỉ phiến đá trên núi Thạch Bi cao khoảng 80m, cách xa vẫn có thể nhìn thấy).
Đại Lãnh là hình ảnh của Phú Yên được khắc vào cửu đỉnh dưới Triều Nguyễn. Phía Tây là vùng bán sơn địa, cao dần rồi giáp với Tây Nguyên. Phú Yên có cao nguyên Vân Hòa khí hậu mát mẻ, cách TP Tuy Hòa khoảng 30km, được du khách ví von là “Đà Lạt của miền duyên hải”. Nơi đây có Thiền viện Trúc Lâm, quy mô chỉ sau Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Phía Đông Phú Yên, “mở cửa căn phòng” ra, là hơn 189km bờ biển.
Trình diễn nghệ thuật hát bả trạo tại lễ hội Cầu ngư lạch Long Thủy. Ảnh: THIÊN LÝ |
Về núi, đã nhắc đến Thạch Bi. Ngay trong lòng TP Tuy Hòa còn có núi Nhạn, trên núi Nhạn có tháp Nhạn, một tháp Chăm còn khá hoàn chỉnh được xây dựng từ thế kỷ thứ XII. Lại có thêm núi Chóp Chài, sẽ là tâm điểm khi TP Tuy Hòa mở rộng không gian về hướng bắc và tây. Núi Chóp Chài chỉ cao 394m nhưng được người dân Phú Yên ví von như một phong vũ biểu “Chóp Chài đội mũ, mây phủ Đá Bia, ếch nhái kêu lia, trời mưa như trút”.
Về sông, từ độ cao hơn 1.500m trên đỉnh núi Ngọc Rô, sông Ba là con sông lớn nhất miền Trung, chảy qua 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên với diện tích lưu vực 13.900km², đổ ra biển ở cửa Đà Diễn, thuộc TP Tuy Hòa. Hành trình từ nguồn ra biển của sông Ba không chỉ bồi đắp phù sa cho đôi bờ mà còn là một hành trình di sản của nhiều tộc người sinh sống từ hàng trăm năm qua.
Cùng với sông Ba, đập Đồng Cam do các kỹ sư người Pháp thiết kế, tổ chức thi công và đưa vào sử dụng từ năm 1932 đã giúp cho cánh đồng Tuy Hòa trở thành vựa lúa lớn nhất miền Trung. Nhiều cảnh trong phim “Ngày xưa có một chuyện tình” được quay bên những con đường, dòng kênh ven đồng lúa Tuy Hòa.
Bờ biển Phú Yên dài và ken dày đầm, vịnh, vũng, bãi, bờ với nhiều nơi còn rất hoang sơ. Khu resort Bãi Tràm Zannier khai thác đúng lợi thế ấy để trở thành khu nghỉ dưỡng 5 sao và liên tục lọt vào tốp 10 thế giới của nhiều cuộc bình chọn điểm đến.
Ngoài ra còn có hàng loạt danh thắng ven biển đều là thắng cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi có những sản vật tiến vua dưới triều Nguyễn như các đầm Cù Mông, Ô Loan, các vịnh Xuân Đài, Vũng Rô gắn với con đường huyền thoại của những chuyến tàu Không số trong chống Mỹ cứu nước.
Gành Đá Đĩa với những kiến tạo độc đáo về địa chất, và tháp Nhạn, là 2 di tích quốc gia đặc biệt của Phú Yên.
Vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa độc đáo
Bên cạnh hệ sinh thái tự nhiên, Phú Yên còn là vùng đất có bề dày lịch sử trên 400 năm với những chiến công, địa danh lẫy lừng qua 2 cuộc kháng chiến như chiến dịch Át-lăng trong chống Pháp, cuộc đồng khởi Hòa Thịnh, chiến thắng Địa đạo gò Thì Thùng, chiến thắng Đường 5… trong chống Mỹ, cứu nước.
Ngôi nhà xây dựng năm 1978 tại làng biển ở phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa vừa được một đoàn làm phim chọn làm bối cảnh quay. Ảnh: TRẦN THANH HƯNG |
Về di sản văn hóa, Phú Yên cũng có những đại diện độc đáo như bài chòi (cùng một số tỉnh Nam Trung Bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), hò bá trạo, đua ngựa gò Thì Thùng, bộ đàn đá Tuy An…
Đặc biệt, Phú Yên có những di sản độc đáo mà cả nước không có như 2 chiếc kèn đá, cố giáo sư Trần Quang Hải (con trai trưởng của cố giáo sư Trần Văn Khê) cho rằng đó là tù và đá, mà theo ông được biết, cả thế giới chỉ mới phát hiện ở Indonesia và Việt Nam. Rồi bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm, một sự “hôn phối” trong lĩnh vực âm nhạc của 2 tộc người Chăm và Ba Na, sinh sống ở 2 huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên và Vân Canh, Bình Định.
Ngoài ra, ẩm thực Phú Yên cũng vô cùng phong phú và độc đáo như bò một nắng, mắt cá ngừ đại dương, ốc nhảy Sông Cầu, cua huỳnh đế Ô Loan, xoài Đá Trắng tiến vua… Hơn thế, con người Phú Yên chân chất, hiền hòa, mến khách, trọng nghĩa… được xem như một “đặc sản” độc đáo của vùng đất này.
Tại hội nghị chuyên đề về du lịch được Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức mới đây, PGS.TS Phạm Trung Lương, một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch gợi ý, nên chăng Phú Yên chọn lại slogan cho du lịch là: “Phú Yên, điểm đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm khác biệt”.
Có lẽ với tất cả lợi thế nêu trên, các nhà hoạch định chính sách về du lịch mới gợi ý như thế cho Phú Yên.
Điều cần nói thêm là năm 2023, năm đầu tiên áp dụng chỉ số PAI (chỉ số do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam xây dựng, đánh giá sự quan tâm của các tỉnh, thành phố và nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương trong mời gọi các đoàn làm phim) với 10 địa phương tham gia, Phú Yên đang dẫn đầu về chỉ số này.
Sau phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đến nay có 20 dự án phim được quay tại Phú Yên. Mong rằng, ngoài 2 bộ phim truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bối cảnh quay ở Phú Yên, đã tạo nên hiệu ứng truyền thông “hoa vàng cỏ xanh” khá tốt suốt 8 năm qua, và “Ngày xưa có một chuyện tình”, Phú Yên tiếp tục chào đón các nhà làm phim khác, khai thác sâu hơn vỉa tầng di sản văn hóa, bề dày lịch sử của vùng đất này, để giúp công chúng hiểu hơn vùng đất mà hơn 400 năm trước tiền nhân đã ước vọng: đất Phú, trời Yên!
TRẦN THANH HƯNG