Tại TP Hồ Chí Minh, Báo VietNamNet vừa tổ chức lễ trao giải cuộc thi Chuyện của những dòng sông. Các nhà báo, các doanh nghiệp đã có nhiều ý tưởng, đề xuất nhiều giải pháp để thời gian không xa, những dòng sông trên đất Việt đều được chảy theo lẽ thường tình của nó. Nước chảy, thì thuyền mới giong được để cùng ra biển lớn...
Quang cảnh tọa đàm với chủ đề Giong buồm. Ảnh: TRẦN THANH HƯNG |
Đừng bức tử những dòng sông...
Việt Nam là quốc gia biển, nên lâu nay chúng ta nhắc nhiều đến biển là điều hiển nhiên. Từ bao đời nay, biển đảo Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong đảm bảo AN-QP, và là tiềm năng kinh tế hết sức to lớn. Với Phú Yên, gần như mặt tiền của tỉnh đều là biển, với 189km, chưa nói hệ sinh thái đầm, vịnh, vũng, bãi bờ ken dày.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nhiều sông ngòi nhất trên thế giới. Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nước ta hiện có 2.360 con sông dài trên 10km, 93% sông ngắn và nhỏ, chảy liên tỉnh, được đưa vào danh mục quản lý. Hàng triệu cư dân Việt bao đời nay lập làng, mưu sinh ven các con sông đó. Nhiều hoạt động kinh tế bám theo các dòng sông, cửa biển dần định hình, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước. Điều quan trọng hơn cả, gần như bất kỳ người dân Việt Nam nào đều có quê hương, bản quán gắn với ít nhất một dòng sông.
Chính vì thế, chỉ sau 4 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi Chuyện của những dòng sông đã nhận được 472 bài viết, trong đó 96 bài vào vòng sơ khảo, được đăng trên báo VietNamNet và được in thành sách. Cuộc thi không chỉ để người viết chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về dòng sông quê hương, hay bất kỳ dòng sông nào đó trên đất Việt, mà còn mong muốn lắng nghe phản ánh về những vấn đề đang tác động đến các dòng sông trong quá trình phát triển KT-XH, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dòng sông. Đồng thời qua cuộc thi, ban tổ chức cũng mong muốn các doanh nghiệp làm kinh tế liên quan đến sông nước có những đề xuất về cơ chế, chính sách, cộng đồng trách nhiệm để sông ngòi Việt Nam phát huy xứng tầm với tiềm năng.
Ví như con sông Ba (tác phẩm Xuôi dòng sông Ba, tác giả Trần Chí Kông - Trần Thanh Hưng, một trong 96 tác phẩm lọt vào vòng sơ khảo và đã đăng tải trên báo VietNamNet, được in thành sách Chuyện của những dòng sông, có tiềm năng to lớn nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Sông Ba bắt nguồn từ núi Ngọc Rô trong dãy núi Ngọc Linh. Ngọc Linh gồm 10 dãy núi cao nối thành đường phân thủy cho hai hệ thống sông: một chảy sang phía Tây có sông Sê San, góp nước cho sông Mê Kông; một hệ thống chảy sang phía Đông gồm: sông Cái (đầu nguồn sông Vu Gia), sông Thu Bồn, sông Trà Khúc và sông Ba.
Lưu vực sông Ba là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, bao gồm 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên và Bình Định với tổng diện tích lưu vực là 13.417km2. Tuy nhiên, sông Ba cũng được quy hoạch hệ thống thủy lợi, thủy điện dày đặc nhất các sông ở miền Trung. Chính điều này làm cho dòng chảy của con sông chỉ có hai lựa chọn: hoặc là không có nước để xuôi dòng ra biển do hồ thủy lợi, thủy điện phải tích nước (năm ít mưa); hoặc là lũ về đột ngột do thủy lợi, thủy điện xả lũ (năm mưa nhiều).
Sự mất cân bằng nước này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân ở hạ lưu, nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng thời gian gần đây. Chưa nói những thảm họa sạt lở ven sông có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu mưa, lũ lớn.
Không còn cách nào khác, hãy để những dòng sông được chảy theo quy luật muôn đời của nó, phải có giải pháp cân bằng giữa lợi ích kinh tế do thủy lợi, thủy điện mang lại và sự thuận dòng cho các con sông.
Sách Chuyện của những dòng sông, tuyển chọn một số bài viết từ cuộc thi. Ảnh: TL |
Sông được chảy, buồm sẽ được giong
Cùng với lễ trao giải, ban tổ chức cuộc thi đã ra mắt sách Chuyện của những dòng sông do NXB Hội Nhà văn xuất bản và tọa đàm với chủ đề Giong buồm. Buổi tọa đàm đã làm nóng khán phòng từ các nhà báo, các doanh nghiệp kinh doanh có liên quan đến sông nước.
Ông Po Trần, Tổng giám đốc Công ty TNHH Joy Journeys đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho biết, ông tự hào về dòng sông Mê Kông quê ông, nhưng làm du lịch từ nhiều năm nay ông vẫn chưa tìm ra điểm check-in cho du khách nước ngoài để khi họ truyền thông, ai cũng có thể nhận diện đó chính là dòng Mê Kông, Việt Nam. Bởi du khách nước ngoài luôn ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông, sức hấp dẫn khi trải nghiệm cuộc sống đôi bờ. Chỉ có một lời chê: rác nhiều quá! Chính vì thế, công việc đầu tiên mỗi ngày của nhân viên công ty là dọn rác!
Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ana Marina Nha Trang, người tâm huyết và đầu tư cảng biển cho tàu du lịch 5 sao tại Nha Trang nhưng vẫn nói vui, kinh tế liên quan đến sông nước của Việt Nam chỉ mới loanh quanh mép nước với resort, nhà hàng, khách sạn và vài dịch vụ đi kèm, chưa xứng đáng với những gì mà sông, biển Việt Nam mang lại cho nền kinh tế.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Định F1, người đưa Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế - UIM F1H2O (Grand Prix of Binh Dinh 2024) và Giải đua vô địch thế giới mô tô nước UIM - Aquabike World Championship 2024 về vịnh Thị Nại, TP Quy Nhơn, cho biết đây chỉ mới là những hoạt động khởi đầu cho du lịch biển, vì tiềm năng các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ còn rất lớn.
Theo một thống kê của Ngân hàng Thế giới, sông ngòi các nước đóng góp cho nền kinh tế khoảng 20 đô la/mét ven bờ sông. Tuy nhiên đối với Việt Nam là rất thấp, con số này chỉ chừng 2 đô la/mét ven bờ sông. Rõ ràng chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên vô cùng lớn từ sông ngòi.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Phê bình lý luận văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tại lễ trao giải: “Câu chuyện về những dòng sông là một trong những đề tài rất hay. Bởi, không chỉ có những nhà báo, nhà văn mà bất cứ ai cũng có thể viết về dòng sông... Đọc, tôi thấy các bài viết đúng là lời gan ruột. Ở đó có những dòng sông vui, dòng sông buồn, dòng sông mở cõi, dòng sông chia cắt... Mỗi dòng sông là mỗi mảnh ghép làm nên dân tộc Việt Nam. Tôi đọc nhiều khi thấy thương, thấy tự hào. Và, nói về dòng sông không chỉ nói về quá khứ mà còn nói về những mong muốn, khát vọng để vươn ra phía trước, hướng đến tương lai...”.
Các nhà báo, các doanh nghiệp đã có nhiều ý tưởng, đề xuất nhiều giải pháp để thời gian không xa, những dòng sông trên đất Việt đều được chảy theo lẽ thường tình của nó. Nước chảy, thì thuyền mới giong được để cùng ra biển lớn...
TRẦN THANH HƯNG