Thứ Hai, 25/11/2024 02:53 SA
Tây Hòa tiếp nối Chiến thắng Đường 5
Thứ Tư, 01/04/2020 11:00 SA

Đường 5 nay là quốc lộ 29. Ảnh: XUÂN HIẾU

Cách đây 45 năm, quân và dân Phú Yên đã phối hợp với bộ đội chủ lực làm nên Chiến thắng Đường 5 vang dội, tạo thế và lực mới cho tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh lỵ Tuy Hòa và giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975; góp phần to lớn làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

 

Ngày 18/6/1997, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) đã công nhận di tích Đường 5 (địa phận tỉnh Phú Yên) là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Trận đánh đi vào lịch sử

 

Trong trang sử vàng của quân và dân Phú Yên còn ghi rõ: Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ (ngày 10/3/1975), Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố bỏ Tây Nguyên, rút toàn bộ lực lượng chủ lực về lập phòng tuyến ở đồng bằng duyên hải miền Trung, chờ thời cơ phản kích. Thay vì rút theo đường 19 về Quy Nhơn, địch chọn đường 7 (nay là quốc lộ 25) để tạo sự bất ngờ, khi đến Củng Sơn bắc cầu phao vượt sông Ba sang đường 5 để về Tuy Hòa. Nhưng tất cả những toan tính của địch đều không qua được sự phán đoán tài tình, chuẩn xác của ta.

 

Tại cuộc họp Sở Chỉ huy tiền phương tổ chức tại núi Hương (xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1) ngày 18/3, cơ quan đầu não chiến dịch Xuân 1975 của tỉnh đã quyết định tập trung lực lượng, tiêu diệt địch trên đường 5. Ở hướng đường 7, TX Tuy Hòa vẫn giữ nguyên thế trận để nghi binh. Đây là quyết định đầy táo bạo của Sở Chỉ huy tiền phương trên cơ sở nắm bắt kịp thời, chính xác tình hình đối phương.

 

Đúng như nhận định của ta, sau khi tháo chạy từ Tây Nguyên theo đường 7 đến thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), địch tiến hành bắc cầu phao dã chiến từ Thạnh Hội vượt qua sông Ba qua đường 5. Trong khi đó, hàng loạt cứ điểm theo dọc trục đường 5 và vùng phụ cận được địch bố trí nhiều khẩu pháo và lực lượng nhằm yểm trợ cho cuộc “rút lui chiến lược”.

 

Không để cho quân địch có đủ thời gian chuẩn bị, rạng sáng 19/3/1975, ta mở màn chiến dịch, nổ súng tiêu diệt cứ điểm Cầu Cháy, làm chủ trận địa và đánh chiếm khu vực ga Gò Mầm không cho địch tiếp viện từ dưới lên. Chiều 19/3, đoàn xe bọc thép của địch gồm 5 chiếc dẫn đầu từ Hòn Kén rút xuống theo đường 5 bị bộ đội ta chặn đánh khiến hàng chục ngàn binh lính và xe pháo ùn lại, hỗn loạn. Tiếp đó, các lực lượng của Tỉnh đội bắt đầu tiêu diệt các cụm quân địch ở Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Phong… để thông đường và kiểm soát đường 5, đồng thời đánh lui các đợt phản kích, viện binh của địch từ Tuy Hòa lên, từ Nha Trang ra.

 

Suốt các ngày từ 21-25/3, địch tập trung bộ binh, không quân, pháo binh phản kích hòng mở đường về TX Tuy Hòa; đường 5 bị cày xới tan hoang, nhiều chiến sĩ thương vong, song tất cả những cố gắng cuối cùng của chúng đều thất bại trước tinh thần chiến đấu dũng mãnh, không sợ hy sinh của bộ đội ta và dân quân du kích địa phương. Trận đánh đường 5 kết thúc vào trưa 25/3, hơn 15.000 quân địch bị tiêu diệt, bị bắt và trốn thoát. Cuộc “rút lui chiến lược” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn thất bại, không thể xây dựng tuyến phòng thủ Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang như toan tính. Đây là thời cơ để ta tổng tấn công giải phóng tỉnh lỵ Tuy Hòa, giải phóng tỉnh nhà.

 

Huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh

 

Trở lại đường 5 (nay là quốc lộ 29), qua những tên đất tên làng in đậm dấu ấn chiến công của “trận Bạch Đằng trên cạn” năm xưa, sự đổi thay của vùng đất giàu truyền thống cách mạng này hiện lên rõ nét.

 

Những ngày này, dọc hai bên quốc lộ 29 đoạn qua huyện Tây Hòa, nhà cửa khang trang; những cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt, bà con nông dân đang bước vào mùa gặt. Dấu tích một thời ác liệt với lửa đạn, khói súng theo thời gian đã lùi xa, khó có thể nhận ra nơi đây đã từng là nơi đồng ruộng bỏ hoang, vườn không nhà trống, xóm làng tiêu điều xơ xác, loang lổ hố bom… Đường 5 giờ đây đã là con đường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng từ đồng bằng Tuy Hòa, Tây Hòa lên Sông Hinh, qua Phú Hòa, Sơn Hòa và ngang qua Nhà máy đường Tuy Hòa, Nhà máy Thủy điện Sông Hinh… gắn kết với Đắk Lắk, Tây Nguyên.

 

Không chỉ dọc theo quốc lộ 29, hay tại trung tâm huyện lỵ, ở tất các xã của Tây Hòa đều có sự khởi sắc rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng lên đáng kể. Từ một huyện mới được thành lập (tách ra từ huyện Tuy Hòa cũ) với không ít khó khăn, nhờ được cấp trên quan tâm đầu tư và sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và người dân địa phương, Tây Hòa là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh.

 

Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Nguyễn Tấn Chân cho biết: Xác định nông nghiệp là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, Tây Hòa đã tập trung điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng cơ giới hóa, đưa sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển toàn diện. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

 

Cùng với đó, Tây Hòa đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh những vướng mắc trong đền bù, hỗ trợ và tái định cư để các dự án, công trình trên địa bàn huyện sớm được triển khai thực hiện… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục ổn định, có mặt phát triển. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,1 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2019; thu ngân sách 108 tỉ đồng, đạt 117% dự toán tỉnh giao. Tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 98%; hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống dưới 3,4%.

 

Đặc biệt, để xây dựng xã, huyện NTM, Tây Hòa đã huy động trên 696 tỉ đồng từ các nguồn xã hội hóa và vận động người dân đóng góp ngày công, hiến đất… Kết quả, toàn huyện đã xây mới, cải tạo, nâng cấp, bê tông 595,4km đường nông thôn, hơn 88km kênh mương nội đồng. 10/10 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

 

“Để xứng đáng với truyền thống của quê hương anh hùng, nơi đã làm nên Chiến thắng Đường 5 - “trận Bạch Đằng trên cạn”, Tây Hòa tiếp tục phát huy sức mạnh sáng tạo, đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, huy động tốt các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, xây dựng NTM bền vững và xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu và ít nhất 3 khu dân cư NTM kiểu mẫu được công nhận trong năm 2020. Đồng thời, địa phương tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, sắp xếp bộ máy cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa kinh tế phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, ông Nguyễn Tấn Chân cho biết thêm. 

 

Điểm nổi bật nhất của Tây Hòa trong tiến trình xây dựng huyện nói chung, xây dựng NTM nói riêng là sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nổi bật là chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, chỉnh trang khu dân cư, vườn tược, nhà cửa... Là huyện thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm vượt bậc, Tây Hòa được công nhận là huyện NTM năm 2019.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek