Thứ Ba, 17/09/2024 02:46 SA
Ký ức của một nữ “Kiện tướng thồ hàng”
Thứ Sáu, 13/03/2020 09:07 SA

Bà Lê Thị Thanh Xuân (thứ hai từ trái qua) cùng đội quân thồ hàng phục vụ Chiến dịch Mùa xuân 1972 tại chiến trường Tây Nguyên. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cô gái Lê Thị Thanh Xuân lên đường nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Năm 21 tuổi, trong Chiến dịch Mùa xuân năm 1972, cô vinh dự nhận danh hiệu “Kiện tướng thồ hàng” và 4 lần nhận danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng cấp 3…

 

Nhờ sự giới thiệu của một đồng đội cùng Hội Truyền thống Trường Sơn Phú Yên, tôi đã gặp và trò chuyện với bà tại nhà riêng ở 60 Lê Hồng Phong (khu phố Trần Phú, phường 7, TP Tuy Hòa). Dáng người hơi gầy, gương mặt cương nghị, rạng ngời niềm tự hào khi nhắc lại một thời oanh liệt hơn 45 năm về trước…

 

Một thời giữa đạn bom

 

Bà Lê Thị Thanh Xuân năm 1975. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Mỹ Lệ, xã Hòa Bình 2, huyện Tuy Hòa (nay là khu phố Mỹ Lệ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa), năm 1968, cô thiếu nữ Lê Thị Thanh Xuân cùng hàng trăm trai thanh, nữ tú của địa phương từ giã xóm làng, người thân lên vùng giải phóng. Bà nhập ngũ và công tác tại đơn vị C22 K61 Thông tin đóng quân tại Hà Roi (Sông Hinh).

 

Khi mới vào đơn vị, còn nhiều bỡ ngỡ nên đơn vị phân công bà làm quen với những công việc nhẹ nhàng, như đi lấy lương thực (chủ yếu là môn dóc với củ bá), tăng gia sản xuất, khâu vá quần áo cho đồng đội… Bất kỳ công việc gì, bà cũng luôn hoàn thành. Một thời gian sau, bà Xuân được điều động công tác tại đơn vị an dưỡng A100, E250 Trung đoàn 316 đóng quân ở địa phận giáp nước bạn Campuchia (Trạm 17).

 

Thời điểm đó, tình hình khu vực phức tạp, lương thực, thực phẩm ngoài hậu phương chi viện rất khó khăn nên cấp trên chủ trương đưa tân binh ở các khung của E250 ra miền Bắc. Bà Xuân và một số đồng chí ở lại và được tăng cường về Quân y viện 211 đóng tại khu vực bắc Kon Tum. Bà làm việc tại Khoa 32. Cuối năm 1970, bà Xuân được cử đi học lớp dược tá 6 tháng ở Xưởng Quân dược 38 Tây Nguyên và được giữ lại xưởng tiếp tục công tác.

 

Bà Xuân nhớ lại: Đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/1970, đơn vị nhận tin của quân báo là địch chuẩn bị đưa B52 thả bom Xưởng Quân dược nên toàn bộ cán bộ, chiến sĩ khẩn trương di chuyển thương binh đến tỉnh Attapeu nằm ở đông nam nước Lào. Lúc này, đơn vị còn lại 2 ca thương binh nặng không thể vận chuyển an toàn (1 đồng chí bị sốt rét ác tính, 1 đồng chí bị chấn thương sọ não) nên khoa quyết định để lại 3 người là một bác sĩ, một y sĩ và bà để chăm sóc. Đúng 8 giờ 15 tối hôm đó, loạt bom từ B52 đầu tiên đánh vào Khoa Dược của bệnh viện (cách Khoa 32 chỉ 5 phút đường chim bay) và sau mỗi 15 phút loạt tiếp theo cứ đều đều, khi thì 4 chiếc khi thì 3 chiếc B52 oanh tạc. “Đến lượt thứ 8 thì căn hầm chữ A có ba chị em và đồng chí chính trị viên của khoa đang ngồi bị 1 quả bom làm sập một bên cửa hầm. May mắn không ai bị thương, các đồng chí ấy định chuyển qua hầm phòng mổ (vì ở đó chắc chắn, rộng rãi hơn) nhưng tôi không đồng tình. Vì theo kinh nghiệm của bộ đội tuyến trước thì khi hầm đã sập rồi, nơi đó sẽ an toàn hơn cho những loạt bom tiếp theo. Quả thật, loạt bom tiếp theo rơi đúng khu vực phòng mổ, nhưng trang thiết bị y tế và hai thương binh đã kịp sơ tán từ chiều, mấy anh chị em tôi nhìn nhau mà hú hồn!”, bà Xuân kể.

 

Tháng 3/1972, để phục vụ cho chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Phòng Hậu cần huy động toàn bộ lực lượng đi tiếp tế lương thực, thuốc men, súng đạn… cho bộ đội. Bà Xuân tham gia vào đội quân vận chuyển hàng bằng xe đạp thồ. “Đội vận chuyển có hàng trăm người ở nhiều bộ phận, gồm Xưởng Dược, Xưởng Cơ khí, Xưởng May... Mỗi cung vận chuyển phải đi từ 4 giờ sáng lên đường thồ hàng đến 6, 7 giờ tối mới về lại đơn vị. Tùy vào đợt chiến dịch và hàng vận chuyển với số lượng nặng hay nhẹ và hành trình dài hay ngắn, có đợt chúng tôi đi liên tục từ một đến hai tháng ròng rã”, bà Xuân cho biết. Vượt qua những khó khăn gian khổ, thiếu thốn nơi chiến trường, bà Xuân đã cùng đồng đội đưa hàng vạn tấn hàng phục vụ chiến trường. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, tại Hội nghị tổng kết phục vụ Chiến dịch Mùa xuân năm 1972, bà Xuân được vinh dự nhận danh hiệu “Kiện tướng thồ hàng”. Và 4 năm liền (1971-1974) bà Xuân vinh dự nhận danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng cấp 3”.

 

Vượt qua khó khăn

 

Năm 1974, bà Xuân được lãnh đạo Xưởng Quân dược giới thiệu đi học dược sĩ tại Trường trung cấp Quân y Tây Nguyên ở gần ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Đến tháng 4/1976, đúng 1 năm sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất bà về công tác tại Khoa Dược Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Khánh cho đến khi nghỉ hưu (đầu năm 1994).

 

Trong thời gian này, cuộc sống rất khó khăn nên bà phải làm đủ nghề để lo cho gia đình. Bà Xuân chia sẻ: “Những năm đầu mới giải phóng, cả gia đình tôi 5 người và ông bà từ ngoài Bắc mới vào ở chung trong một căn nhà tập thể có diện tích hơn 40m2 của bệnh viện. Hàng ngày ngoài giờ đi làm, tôi còn bán bánh mì, may gia công và làm thêm nhiều việc khác, không nề hà bất cứ công chuyện gì để có tiền lo cho các con ăn học. Có lẽ nhờ bản lĩnh và nghị lực sống đã được rèn giũa từ những ngày ở chiến trường nên khó khổ đến mấy tôi cũng dần vượt qua hết”.

 

Hiện tại, các con của bà Xuân đều đã thành đạt và có gia đình riêng ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Ở quê nhà Phú Yên chỉ còn hai vợ chồng già chăm sóc lẫn nhau. Sau khi nghỉ hưu, bà Xuân vẫn tích cực tham gia các hoạt động của phường, khu phố. Năm 1994-1999 bà là Phó Chủ tịch HĐND, rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ, kiêm nhiệm cán bộ chuyên trách dân số phường 1. Đến năm 2005, do sức khỏe yếu bà xin nghỉ hẳn.

 

Hơn 8 năm cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, bà Xuân đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 1, 2, 3 và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

 

Hồi đó cực lắm, tụi tôi làm quần quật không ngơi tay lo chăm sóc, cứu thương, động viên các thương binh; về Xưởng Dược thì ngày đêm lo sản xuất thuốc men, băng, cồn gửi ra tiền tuyến. Mỗi khi có chiến dịch thì chị em tham gia thồ hàng, gùi hàng, mỗi người mang 70-80kg băng rừng, lội suối trầy xước cả chân. Bữa ăn hàng ngày chỉ là rau củ, bữa nào sang thì được ăn cơm độn sắn vì gạo để dành nấu cháo cho thương binh. Vậy mà mỗi khi có lệnh chuẩn bị lên đường chuyển hàng, ai nấy đều hồ hởi.

 

Bà Lê Thị Thanh Xuân

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những nữ chiến sĩ áo trắng thời chiến
Thứ Sáu, 28/02/2020 09:41 SA
Cầu Đà Rằng - hoài niệm xưa và nay
Chủ Nhật, 16/02/2020 10:16 SA
Ký ức về người cha anh hùng
Thứ Sáu, 14/02/2020 09:54 SA
Tuy Hòa tình đất, tình người
Thứ Ba, 28/01/2020 08:00 SA
Nhớ Tết chiến khu
Thứ Sáu, 17/01/2020 16:05 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek