Thứ Ba, 17/09/2024 02:42 SA
Những nữ chiến sĩ áo trắng thời chiến
Thứ Sáu, 28/02/2020 09:41 SA

Bà Huỳnh Thị Bến. Ảnh do nhân vật cung cấp

Họ là những cô gái trẻ tự nguyện xếp bút nghiên, rời xa gia đình, lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, kiên cường, xông pha nơi lửa đạn làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh, tiếp sức cho chiến trường, góp một phần tuổi xuân cho ngày toàn thắng của dân tộc…

 

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi tìm gặp các cựu nữ quân y Huỳnh Thị Bến, Huỳnh Thị Kim Huê và Hồ Thị Minh Nhũ. Cả ba người đều đã “lên chức” bà và bước vào tuổi thượng thọ, cùng sinh sống tại TP Tuy Hòa.

 

Một thời sinh tử

 

“Thời gian này khó khăn trăm bề, lương thực không đủ nên y bác sĩ, hộ lý toàn ăn cơm độn sắn, bắp, củ chuối rừng, còn gạo để dành nấu cháo cho thương binh. Thiết bị y tế thiếu thốn, chị em y tá, hộ lý phải giặt những cuộn băng, miếng gạc cũ, luộc kỹ, phơi khô rồi hấp bằng nồi đun củi khử trùng để dùng lại”, bà Huỳnh Thị Bến nhớ lại.

Năm 1962, vừa bước qua tuổi 18, cô gái trẻ Huỳnh Thị Bến tình nguyện làm đơn nhập ngũ và được phân công nhiệm vụ làm chị nuôi tại Bệnh xá E100 ở vùng căn cứ Ma Dú thuộc xã Phước Tân, huyện Miền Tây (nay là huyện Sơn Hòa). Ngày nào cô gái trẻ này cũng dậy từ sáng sớm để lo nấu ăn, chăm sóc cho từng thương binh. Với đức tính chịu khó, nhanh nhẹn, Bến được điều vào làm hộ lý.

 

Ngày 25/8/1962, Bệnh xá E100 thành lập Đội Phẫu thuật và bà Bến được chuyển qua đội này, được cử đi học lớp cứu thương 6 tháng. Trong chiến tranh, y tá ở tuyến đầu rất vất vả, vừa chịu áp lực từ bom đạn, vừa chịu áp lực từ cứu chữa cho đồng đội bị thương quá nhiều, ai cũng làm việc gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Bà Bến kể: “Mỗi lần tiếp nhận thương binh, tôi và các đồng nghiệp cố gắng sơ cứu thật tốt vết thương ban đầu. Ca nào nặng thì tiến hành phẫu thuật, những ca bị thương ở tay hoặc chân thì phải cắt bỏ. Tôi là người trực tiếp mang những cánh tay, chân của đồng đội đi chôn mà trong lòng nặng trĩu. Có lúc được phân công canh gác thi thể của đồng đội cả đêm không dám ngủ vì sợ cọp xuống trộm xác”.

 

Năm 1965, sau khi học lớp y tá, bà Bến nhận nhiệm vụ tại đơn vị quân giới cho đến năm 1966 chuyển về công tác tại Bệnh xá Hồ Tây. Những năm 1967-1968, địch tăng cường đánh phá, càn quét các khu căn cứ của ta rất ác liệt, nên đội ngũ quân y luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, di dời thương binh khi có biến cố. “Có lần kíp mổ gồm y sĩ Trang, y sĩ Bùi và tôi mổ lấy bướu nước trong bụng cho một đồng chí (quê ở Đồng Xuân), mất một giờ mới xong. Nhưng do mất máu quá nhiều và kiệt sức nên đồng chí ấy đã hy sinh. Một đồng chí khác (quê ở Hà Nội) bị thương nặng ở phía sau cổ, co giật liên tục và anh ấy cũng đã ra đi chỉ vì thiếu thuốc và thiếu phương tiện y tế”, bà Bến nghẹn ngào.

 

Bà Hồ Thị Minh Nhũ năm 1972. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Còn bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê, sinh năm 1941, quê quán Hiền Lương, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Năm 1954, bà tập kết ra Bắc và được đào tạo bác sĩ khóa 1961-1966 tại Trường đại học Y Hà Nội, cùng lớp với liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

 

Sau khi tốt nghiệp, bà tình nguyện vào Nam phục vụ chiến đấu và được phân công về chiến trường Phú Yên. Ngày đầu về Bệnh xá Y13 đặt tại rừng Đá Điệp (xã An Lĩnh, huyện Tuy An), bác sĩ Huê rất hăm hở, tràn đầy nhiệt huyết nhưng không khỏi lo lắng. Bệnh xá lúc ấy chỉ hơn 10 cán bộ, bác sĩ, công nhân viên nhưng phải thường xuyên chăm sóc, chữa trị vài chục thương binh mỗi ngày.

 

Bà Huê kể: Năm 1967, một lần địch đổ bộ càn lên rất đông, Huyện ủy cấp báo phải khẩn cấp di dời thương bệnh binh đến vùng 4 An Lĩnh. Lúc này, bệnh xá có khoảng 30 thương binh, trong đó 5 người bị thương rất nặng không thể di chuyển được. Tôi và các y tá Chín, Lan (quê ở xã An Ninh, huyện Tuy An) ở lại chăm sóc thương binh. Ba chị em tôi đào hầm, rồi đưa thương binh xuống đó, phủ lá cây lên trên. May mà hôm ấy, địch càn chỉ đi một đường thẳng theo lối mòn, không lùng sục nên chúng tôi thoát hiểm. Có lần trời vừa sập tối, tôi nghe đại pháo nổ dữ dội ở phía xã An Định, An Thạch. Khoảng 2-3 giờ sáng, có 20 thương binh chuyển vào, chúng tôi băng bó vết thương cho anh em đến khi trời sáng. Trưa hôm ấy, địch dùng 2 chiếc mô-ranh bay lượn vòng quanh bệnh xá phát loa kêu gọi chúng tôi đầu hàng. Chúng tôi người dìu, người cõng đưa thương binh đến các hầm, khe đá, gộp đá để lánh đạn và nhất quyết không để một thương binh nào lọt vào tay giặc. Năm 1967-1968 là lúc chiến trường ác liệt nhất, lượng thương binh chuyển vào rất đông, ca nào nhẹ thì băng bó điều trị, ca nào nặng thì sơ cứu ban đầu rồi chuyển lên Bệnh xá Trúc Bạch. Mỗi lần phẫu thuật vết thương, chỉ có thuốc tê, chúng tôi phải dùng chỉ may đã được hấp sát trùng để khâu ngoài da. Không có nước rửa vết thương, các bác sĩ phải nấu nước muối pha loãng, lọc kỹ để dùng. Thương nhất là những thương binh lên cơn uốn ván, không có thuốc điều trị, chúng tôi dùng vỏ ve sầu sắc nước, nhổ cây vòi voi về sắc cô đặc cho họ uống thay thuốc kháng sinh. Thế mà cũng cắt được nhiều cơn.

 

Bác sĩ Hồ Thị Minh Nhũ, sinh năm 1949, quê quán thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Bà nhập ngũ năm 1967 và được phân công làm hộ lý tại Trạm xá trung tuyến Tổng Đạt (Sơn Hòa). Bà Nhũ kể: “Trạm xá mới hình thành, chưa có bệnh nhân thì bị địch càn bất ngờ, bác sĩ Tống Hải (người miền Bắc) và hai cán bộ, nhân viên bị địch bắt; tôi và số còn lại kịp tản ra, rút về căn cứ sau đó nhập vào Bệnh xá Hồ Tây (ở Kỳ Lộ, Đồng Xuân). Một tháng sau, tôi được đưa đi học dược tá tại Quân y Phân khu Nam (Gia Lai) rồi vừa học vừa phục vụ tại Xưởng dược X201.

 

“Tháng 12/1967, một lần tôi cùng 7 đồng chí đi xuống đồng bằng mua dược liệu. Khi qua khu vực Trảng Tranh (Sơn Hòa), chúng tôi bị máy bay địch phát hiện, thả bom. May mắn lúc đó tôi nằm gần miệng hố bom nên không bị cháy, chỉ bị thương ở tay, vai và chân. Còn dược tá Nguyễn Văn Thiện bị bỏng nặng”, bác sĩ Minh Nhũ nhớ lại.

 

Bà Huỳnh Thị Kim Huê (bìa phải) cùng đoàn cán bộ y tế huyện Tuy An dự hội nghị ngành tại Phong Cao, Sơn Hòa năm 1968. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Trở lại đời thường

 

13 năm phục vụ ở chiến trường, bà Huỳnh Thị Bến là người được điều động qua nhiều đơn vị nhất và năm 1972 được cử đi học trung cấp dinh dưỡng ở Quân khu 5. Sau ngày giải phóng, bà về công tác tại Đoàn An dưỡng Quân khu 5 (Nha Trang, Khánh Hòa), đến năm 1988 về hưu và sinh sống tại TP Tuy Hòa cho đến nay. Giờ đây, cựu y tá Huỳnh Thị Bến còn mang trong mình nhiều di chứng do những năm tháng chiến tranh gian khổ, khốc liệt cộng với các bệnh của tuổi già như xương khớp, tim… Tuy nhiên, bà vẫn lạc quan, yêu đời và cảm thấy hạnh phúc khi đất nước đã không còn chiến tranh, các con, các cháu từng bước trưởng thành, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do.

 

Còn bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê, Trưởng Bệnh xá Y13 trong kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng 1975, bà về công tác tại Bệnh viện Bắc Phú Khánh, làm Chủ nhiệm khoa Nội rồi Phó Giám đốc Bệnh viện. Về Phú Yên, bà làm Giám đốc Bảo hiểm Y tế tỉnh, rồi nghỉ hưu năm 1997 và giữ chức Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường 4, TP Tuy Hòa suốt 14 năm (2001-2015).

 

Năm 1969, bà Hồ Thị Minh Nhũ được ra miền Bắc học quân y rồi trở về công tác ở Đoàn An dưỡng 592 thuộc Quân khu 3. Đến năm 1976, bà chuyển về công tác tại Bệnh viện Bắc Phú Khánh rồi tiếp tục học chuyên tu bác sĩ tại Hà Nội; là Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Khánh (1988-1992), rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Giám định y khoa Phú Yên. Năm 2003, bà được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cầu Đà Rằng - hoài niệm xưa và nay
Chủ Nhật, 16/02/2020 10:16 SA
Ký ức về người cha anh hùng
Thứ Sáu, 14/02/2020 09:54 SA
Tuy Hòa tình đất, tình người
Thứ Ba, 28/01/2020 08:00 SA
Nhớ Tết chiến khu
Thứ Sáu, 17/01/2020 16:05 CH
Hòa Thịnh ngày ấy - bây giờ
Chủ Nhật, 22/12/2019 06:12 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek