Thứ Năm, 19/09/2024 08:59 SA
Nỗi nhớ mang tên Hải Dương
Chủ Nhật, 26/01/2020 08:00 SA

Các nghệ sĩ, đại biểu Hải Dương và Phú Yên chụp ảnh lưu niệm khi tham dự chương trình Giao lưu nghệ thuật Tác giả và tác phẩm của hai tỉnh, năm 2020. Ảnh: SAO BIỂN

Với anh em nghệ sĩ Sao Biển, Hải Dương là nỗi nhớ!

 

Năm 1992, Ðoàn Cải lương Hoa Biển đến Hải Dương biểu diễn. Ðang ở huyện Chí Linh, đoàn có việc về nghệ thuật, nhờ tôi ra nơi này. Vì tình nghĩa với đoàn và rất muốn biết quê hương kết nghĩa với Phú Yên nên tôi háo hức lên đường.

 

Sau một ngày đêm trên chuyến tàu lửa xuyên Việt và một buổi đi xe đò, tôi thấy Hải Dương hiện ra trước mắt với những cánh đồng còn dấu vết gốc rạ nhưng trên giồng đã xanh thắm cải bắp, cà nụ, dưa hồng… của vụ màu thâm canh; bên kia là xóm làng vườn tược san sát, với cổng làng, lũy tre, đường quê, tiếng trâu gọi nghé, nên thơ quá! Ðây chính là hình ảnh vùng quê đồng bằng Bắc bộ mà tôi đã biết qua các bài học thuộc lòng thời Tiểu học.

 

Trước mắt tôi là cây cầu, hình như mới xây: cầu Kinh Thầy. Bất giác tôi nhìn chung quanh để tìm không gian trong thơ của Trần Ðăng Khoa mà tôi yêu thích: “Hàng chuối lên xanh mướt/ Phi lao reo trập trùng/ Vài ngôi nhà đỏ ngói/ In bóng xuống dòng sông… Bắp ngô non răng sún/ Óng vàng một chòm râu/ Ơi cánh buồm nhỏ bé/ Biết bay về nơi đâu…”.

 

Tôi đang đắm chìm trong cảm xúc thì xe đưa qua những đồi thông của thị trấn Sao Ðỏ, xa xa thấp thoáng mấy cột khói của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Tôi mê mải nhìn, chợt thấy trên bức tường rêu phong của cơ quan nào đó, những hình ảnh cổ động và dòng chữ “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho Phú Yên ruột thịt” qua mấy chục năm vẫn còn rất rõ, như soi vào lòng tôi. Cảm xúc thật khó tả!

 

Nhà hát ngoài trời của huyện Chí Linh có khoảng 2.000 chỗ ngồi là những bệ xi măng, đêm nào cũng chật kín khán giả. Ðoàn Hoa Biển biểu diễn đến 7 đêm mà người xem vẫn còn đông. Tôi nghĩ, một phần vì bà con thích cải lương miền Nam, một phần có lẽ vì họ yêu mến đoàn nghệ thuật của tỉnh Phú Yên kết nghĩa.

 

Sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, Sở VH-TT giao nhiệm vụ cho Ðoàn Ca múa nhạc Sao Biển (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển ngày nay) xây dựng chương trình nghệ thuật, tổ chức biểu diễn kết nối nhịp cầu nghĩa tình Phú Yên - Hải Dương vốn gắn bó keo sơn trong kháng chiến. Tôi quá ấn tượng với chuyến đi Chí Linh trước đây, lòng rộn ràng mong đợi những trải nghiệm mới trong mỗi lần về Hải Dương biểu diễn.

 

Ðó là những ngày vui, là biết bao kỷ niệm dệt dày thêm tình nghĩa. Làm sao quên chuyến biểu diễn giao lưu với Trung tâm Ðiện ảnh Băng từ Hải Dương tại rạp chiếu bóng Thống Nhất; anh Ðoàn Văn Thu, Giám đốc trung tâm, đã chỉ đạo toàn cơ quan tập trung giúp đoàn biểu diễn, đưa xe và người đi loan báo để nhiều bà con Hải Dương biết, đến xem chương trình nghệ thuật của đoàn.

 

Thương lắm chị Thanh Phó Giám đốc, chị Việt phụ trách hành chính đã nhiệt tình phát hành vé tại chỗ và vận động các cơ quan mua vé, nên buổi biểu diễn nào cũng hết ghế ngồi. Tôi nhớ lần anh Nguyễn Xuân Mạo, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hải Dương mời Ðoàn Sao Biển biểu diễn tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh. Anh đã tạo mọi điều kiện để buổi biểu diễn thành công.

 

Làm sao quên việc anh Nguyễn Sơn Tùng, Trưởng Ðoàn kịch Hải Dương phân công NSND Trịnh Thái, Phó đoàn, lên tận Thái Nguyên tìm Ðoàn Sao Biển đang biểu diễn ở đó, mời đoàn diễn xong là về ngay Hải Dương trong đêm để ngày mai chủ tịch tỉnh gặp mặt trước khi đoàn về Nam. Ý nghĩa trên cả buổi gặp gỡ là niềm vui sum họp, những lời thăm hỏi ân cần, chân tình của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Trọng Nhưng, lời động viên của lãnh đạo Sở VH-TT, những chuyện trò của các đồng nghiệp, những bó hoa nói thay bao điều…

 

Với anh em nghệ sĩ Sao Biển, Hải Dương là nỗi nhớ. Nhớ miền đất xứ Ðông với những tên đất, tên làng gắn với quê hương mình, như chợ Phú Yên và các con phố: Tuy Hòa, Sơn Hòa, Ðồng Xuân, Xuân Ðài, Ngân Sơn. Ðặc biệt, khi đi trên phố Hàng Lọng xưa - nay là phố Tuy An, tôi miên man nghĩ về một vùng đất khoa bảng, với những cuộc vinh quy bái tổ...

Rồi từ những kết nối của lãnh đạo hai tỉnh, hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật có chỉ đạo cụ thể hơn. Thư của Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Thành Quang gửi Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Văn Chiền vào ngày 7/6/2001 có đoạn: “… Nay Ðoàn Ca múa nhạc Sao Biển tỉnh Phú Yên sẽ về phục vụ bà con quê nhà… Mục đích biểu diễn của đoàn là phục vụ đồng bào quê hương kết nghĩa, mang thông điệp của đồng bào quê hương Phú Yên đến đồng bào Hải Dương anh em. Thông qua các đêm diễn, đoàn làm cuộc vận động quyên góp để gây quỹ tặng nhà tình nghĩa cho những gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công còn nghèo khó. Mong anh giúp đỡ, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp và tạo điều kiện cho đoàn hoàn thành nhiệm vụ…”.

 

Sau đó 2 tuần, đêm 21/6/2001, Ðoàn Ca múa nhạc Sao Biển có buổi biểu diễn hoành tráng tại Nhà hát nhân dân TP Hải Dương; hàng nghìn người đến xem và tiếng vỗ tay không ngớt sau từng tiết mục trình diễn. Ðêm diễn thành công ngoài mong đợi; số tiền thu được trên 100 triệu đồng lúc ấy được trao tại sân khấu, trước sự chứng kiến của bà con Hải Dương, lãnh đạo hai tỉnh… Một nghĩa cử đẹp dành cho nhau, động viên nhau cùng xây dựng hai quê hương.

 

Từ đó, những chuyến biểu diễn giao lưu của Sao Biển và Ðoàn kịch Hải Dương (sau là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương) được tổ chức thường xuyên hơn. Với anh em nghệ sĩ Sao Biển, Hải Dương là nỗi nhớ. Nhớ miền đất xứ Ðông với những tên đất, tên làng gắn với quê hương mình. Chúng tôi đã tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng, được biết thêm về những danh nhân mà trước đây chỉ biết trong sử sách. Về các huyện, chúng tôi thuộc làu những điểm diễn và đặc sản từng nơi. Bánh gai thơm ngọt Ninh Giang, bánh dày giò lụa Gia Lộc, chả rươi Tứ Kỳ, vải thiều Thanh Hà…

 

Quá nhiều cảm xúc trong những chuyến biểu diễn giao lưu, mà người “hưởng lợi” hình như là nhạc sĩ sáng tác. Tôi và các đồng nghiệp đã rung cảm thực sự, thu nạp nhiều năng lượng, từ đó hình thành giai điệu, tiết tấu, ra đời những ca khúc hay. Nhạc sĩ Trần Minh sáng tác ca khúc Nhớ Phú Yên, được UBND tỉnh Phú Yên tặng bằng khen trong chương trình giao lưu âm nhạc tại Phú Yên.

 

Ca khúc Lung linh Hải Dương của tôi được giải thưởng cuộc thi âm nhạc kỷ niệm 115 năm khởi lập Thành Ðông, 60 năm giải phóng Hải Dương. Xúc động nhất là hôm UBND tỉnh Hải Dương tổ chức gặp mặt Ðoàn Ca múa nhạc Sao Biển, Ðoàn kịch Hải Dương và trao bằng khen của UBND tỉnh cho ca khúc Nghĩa tình của nhạc sĩ Tấn Phát và ca khúc Về Hải Dương của NSƯT Ngọc Quang. Khi lên phát biểu, tôi quá xúc động. Bao cảm xúc đẹp dồn nén trong lòng, giờ không kìm được, tôi bật khóc…

 

NSND CAO HỮU NHẠC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhớ Tết chiến khu
Thứ Sáu, 17/01/2020 16:05 CH
Hòa Thịnh ngày ấy - bây giờ
Chủ Nhật, 22/12/2019 06:12 SA
Chuyện về ông Căn “Dũng sĩ diệt Mỹ”
Thứ Sáu, 06/12/2019 10:24 SA
Một cựu tù Côn Đảo kiên trung
Thứ Sáu, 22/11/2019 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek