Từng là du kích mật, Đội trưởng Đội “Quyết tử”, vinh dự được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” khi ở tuổi 17, sau khi trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn miệt mài cống hiến hết sức mình cho cộng đồng và xã hội, bởi theo ông được lao động, cống hiến chính là niềm vui lớn nhất.
Đó là cựu chiến binh (CCB) Đỗ Văn Sinh (tên thường gọi là Đỗ Căn) ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An. Với dáng người thâm thấp, ăn nói mộc mạc, sống giản dị và đậm chất nông dân, gặp ông, nếu không được giới thiệu trước chắc khó ai tưởng tượng ra trước mắt mình là một “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” năm nào. Ông nở nụ cười sảng khoái khi nghe chúng tôi nhắc lại câu chuyện ông đã từng đốt 12 chiếc xe của địch cách nay hơn 50 năm.
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Ngoài danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”, trong quá trình chiến đấu, công tác ông còn được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng 2, hạng 3; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba. |
Đỗ Căn sinh năm Nhâm Thìn (1952) là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh chị em. Cha ông là Đỗ Thường tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1960 và cả 4 người con trai đều nối gót theo cha; mẹ là Lê Thị Sáu làm cơ sở của cách mạng. Năm 12 tuổi, ngày ngày phải chứng kiến cảnh quân Mỹ đốt phá nhà cửa xóm làng, bắn giết cán bộ và người dân, cậu bé Căn đã tự hun đúc trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc. Vì vậy, Đỗ Căn tình nguyện tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong của xã An Dân.
Thời điểm này, địch kiểm soát chặt chẽ, đẩy mạnh dồn dân lập ấp ở thôn Phú Mỹ nên cách mạng hoạt động rất khó khăn. Đỗ Căn được giao nhiệm vụ cung cấp tình hình của địch cho cách mạng. Năm 1965, Đội Thiếu niên Tiền phong của xã An Dân đổi tên thành Đội Du kích mật và ông được bầu làm đội trưởng.
Đội trưởng Căn nhận lãnh nhiệm vụ tìm cách ném lựu đạn vào trụ sở đóng quân của địch nhằm gây hoang mang, để chúng run sợ, hạn chế đàn áp dân làng. “Một lần trong năm 1966, tôi cùng anh em trong đội du kích gài lựu đạn tại trụ sở thôn Phú Mỹ của ngụy để tiêu diệt bọn ác ôn nhưng không may bị địch phát hiện. Địch cay cú triển khai quân lính đi lùng sục, gò ép những gia đình có con em hoạt động cách mạng ở địa phương nhưng vẫn không tìm ra tung tích”, ông Căn nhớ lại.
Ông Đỗ Căn năm 1969 |
Tháng 12/1967, theo sự chỉ đạo của tổ chức chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Đội Du kích mật do Đỗ Căn làm đội trưởng họp khẩn tại thôn Bình Chính, xã An Dân. Tại đây, đồng chí Phạm Cần, Phó Bí thư Huyện ủy Tuy An chỉ đạo tổ chức thành lập Đội “Quyết tử” gồm 3 thành viên Đỗ Căn, Nguyễn Cót và Nguyễn Văn Thu do Đỗ Căn làm đội trưởng, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Hàng ngày, đội nắm bắt tình hình của địch cung cấp cho cách mạng. Vì vậy mà mỗi lần địch mở chiến dịch càn quét, dân làng và các lực lượng đều biết trước chuẩn bị đối phó phù hợp. Một lần, địch đang hội quân tại chợ Phú Mỹ, Đỗ Căn cùng Nguyễn Cót dùng lựu đạn ném vào diệt nhiều tên, số may mắn thoát chết nháo nhào, hoảng hốt nổ súng bắn trả loạn xạ.
Năm 1966, Sư đoàn 101 của Mỹ đổ bộ tại Hòn Chồng (thị trấn Chí Thạnh, Tuy An), triển khai lực lượng xuống xã An Dân đánh ra thôn Cần Lương. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, Đỗ Căn cùng Đội Du kích mật phục kích chặn đánh địch tại dốc chùa Đá Trắng. Trong trận này, Đỗ Căn dùng súng carbine hạ gục 1 lính Mỹ. Sau khi quân ta rút về căn cứ, địch cay cú cho quân lính đốt nhà dân, bắn chết trâu, bò và triển khai dồn dân, lập “ấp chiến lược” tại thôn Phú Mỹ.
Cuối năm 1967 đầu năm 1968, cấp trên tổ chức triệu tập họp Đội Du kích mật để triển khai trận đánh “quyết tử quyết sinh”. Theo đó, đội du kích sẽ nổ súng bất ngờ từ trong lòng địch đánh ra; lực lượng bộ đội địa phương ở ngoài đánh vào sào huyệt của địch. Nhưng kế hoạch không may bị lộ, Đỗ Căn bị địch bắt giam tại trung tâm tù ở Trại Bò (TX Tuy Hòa). Sau ba tháng bị tra khảo, địch không khai thác được gì ở ông nên thả về.
“Năm 1969, địch huy động lực lượng củng cố, sửa chữa lại đoạn đường quốc lộ 1 qua huyện Tuy An để thuận lợi cho việc chuyển quân, đi càn. Chúng tôi vận động bà con thôn Cần Lương nhà nào có củi, gỗ gộc thì vác lên tập trung gần chỗ để xe, làm đường của địch. Sau đó, chúng tôi bí mật lấy củi, gỗ xếp xung quanh 12 chiếc xe, rồi đục bình lấy xăng, dầu chế lên trên. Khi bà con đã trở về nhà, tôi ở lại dùng súng đạn lửa bắn vào đó nhưng không thành, nên phải mạo hiểm tự tay châm ngòi đốt cháy toàn bộ 12 chiếc xe. Sáng hôm sau, địch càn lên để thu dọn tàn tro, tôi phục kích ngoài dốc chùa Đá Trắng chờ sẵn. Khi bọn chúng đã lọt vào tầm tay, tôi bật chốt ném 2 quả lựu đạn khiến nhiều tên bỏ mạng”, ông Căn kể lại.
Sau nhiều chiến công quả cảm, tại Đại hội thi đua Công nông binh toàn tỉnh ở Suối Ché (huyện Sơn Hòa) năm 1969, Đỗ Căn vinh dự được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”. “Ngày ấy, tôi cũng như bao đồng chí, đồng đội của mình mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ với ngọn lửa căm thù hừng hực cháy trong tim, quyết tâm chiến đấu với quân thù cho dù phải trút hơi thở cuối cùng để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Căn trải lòng và cho rằng, được sống đến ngày hôm nay, ông may mắn hơn nhiều đồng đội. Rất nhiều người đã ngã xuống và phần lớn trong số ấy đều đang độ tuổi 19-20. Như Đội “Quyết tử” của ông đều đã hy sinh gần hết. Cha và 3 người anh của ông cũng đã ngã xuống trong lúc chiến đấu trong lòng địch. Do vậy, ông luôn tâm niệm mình phải sống sao cho xứng đáng với bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ, của các đồng chí đồng bào.
Luôn cống hiến hết mình
Tháng 12/1969, nhận lệnh của cấp trên, Đỗ Căn rời quê hương ra miền Bắc học bổ túc văn hóa và học sĩ quan tại Trường Lục quân 2 (Quân khu 3, Hải Phòng). Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, ông về làm công tác huấn luyện tại Trường hạ sĩ quan Quân khu 5, Đà Nẵng cho đến năm 1982 thì về công tác tại Huyện đội Tuy An.
Trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vừa công tác trong quân đội, ông Căn vừa phải phụ gia đình làm ruộng, chăn nuôi gia súc gia cầm để lo cho 4 người con ăn học. Giờ đây, các con ông ai cũng thành đạt và có cuộc sống riêng ổn định.
Năm 1993, ông về nghỉ hưu và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã An Dân rồi giữ các chức vụ như: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã An Dân. Năm 2007, ông làm Chủ tịch Hội CCB huyện Tuy An. Hiện nay, với cương vị là Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước xã An Dân với 52 hội viên, ông Căn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thấu hiểu chia sẻ, động viên anh chị em phát huy tốt truyền thống, bản chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Sắp bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng chất lính Cụ Hồ và ký ức của một thời hào hùng trong ông vẫn chưa bao giờ cũ. Nhìn vào bức ảnh lúc vừa nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” ở chiến khu do Bảo tàng tỉnh Phú Yên tặng lại, ông tâm đắc: “Trong chiến tranh khốc liệt hay trong cuộc sống đời thường, với tôi niềm tin kiên định vào lý tưởng đã chọn, vào đồng chí, đồng đội và nhân dân bao giờ cũng là cội nguồn, là sức mạnh để làm nên chiến thắng”.
KHÔI NGUYÊN