Trải qua 60 năm kết nghĩa, dẫu trong chiến tranh ác liệt hay khi hòa bình được lập lại thì tình đoàn kết sâu sắc, mặn nồng giữa hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương vẫn luôn được các thế hệ nối tiếp nhau vun trồng, xây đắp.
Như một duyên nợ, những sĩ quan, phi công ưu tú sinh ra từ đất Hải Dương được trời se đến với bầu trời Phú Yên. Họ như những cánh chim bằng góp phần bảo vệ bình yên cho mảnh đất Phú Yên nặng nghĩa tình.
Trung đoàn Không quân 910 trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đã lập nhiều chiến công, được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ đổi mới. Trung đoàn đã cơ động đến nhiều vùng đất làm nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, chuyển loại phi công 81 khóa, với nhiều chủng loại máy bay như: Aero-45, An-2, MiG-17, L-29, Yak-52, L-39 và trực thăng Mi-8…; đào tạo, chuyển loại giảng viên bay, chỉ huy bay và hàng ngàn phi công cho Tổ quốc. Đi đến đâu trung đoàn cũng để lại những dấu ấn hết sức tốt đẹp với chính quyền và nhân dân địa phương.
Là phi công thường xuyên bay trên bầu trời, nhìn thấy quang cảnh bình yên của đất nước, chúng tôi thấy thật hạnh phúc. Đặc biệt, chúng tôi là con em Hải Dương được về tỉnh Phú Yên kết nghĩa để công tác thì niềm hạnh phúc càng lớn hơn. Tất cả anh em Hải Dương đều có ý thức, tích cực góp phần để vun đắp tình đoàn kết giữa hai tỉnh ngày càng tốt đẹp. Trung tá Nguyễn Văn Thụ |
Theo yêu cầu nhiệm vụ, tháng 12/2003, Trung đoàn Không quân 910 được điều động về đóng quân trên đất Phú Yên. Với truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của bộ đội không quân “đã xuất kích là chiến thắng”, cán bộ chiến sĩ trung đoàn đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, củng cố chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế của Phú Yên.
Hàng ngày, trên 500 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 910 ngày đêm không ngừng lao động phục vụ nhiều mặt công tác khác nhau. Trong số đó có hơn 30 cán bộ, sĩ quan là người con sinh ra từ đất Hải Dương. Như là duyên nợ, những người con ưu tú của quê hương Hải Dương sau khi trưởng thành đã đi đến nhiều nơi rồi về lại đất Phú Yên kết nghĩa, mảnh đất gắn bó họ với cuộc đời binh nghiệp.
Thượng tá Đào Việt Hưng, Chính ủy Trung đoàn Không quân 910, sinh năm 1973, ở Thanh Khê, Thanh Hà, Hải Dương. Hiện anh là phi công cấp I, Chi hội trưởng Chi hội Đồng hương Hải Dương của đơn vị. Thượng tá Đào Việt Hưng cho biết: Ở trung đoàn hiện có hơn 30 cán bộ, sĩ quan là người Hải Dương, trong đó có 4 sĩ quan là phi công. Ngoài tôi ra còn có trung tá Nguyễn Văn Thụ, Chủ nhiệm chính trị, phi công cấp I; thượng úy Nguyễn Văn Liển, Biên đội trưởng, phi công cấp I; trung úy Nguyễn Văn Thuận, phi công, giáo viên bay phi đội II. Chúng tôi rất hạnh phúc, tự hào khi được về công tác tại Phú Yên - vùng đất giàu tình người, có tình nghĩa gắn bó lâu dài với Hải Dương.
Theo Chính ủy Đào Việt Hưng, việc tuyển chọn và đào tạo được một phi công có thể tham gia huấn luyện, chiến đấu được là hết sức khó khăn. Tiêu chí đầu tiên phải là đủ sức khỏe, bởi có sức khỏe mới đủ tỉnh táo làm chủ phương tiện khi rời mặt đất. Tiếp theo là dũng cảm, gan dạ, xác định rõ trách nhiệm. “Làm nghề phi công nguy hiểm lắm. Mỗi lần lên máy bay là xác định rõ, một về hai không về, vì chỉ một chút sơ suất nhỏ là mọi sự hoàn toàn thay đổi. Tuy vậy, phi công mà không được bay thì nhớ lắm. Đã là phi công thì phải bay!”, Chính ủy Hưng tâm sự.
Trước giờ cất cánh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 910. Ảnh: QUANG CHIÊM |
Chính ủy Đào Việt Hưng theo đơn vị về Phú Yên từ năm 2003. Lúc đó, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ lãnh đạo địa phương và nhân dân trong vùng hết sức giúp đỡ cùng sự nỗ lực lớn của toàn đơn vị, trung đoàn mới có cơ ngơi khang trang như hôm nay. Đặc biệt là tình đoàn kết quân - dân ngày càng được thắt chặt, nhiều cán bộ đã lấy vợ tại đây và chọn Phú Yên làm quê hương thứ hai.
Còn trung tá Nguyễn Văn Thụ, phi công cấp I, Chủ nhiệm chính trị trung đoàn, sinh năm 1978, tại Hợp Tiến, Nam Sách, Hải Dương, cho biết: Tôi đã có 19 năm bay, 16 năm ở Phú Yên. Từ nhỏ, chúng tôi đã được gia đình, nhà trường, địa phương tuyên truyền về tình nghĩa giữa Hải Dương với Phú Yên nên rất có cảm tình với vùng đất này. Hiện có trên 10 người quê Hải Dương lập gia đình ở đây, đưa cả cha mẹ vào và gắn bó với mảnh đất này.
Trung tá Nguyễn Văn Thụ cao hứng đọc mấy câu thơ:
“Và phút chốc anh thấy mình vụt lớn giữa trời xanh…
Cánh chim bằng ngạo nghễ giữa từng không
Dang đôi cánh kiêu hùng che chở những bình yên
Che chở những thẳm biển xanh rừng, những giấc mơ hồng bên những cánh đồng vàng đon đả…
Dưới đôi cánh kiêu hùng là hình hài Tổ quốc được dệt nên từ mồ hôi và máu đỏ
Suốt bốn ngàn năm kiêu hãnh, tảo tần
Là cả những nâng niu đã nuôi lớn cánh chim bằng”.
QUANG CHIÊM