Chủ Nhật, 22/12/2024 17:54 CH
Phú Yên trong lòng quê hương kết nghĩa Hải Dương
Thứ Năm, 09/01/2020 06:31 SA

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa hai tỉnh Phú Yên và Hải Dương vừa tổ chức tại tỉnh Hải Dương. Ảnh: KIỀU MY

Hòa chung khí thế đổi mới và phát triển mạnh mẽ của cả nước trong những ngày đầu năm 2020, hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương hân hoan, tự hào và xúc động kỷ niệm 60 năm kết nghĩa với biết bao tình cảm thiêng liêng, sâu nặng ân tình theo năm tháng.

 

Sát cánh trong chiến đấu

 

Trải qua bề dày lịch sử 60 năm kết nghĩa, tình cảm anh em ruột thịt Hải Dương - Phú Yên là một trong những biểu tượng thiêng liêng của tinh thần Nam - Bắc một nhà. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay, hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên đã, đang và sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, mở rộng giao lưu, hợp tác, thắt chặt tình cảm anh em trên một tầm cao mới. Quá khứ, hiện tại và tương lai là dòng chảy liên tục; quá khứ tiếp sức cho hiện tại để hướng về tương lai. Hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên đang vươn tới tương lai bằng ân tình quá khứ và niềm tin bền vững để tỏa sáng lan xa tình cảm sắt son, ruột thịt đã vun đắp trong sáu thập kỷ qua.

Nhớ lại những ngày ấy, trước tình hình đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đường lối giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Lúc bấy giờ ở hậu phương lớn miền Bắc dấy lên phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” thể hiện sâu đậm nghĩa tình Bắc - Nam như “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Hai tốt” trong giáo dục, “Thầy thuốc như mẹ hiền” trong ngành Y tế, “Ba cải tiến” trong các cơ quan, “Ba đảm đang” của Hội Phụ nữ, “Ba sẵn sàng” của Đoàn Thanh niên... Từ các phong trào này đã thôi thúc, động viên quân dân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ hậu phương lớn, chi viện cho phong trào cách mạng miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, học tập và cổ vũ tinh thần hy sinh chiến đấu của quân dân miền Nam thi đua giết giặc lập công, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc”.

 

Hòa chung khí thế cùng các tỉnh bạn trong cả nước, hai tỉnh Hải Dương và Phú Yên chính thức kết nghĩa vào ngày 9/1/1960, đánh dấu mốc son quan trọng trong chặng đường lịch sử phát triển quan hệ “thắm tình Hải Phú”. Kể từ sau ngày kết nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã dành cho nhau những nghĩa tình sâu đậm, thắm thiết cùng với những nghĩa cử cao đẹp của người anh em ruột thịt ở hậu phương miền Bắc, đọng lại nhiều dấu ấn sắt son trong lòng nhân dân.

 

Sau khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, cũng từ ấy những người con Hải Dương theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã hăng hái tòng quân giết giặc. Trung đoàn Trần Hưng Đạo làm lễ xuất quân ở Thanh Miện và hành quân đến Phú Yên, tham gia những trận đánh lớn với quân chủ lực Mỹ trong năm 1966 ở chiến trường Phú Yên. Sau khi Hải Dương hợp nhất với Hưng Yên năm 1968, Hải Hưng đã chi viện cho Phú Yên một tiểu đoàn - Tiểu đoàn 9 và hàng chục chiến sĩ tham gia Tiểu đoàn 96 đã sát cánh cùng quân dân Phú Yên chiến đấu trên các chiến trường của tỉnh, lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần giải phóng Phú Yên trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ - những người con ưu tú của Hải Dương đã anh dũng hy sinh và nhiều đồng chí đã để lại một phần xương máu của mình trên quê hương kết nghĩa để có một bình minh cho trời Yên đất Phú hôm nay. Tại Đài tưởng niệm liệt sĩ trên núi Nhạn giữa lòng TP Tuy Hòa, những người con yêu quý của quê hương Hải Dương - Hưng Yên đã được vinh danh với lòng biết ơn sâu sắc. Cũng trong những năm chiến tranh ấy, mỗi độ xuân về, người anh em Hải Dương đã đón con em Phú Yên về nghỉ ngơi, ăn Tết; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên như Phan Lưu Thanh, Huỳnh Nựu, Nguyễn Chấn, Nguyễn Phụng Minh, Trần Suyền, Lương Công Huề... cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ và học sinh Phú Yên trên đất Bắc đều đã về Hải Dương trong những năm chiến tranh được cưu mang, giúp đỡ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Phú Yên đã trưởng thành trên quê hương kết nghĩa Hải Dương như đồng chí Lê Thứ (nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Phú Yên năm 1951) được Đảng bộ và nhân dân Hải Dương bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh; đồng chí Võ Văn Khả được đề bạt là Phó Trưởng Ty xây dựng, đồng chí Phạm Trọng Tuyên được giao nhiệm vụ Tỉnh đội phó... Trong lòng các thế hệ người dân Phú Yên đều xem Hải Dương là quê hương thứ hai của mình.

 

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển thăm hỏi, tặng quà cho ông Nguyễn Văn Thùy, Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền tại Hải Dương. Ảnh: KIỀU MY

 

Đọng lại nhiều dấu ấn sắt son

 

Trong những năm chiến tranh, có vô vàn những kỷ niệm sâu lắng. Năm 1963, bà Thừa Hoàng (Phan Thị Bỉnh) một trong những người tham gia giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thay mặt cho Ủy ban Mặt trận dân tộc Giải phóng tỉnh Phú Yên ra miền Bắc thăm người anh em Hải Dương, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã tặng bức trướng với nội dung:“Núi Nhạn uy hùng gương diệt giặc. Sông Đà quật khởi rửa hồn dân”. Khi Đảng bộ Hải Dương tổ chức hội nghị học tập báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị chính trị đặc biệt, các đoàn thể quần chúng ở Hải Dương từ tỉnh đến cơ sở đã sử dụng biểu tượng núi Nhạn, sông Đà, rặng dừa xanh bên biển biếc để hướng về quê hương kết nghĩa...

 

Tại Phú Yên, trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, ngày 12/1/1971 tại vùng căn cứ Tân Lương, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, trong khu rừng già Tổng Binh, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm kết nghĩa Hải Dương - Phú Yên ruột thịt với sự tham dự của hàng trăm cán bộ chiến sĩ hai tỉnh Phú Yên, Hải Dương và nhân dân vùng giải phóng. Trong bài diễn văn của đồng chí Nguyễn Hữu Ái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Phú Yên đọc tại lễ kỷ niệm đã khẳng định mạnh mẽ:

 

“Hồ Chủ tịch đã dạy: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” lời nói thắm tình ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy trong lòng 31 triệu đồng bào cả nước ta một mối tình sâu sắc Nam Bắc là một nhà, Bắc Nam là ruột thịt. Tình cảm lớn lao đó từ những năm 1960 đã dấy lên phong trào kết nghĩa Bắc Nam, giữa nhân dân các tỉnh miền Bắc và các tỉnh miền Nam, trong đó có ngày lịch sử không thể nào quên được đối với chúng ta, ngày đầu của mối tình kết nghĩa Phú Yên - Hải Dương 9/1/1960.

 

Tình nghĩa ấy luôn được đồng bào, đồng chí hai tỉnh chăm chút, nặng sâu, phát triển ngày càng sâu sắc, ngày càng đậm đà, ngày càng keo sơn, ngày càng gắn bó... chúng ta xin gửi về đất Bắc thân yêu, đến toàn thể đồng bào, đồng chí Hải Dương yêu mến, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất của 36 vạn đồng bào và cán bộ, chiến sĩ Phú Yên và của những người con Hải Dương tạm xa quê hương chôn nhau cắt rốn, đang kề vai sát cánh chiến đấu trên quê hương thứ hai của mình...

 

Vinh quang thay Hải Dương - quê hương yêu dấu của chúng ta, anh dũng thay Phú Yên - quê hương yêu dấu của chúng ta.

 

Chúng ta xin hứa với đồng bào, đồng chí hai quê nhà tiếp tục thắt chặt tình đoàn kết, chiến đấu. Chúng ta thề quyết chiến đấu xứng đáng với lòng thương yêu tin tưởng của đồng bào, đồng chí đối với chúng ta, những người đi xa, những người bạn ở xa...

 

Xin chúc tình nghĩa Phú Yên - Hải Dương đời đời keo sơn gắn bó”.

 

Những nghĩa tình sâu nặng, thắm thiết và cao đẹp ấy đã đọng lại nhiều dấu ấn sắt son trong trang sử của nhân dân hai tỉnh. Ở Hải Dương, nhiều địa danh Phú Yên được đặt tên cho những địa điểm, những đường phố, hàng cây như: phố Tuy Hòa, phố Tuy An, phố Sơn Hòa, phố Đồng Xuân, phố Ngân Sơn, phố Xuân Đài, chợ Phú Yên, hàng cây Phú Yên dọc đường 20. Những cánh đồng 5 tấn mang tên Phú Yên, Tuy Hòa là những biểu tượng tiêu biểu về năng suất lúa của thời bấy giờ. Con sông đào Đại Phú Giang ở huyện Ninh Giang kéo dài từ Neo đến Đồng Tâm dài 21km và hàng loạt trạm bơm Phú Yên, Thư viện Phú Yên, Trạm xá Tuy Hòa... đã làm thay đổi vóc dáng của Hải Dương ở tả ngạn châu thổ sông Hồng.

 

Ở Phú Yên cũng vậy, sau ngày giải phóng, Hải Dương dành cho Phú Yên một thư viện lớn, đó là Thư viện Hải Phú ở trung tâm tỉnh lỵ lúc bấy giờ và thư viện này tiếp nhận số lượng lớn sách phục vụ bạn đọc từ tháng 4/1975 cho đến nay; Hải Dương còn điều động tăng cường nhiều cán bộ, chiến sĩ giúp chính quyền cách mạng tỉnh Phú Yên thực hiện tốt việc tiếp quản và điều hành kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, những ngày đầu giải phóng; nhiều con đường đã được đặt tên để ghi nhớ những tình cảm to lớn của tỉnh Hải Dương như các con đường mang tên Hải Dương, Chí Linh, Côn Sơn, Hải Thượng Lãn Ông, Mạc Thị Bưởi…

 

Những năm gần đây, tình cảm anh em Bắc - Nam ruột thịt nói chung và giữa hai tỉnh nói riêng càng nồng ấm trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương với những chuyến viếng thăm thường xuyên giữa hai tỉnh, mở ra sự hợp tác, giao lưu về kinh tế, văn hóa và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tiếp tục cổ vũ, giúp đỡ động viên nhau yên định trong phú cường, hướng tới sự phát triển bền vững của hai vùng đất của châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Ba. Phú Yên cũng rất vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của Hải Dương trong những năm qua và mới đây, nhất là TP Hải Dương được công nhận đô thị loại I.

 

Huỳnh Tấn Việt

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek