Thứ Năm, 19/09/2024 08:59 SA
Nhớ ngày lễ kỷ niệm 49 năm trước
Thứ Sáu, 10/01/2020 08:00 SA

Thư viện Hải Phú, biểu tượng cho tình kết nghĩa giữa Phú Yên và Hải Dương. Ảnh: MINH NGUYỆT

Ngày 12/1/1971, tại vùng căn cứ Phú Yên (thôn Tân Lương, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) trong khu rừng già Tổng Binh (nơi đóng cơ quan Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên) đã diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Phú Yên và Hải Dương.

 

Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng Phú Yên lắng đọng từng lời, được thể hiện trong diễn văn của bác Nguyễn Hữu Ái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời (UBNDCMLT) tỉnh Phú Yên.

 

Đã 49 năm trôi qua, những người dự mít tinh đều vượt xa tuổi “cổ lai hy” vẫn bồi hồi nhớ về lễ kỷ niệm này với tình cảm anh em sắt son ruột thịt thủy chung giữa hai địa phương kết nghĩa. Báo Phú Yên giới thiệu toàn văn tư liệu lịch sử quý hiếm này.

 

Từ lễ kỷ niệm này, chúng ta xin gửi về Bắc đến toàn thể đồng bào và đồng chí Hải Hưng yêu mến, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất của 36 vạn đồng bào và cán bộ Phú Yên và của những người con Hải Hưng tạm xa quê hương chôn nhau cắt rốn, đang kề vai sát cánh chiến đấu trên quê hương thứ 2 của mình.

Hồ Chủ tịch đã dạy: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Lời nói thắm tình ấy của Hồ Chủ tịch đã khơi lên trong lòng 31 triệu đồng bào cả nước ta một mối tình sâu sắc “Nam Bắc là một nhà, Bắc Nam là ruột thịt”.

 

Tình cảm vĩ đại đó từ những năm 1960-1961 đã dẫn đến một phong trào kết nghĩa Bắc Nam từng đôi một, giữa nhân dân các tỉnh miền Bắc với tỉnh miền Nam trong đó ngày lịch sử không thể nào quên được đối với chúng ta, ngày đầu của mối tình kết nghĩa Phú Yên - Hải Dương, ngày 9/1/1960.

 

Trải qua 10 năm, tình nghĩa ấy luôn luôn được đồng bào, đồng chí hai tỉnh chăm chút, nâng niu, phát triển ngày càng sâu sắc, ngày càng đậm đà, ngày càng keo sơn, ngày càng gắn bó.

 

Hôm nay, chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày kết nghĩa Phú - Hải là một dịp quý báu họp mặt thân mật giữa chúng ta, giữa những người con của hai quê hương Phú - Hải, hiện thân tình nghĩa giữa đồng bào hai tỉnh, chúng ta sẽ ôn lại tổng quát quá trình phát triển vô cùng tốt đẹp của tình nghĩa giữa chúng ta.

 

Thay mặt UBNDCM, Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh và toàn thể đồng bào Phú Yên, chúng tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Hải Hưng có mặt hôm nay và qua các đồng chí gửi lời thăm hỏi thân thiết nhất đến toàn thể các đồng chí Hải Hưng đang công tác ở các ngành, các địa phương của quê hương kết nghĩa Phú Yên.

 

Đồng bào và chiến sĩ Phú Yên rất tự hào có 1 triệu 60 vạn người anh em Hải Hưng kết nghĩa đang chiến đấu kiên cường chống Mỹ cứu nước trên hậu phương lớn, đang hết lòng, hết sức chi viện cho miền Nam, cho Phú Yên đau thương và anh dũng và đang phấn khởi sôi nổi xây dựng đời sống XHCN hạnh phúc ấm no và vô cùng tươi đẹp.

 

Trên dải đất tròn trĩnh thuộc vùng châu thổ tả ngạn sông Hồng, đồng bằng Bắc Bộ, chung lưng đấu cật với núi rừng Đông Bắc, với thủ đô Hà Nội, với cửa ngõ Hải Phòng và ngửa mặt nhìn về biển Đông xanh biếc… Hải Hưng quê hương yêu dấu của chúng ta có các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Nam Sách, Cẩm Giàng, Chí Linh, Kim Thành, Kinh Môn, Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Miện và hai TX Hải Dương, Hưng Yên.

 

Trên dải đất đồng bằng rộng lớn có đồng Tam Thiên Mẫu mênh mông, Hải Hưng quê ta là một trong những vựa lúa lớn của đồng bằng Bắc Bộ, Hải Hưng quê ta có “rừng” nhãn Khoái Châu, Kim Động; có “rừng” vải Thanh Hà, “rừng” cam Tứ Kỳ… là những đặc sản nhiều và ngon có tiếng. Vải Thanh Hà, nhãn Hưng Yên mỏng vỏ nhỏ hạt, ngon ngọt vô song đến nỗi ngày xưa vua chúa rất thèm thuồng, nhân dân phải tiến cống gọi là “vải tiến, nhãn tiến” và ngày nay là một sản phẩm xuất khẩu có giá trị và là một món quà rất quen thuộc của đồng bào miền Bắc trong những ngày lễ chạp.

 

Hải Hưng quê ta cũng giàu đay, lắm chuối. Đay có giá trị nguyên liệu công nghiệp quốc phòng, ngày xưa là món hàng béo bở của giặc Nhật cho nên ngay từ khi chúng nhảy vào Đông Dương là có ngay “quốc sách” phá lúa trồng đay và ngày nay đay vẫn đua mọc trên những cánh đồng rộng lớn của Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang, Văn Lâm, Tiên Lữ, Phù Cừ hàng năm có đến hàng ngàn tấn, làm giàu cho Tổ quốc đến mấy chục triệu đồng ngoại tệ, cung cấp cho bạn bè ta một mặt hàng quý báu mà họ không có ở xứ hàn đới.

 

Trên mảnh đất vốn giàu đẹp ấy, chủ nghĩa xã hội đang ngày ngày làm cho nó thay da đổi thịt với hệ thống thủy nông bắc Hưng Hải, một công trình thủy nông loại lớn ở miền Bắc nước ta, quanh năm tưới mát cánh đồng bao la của ba tỉnh Hà Bắc, Hưng Yên, Hải Dương; với Nhà máy sứ Hải Dương, nhà máy sứ số 1 của miền Bắc với nhiều sản phẩm tinh xảo được nhiều bạn nước ngoài và đồng bào trong nước ưa thích; với Nhà máy xay Ninh Giang, Yên Mỹ ngày ngày “tiêu hóa” 180 tấn kho lúa Hải Hưng, góp phần tiếp máu cho miền Nam chiến đấu; với nhà máy bơm Hải Dương ngày ngày đưa ra đồng ruộng những máy bơm khỏe, xinh xắn, nối dài các mạch máu công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải, tiếp nước khắp mọi góc ruộng, rẻo vườn hoặc tu thải hàng triệu mét khối nước úng thừa để cho máy cày của đội cơ khí nông nghiệp Hải Hưng tha hồ cày đất lấy lúa “10 ngàn cân”…

 

Quả thật là một sự đổi đời sau hơn 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

Những cảnh khoai lang cõng cơm Kim Động ngày xưa đã vĩnh viễn lùi về dĩ vãng. Cảnh “oái oái” phủ “khoái” (Khoái Châu) xin cơm đã vĩnh viễn bị chôn vùi theo thây ma của chủ nghĩa thực dân Pháp. Quỷ kế “mua trời, bán nắng” cho nông dân đã vĩnh viễn bị chôn vùi dưới chân thắng lợi của cải cách ruộng đất. Thảm cảnh vạn người chết đói năm 1945 chỉ còn là một ký ức đau thương và thù hận của chủ nghĩa đế quốc và phong kiến.

 

Thay vào tất cả những điều đó là cơm đầy bát, áo đủ màu, chăn đủ ấm, trăm nhà một mối tình chung, cho lúa thêm trĩu bông, cho khói nhà máy thêm to cột, cho dưa nghệ Tứ Kỳ thêm to trái, cho bánh khảo Hải Dương thêm ngon, cho tương bần Yên Mỹ thêm ngọt, cho gà Đông Cảo thêm lớn con, cho bún than Hưng Yên thêm nhiều trứng…

 

Quê hương Hải Hưng yêu dấu của chúng ta chẳng những đã đẹp mặt đẹp lòng mà còn đầy dũng khí chiến đấu với truyền thống vô cùng tốt đẹp. Từ xa xưa thời dựng nước của ông cha ta, trên cái nôi của Tổ quốc ta hồi đó có 2 trung tâm đô hội: nhất Kinh Kỳ, nhì Phố Hiến. Phố Hiến thuộc TX Hưng Yên ngày nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp chống giặc Tàu ô cướp bóc ngày trước, với Hồ bán nguyệt nước trong xanh, hàng ngày in bóng Nhà bảo tàng lịch sử Hưng Yên, ngày ngày phản chiếu biết bao tấm gương trung dũng của cha anh.

 

Từ những năm 542, cách đây 15 thế kỷ Đầm Dạ Trạch Khoái Châu đã từng là nơi dừng chân của quân khởi nghĩa Lý Bôn do Triệu Quang Phục thống lĩnh anh dũng chống lại quân xâm lược nhà lương, giải phóng đất nước thu phục Thăng Long Thành, trái tim của Tổ quốc ta hồi đó sau bao năm cơ cực lầm than. Và ngày nay, Dạ Trạch có đầm sen thơm ngát như ngày đêm dâng hoa cho vị tiên liệt Triệu Quang Phục đứng sững giữa đền thờ của ngài bên hồ. Nhắc lại điều này, tình cảm chúng ta đối với cha ông thấy sâu thẳm như tục truyền rằng giữa lòng Dạ Trạch có hang sâu chạy tận biển Hải Phòng vậy. Ở đây thiên nhiên và lịch sử quả đã trùng hợp tuyệt diệu!

 

Từ những năm 1285, cách đây 8 thế kỷ, cửa Hàm Tử Khoái Châu đã từng là nơi chiến thắng oanh liệt của ông cha ta do Trần Nhật Duật chỉ huy tiêu diệt đạo quân Tiền vệ của Toa Đô tướng cướp nhà Nguyên đánh bại cuộc xâm lăng vào nước ta lần thứ 2. Và kế theo đó, rừng núi hùng vĩ Chí Linh đã được vinh hạnh ôm ấp đồn Kiếp Bạc, đền thờ đức Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc thường được lịch sử ca ngợi bằng những vần thơ như sau:

 

…Trần Hưng Đạo gặp khi quốc biến

Vì giống nòi quyết chiến đôi phen

Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên

Gươm reo chính khí, nước rền dư uy

Xem lịch sử gương kia còn tỏ

Mở dư đồ uất nọ chưa tan…

 

Và từ bao đời nay, Kiếp Bạc vẫn lặng nhìn Lục Giang 6 nẻo và giành sông Thương bên đục, bên trong như nhắc nhở người đời phải biết đâu là đục là trong, phải biết gạn đục khơi trong.

 

Và từ những năm 1400 của thế kỷ 15 Côn Sơn, Chí Linh đã từng là nơi ẩn dật của nhà chiến lược đại tài đồng thời là nhà đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi sau những ngày Bình Ngô đại cáo. Đến thời hiện tại, trong 80 năm ròng chống Pháp, Bãi Sậy Khoái Châu cũng đã từng là tổng hành dinh của quân du kích Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy thuộc phong trào Hoàng Hoa Thám 30 chống Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 lẫy lừng này.

 

Trích thư của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên tại Hội nghị Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh mở rộng vào năm 1969. Ảnh: TL

Rồi 30 năm sau đó, vũ bão Cách mạng Tháng Tám của nhân dân ta khai tử nền thống trị 80 năm của đế quốc Pháp và chế độ phong kiến hàng ngàn năm, xé tan mây mù hắc ám của đế quốc và phong kiến, mở đầu một thời kỳ chiến đấu oanh liệt, chiến thắng vẻ vang của kỷ nguyên Hồ Chí Minh với những chiến công vang dội “Tiếng sấm Đường 5”, với những chiến công của Anh hùng Mạc Thị Bưởi, của đội nữ du kích Hoàng Ngân… góp phần chiến thắng vẻ vang hoàn toàn, quét sạch chủ nghĩa thực dân Pháp, mở đường cho 20 triệu đồng bào miền Bắc ruột thịt cùng với 1 triệu 60 vạn anh em Hải Dương rầm rập tiến bước trên con đường hạnh phúc rộng thênh thang của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta. Và trải qua 4 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên chiến trường nóng bỏng nhất của Đường 5, của Phú Lương, Lai Vu… Hải Hưng quê ta đã anh dũng chiến đấu và đã xuất hiện một hình ảnh tuyệt đẹp mà nhà thơ Tố Hữu đã kể lại trong bài thơ “Trả lời bạn nước ngoài”, xin trích như sau:

 

Bạn hỏi vì sao đất nước này

Ngày đêm khói lửa vẫn hăng say

Tóc tang lòng dạ không nao núng

Gánh nặng đường xa chẳng chuyển lay

Và…

Có cô du kích xóm Lai Vu

Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù

Mỹ hại trăm nhà lo diệt trước

Ráng mình em chịu có sao đâu!

 

Đồng bào, đồng chí Phú Yên rất tự hào về Hải Hưng giàu đẹp và anh dũng, lại vô cùng cảm kích về mối tình yêu thương tha thiết mà đồng bào, đồng chí Hải Hưng đã dành cho mình qua nhiều cử chỉ cao đẹp trong 10 năm qua và sẽ còn nhiều nữa theo mối tình dài bất tận.

 

Xa nhau bằng khoảng không gian 1.170km nhưng Phú Yên - Hải Hưng không hề xa cách, trái lại mỗi ngày tình Phú Hải thêm sâu, mỗi giờ nghĩa Hải Phú thêm nặng.

 

Còn gì sung sướng bằng các đường phố TX Hải Dương đã mang từ ấy (9/1/1961) các tên trìu mến của Phú Yên. Đi giữa TX Hải Dương, người Phú Yên quên rằng mình đang đi ở đó bởi vì mình đang đi qua các phố Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An… đến chợ Tuy Hòa. Còn gì thấm thía bằng trên quê hương Hải Hưng yêu dấu đây đó, đâu đâu cũng có hàng cây lưu niệm, có vườn cây Phú Hải, con kênh Phú Hải, ao cá Phú Hải… là những tượng trưng đẹp đẽ tình cảm của đồng bào Hải Dương khi nghĩ đến Phú Yên. Và chắc rằng cho đến ngày nay những cây dừa, cây vải, cây nhãn do anh em Hải Phú cùng trồng chúc mừng tình kết nghĩa 2 tỉnh đã sinh hoa kết quả như hoa tình quả nghĩa trong lòng mỗi chúng ta vậy.

 

Còn gì sâu sắc bằng trước cảnh giặc Mỹ tàn phá quê hương miền Nam và quê hương của người anh em Phú Yên ruột thịt, máu chảy ruột mềm, trong những năm qua đồng bào đồng chí Hải Hưng cũng như đồng bào miền Bắc đã liên tiếp gửi nhiều con em yêu quý của mình, từng đoàn cán bộ, từng đơn vị quân đội vào Phú Yên chung thù chia lửa cùng với chúng ta, theo truyền thống Nam tiến tốt đẹp ngày kháng chiến trước để dạy cho kẻ thù biết rằng: “Chớ có đụng đến anh em của ta”, trong số đó có những đồng chí hy sinh rất anh dũng, lấy máu mình tô thắm cờ chiến thắng của Phú Yên, tô thắm cờ kết nghĩa Hải Phú!

 

Rồi, lòng chúng ta không thể nào không xúc động mỗi khi chúng ta ngắm nhìn những lá cờ kết nghĩa tươi thắm, mang dòng chữ tâm tình sâu sắc: “Đoàn kết, chiến đấu” vượt qua trăm núi nghìn đèo từ tay đồng bào đồng chí Hải Hưng gửi tặng Phú Yên. Chúng ta rất xúc động bởi vì hiểu rằng vật kỷ niệm đó như một lời thề son sắt, kẻ trong này, người ngoài ấy, một lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ.

 

Thanh niên Hải Dương hăng hái luyện tập quân sự và tham gia nhập ngũ. Ảnh: TL

 

Lòng chúng ta không thể nào không cảm động mỗi khi chúng ta đeo vào tay mình những chiếc nhẫn khắc nét 2 chữ “PH” xinh xắn bên nhau làm bằng xác máy bay thù mà đồng chí, đồng bào Hải Hưng đã hạ thủ được, bởi vì chúng ta hiểu rằng đó là tượng trưng cho lòng chung thủy với đầy đủ ý nghĩa và tâm tình của tục lệ trao nhẫn cho nhau của Việt Nam mà ta thường nghe qua câu hát quen thuộc sau đây: “Yêu nhau cởi nhẫn cho nhau”.

 

Lòng chúng ta không thể nào không cảm động mỗi khi chải mái tóc mình bằng những chiếc lược của Hải Hưng gửi tặng bởi vì chúng ta biết rằng đồng bào đồng chí Hải Hưng hiểu rõ chúng ta đang chiến đấu gian khổ nhưng rất bình tĩnh, lạc quan yêu đời thì chiếc lược kia sẽ làm cho mái tóc chúng ta thêm mượt, cho phong thái ta thêm đàng hoàng tươi đẹp.

 

Cũng đã từng có những đêm trường thanh vắng, chúng ta say sưa theo dõi những lời khuyến khích động viên của đồng bào, đồng chí Hải Hưng nói với ta qua Đài phát thanh Hà Nội bằng những buổi dành riêng cho Phú Yên, với những lời ca mát rượi tâm hồn như bài ca “Thêu cờ mặt trận” đêm 22/5/1968, bài ca “Hải Hưng gửi tặng Phú Yên - Long An” đêm 7/8/1970…

Lòng chúng ta không thể không bùi ngùi cảm kích bởi chúng ta biết rằng từ 5-6 năm rồi ở Gia Lộc, Hải Hưng quê ta, các cụ phụ lão đã dành tiền và ngày đêm mong đợi ngày thống nhất đi xe nhanh chóng vào Phú Yên thăm.

 

Quả thật khi tình đã sâu, nghĩa đã nặng thì sự thể hiện của nó không biết bao là vừa, vì vậy ngoài những tình cảm đối với chúng ta đang xa vắng là như thế, còn rất nhiều tình cảm khác tại quê nhà. Hàng trăm con em Phú Yên đang công tác và học tập ở Hải Hưng, ở miền Bắc thường có dịp đi về tổ ấm Hải Hưng để thăm, chào mừng và kể chuyện Phú Yên cho gia đình mình nghe trong những dịp kỷ niệm kết nghĩa từng năm và các ngày lễ lớn hoặc để vui sống với gia đình trong những ngày hè, ngày Tết. Tình cảm thắm thiết ấy còn đi xa hơn nữa đối với một số bạn trai Phú Yên đã trở thành con rể của Hải Hưng, cũng như một số bạn gái Phú Yên đã trở thành con dâu Hải Hưng vậy. Có thể tình cảm hay hay ấy còn hấp dẫn nhiều bạn khác nữa nhỉ?

 

Và có thể quả quyết rằng đến hôm nay không một đồng bào Hải Hưng nào từ cụ già đến em nhỏ mà không biết quê hương kết nghĩa núi Nhạn sông Đà bởi vì từ bao năm nay, báo chí, đài truyền thanh Hải Hưng liên tục định kỳ giới thiệu “Đất nước và con người Phú Yên”, bởi vì phim chiếu, ảnh triển lãm đã từng giới thiệu rộng rãi núi Nhạn, sông Đà, cầu Đà Rằng, ga Chí Thạnh… bởi vì các đồng chí Hải Hưng đã từng giúp đỡ cho anh em Phú Yên ta ở ngoài đó, xuất bản nhiều tập sách “Phú Yên quê hương tôi”, bởi vì nhà máy chè Hải Dương đã dành nhãn hiệu Nhạn Tháp cho những bao chè Hương loại 1 thơm ngọt nhất của mình.

 

Nghĩ đến hôm nay, nghĩ đến mai sau, cho nên từ nhiều năm nay Hải Hưng còn xây dựng một tủ sách kết nghĩa mà chắc rằng đến hôm nay tủ sách ấy đã đến số vạn, mong rằng đến một ngày kia đất nước trở lại thanh bình chúng ta sẽ học tập, giải trí bù lại những chuỗi ngày dài chiến đấu gian khổ.

 

Quả thật tình nghĩa của Hải Hưng đối với Phú Yên là không bờ bến. Đồng bào, đồng chí Hải Hưng rất đỗi yêu thương Phú Yên. Và biết rằng Phú Yên cũng như miền Nam “đi trước về sau” đã hơn 25 năm trời “không đêm nào ngủ được”, đã chịu biết bao đau thương, tang tóc do quân thù gieo rắc.

 

Nhớ lại Phú Yên quê hương ta vốn là một trong những mảnh đất giàu đẹp của “Khu V dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Từ xa xưa trong quá trình Nam tiến khai phá thiên nhiên, mở rộng bờ cõi, xây dựng đất nước, tổ tiên ta đã dừng chân ở đây trong một thời gian khá dài trước khi tiến vào Nam Bộ đến tận Cà Mau, Hà Tiên miền “cuối đất” cực nam của Tổ quốc yêu quý chúng ta ngày nay.

 

Trải qua bao đời, bao thế hệ, đổ mồ hôi và xương máu với tấm lòng yêu thương con cháu rất mực thiết tha, tấm lòng của người mẹ Việt Nam hiền từ, trung hậu, đảm đang, ông bà ta đã để lại cho chúng ta một gia tài hết sức đầy đủ, hết sức phong phú.

 

Lo cho chúng ta miếng cơm, ông bà ta đã để lại cho chúng ta những cánh đồng mênh mông của Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, bắc Tuy An với đất đai màu mỡ, một năm đôi mùa, làm ăn chưa lấy gì công phu lắm cũng đã có 4-5 tấn/ha, do đó chúng ta có thể nói rằng Tuy Hòa, Tuy An là vựa lúa Phú Yên quanh năm chẳng những cung cấp đầy đủ cho 36 vạn người Phú Yên mà còn cung cấp một phần lúa gạo cho các tỉnh bạn và từ đó chúng ta còn có thể nói rằng Phú Yên ta cũng là một vựa lúa của miền Nam Trung Bộ.

 

Lo cho chúng ta tấm áo, cha ông ta đã để lại cho chúng ta những cánh đồng trồng bông bát ngát của Hòa Đa, chợ Xổm, Trung Lương, chợ Đèo… quanh năm cứ mỗi độ xuân về bông phơi phới vươn mình dưới gió đông mát rượi để khi hè đến bông đua nở trắng xóa cánh đồng như một tấm phông trang trí cho cảnh non xanh, nước biếc, trời cao thêm phần lộng lẫy vậy.

 

Bông Hòa Đa với bàn tay canh cửi khéo léo của cô gái Tuy Hòa đã từng trở thành hàng vạn mét vải ta bền chắc mà đồng bào Phú Yên rất ưa thích. Bông Phú Yên cũng đã từng là những bộ quần áo “si-ta” màu tro nhã nhặn của anh vệ quốc đoàn Khu V hoàn toàn tự túc vải mặc trong suốt kháng chiến lần thứ 1; chẳng những thế, dưới thời mồ ma giặc Pháp chúng đã từng lấy bông Phú Yên nuôi sống nhà máy dệt Nam Định của chúng.

 

Thừa hưởng một kho tàng phong phú của cha ông, Phú Yên quê ta có Sơn Hòa nổi tiếng nhiều bò lắm ngựa, khá trâu. Trên dải đất bình nguyên Vân Hòa quanh năm mát rượi ấy bò bầy, ngựa đàn là điều chúng ta dễ thấy, trong nhiều gia đình có đến trên dưới 100 con. Ngựa Phú Yên rất quen thuộc đối với người Phú Yên đến nỗi ngay những cô gái nhỏ nhắn của Sơn Hòa cũng có thể ung dung phi ngựa mà 2 chân chỉ cần bỏ cả về 1 bên và cô gái Nguyễn Thị Cam, 1 người, 2 ngựa đã trở thành chiến sĩ thi đua toàn quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trước đây.

 

Với thung lũng dài theo sông Cái bạt ngàn những mía có thể nói rằng Kỳ Lộ, Triêm Đức, Hà Bằng, Tân Lập… của Đồng Xuân ta là quê hương đường mật của Phú Yên, và hàng năm mỗi khi con cuốc gọi vào hè thì mía, đường phèn, kẹo đậu phộng… Đồng Xuân là những quà giải khát rất thú vị. Đồng mía Đồng Xuân nhiều lắm… Nếu chẳng may một bạn trẻ nào của Đồng Xuân sớm thiếu răng là thường bị chế tại ăn lắm mía đường mà không biết giữ vệ sinh hoặc bất kỳ một bạn trẻ nào khác cũng trường hợp như thế thì người ta cũng tưởng là dân Đồng Xuân.

 

Và có lẽ thiên nhiên rất mực chiều ta, cho nên chẳng những đã cho ta lắm gạo, nhiều đường mà còn cung cấp cho ta đầy đủ thủy sản. Vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan bốn mùa phẳng lặng, biển Tiên Châu, Phú Hiệp Lò 3 quanh năm ít sóng… như là những hồ chứa cá lớn của Phú Yên ta. Cá mú Vũng La (Xuân Thịnh), tôm he Đò Chụt (An Hải), sò huyết Bãi Ngao (An Hiệp), cá đối gành Hào (An Hòa), cá diếc bàu Súng (An Mỹ), cá rô Hòa Xuân… là những thủy sản ngon có tiếng của Phú Yên ta. Có thể nói tóm lại rằng với tài nguyên phong phú, thiên nhiên đối với chúng ta thật là hậu đãi vậy!

 

Dường như thông cảm với người muốn gìn giữ giang sơn gấm vóc cho muôn đời con cháu mà thiên nhiên đã dựng lên cho ta dãy núi đèo Cả, đá Bia ở phía nam nối liền đỉnh Cù Mông ở phía bắc, bởi núi non trùng điệp miền Tây như dựng lên một bức trường thành kiên cố luôn luôn giúp ta sẵn sàng chống giặc ngoại xâm với những “triền đồi” mặt biển là Hòn Chùa (An Chấn), Hòn Yến (An Hòa), cù lao Mái Nhà (An Hải) với 2 lưỡi gươm sắc nhọn: mũi Nạy, mũi Cù Mông.

 

Và còn cho ta sông Bàn Thạch (Hòa Xuân), sông Đà (Đà Rằng) còn gọi là sông Ba, là con sông loại lớn, dài ở miền Trung Trung Bộ, sông Cái, sông Tam Giang như trang bị cho ta những chiếc roi lớn sẵn sàng quật vào đầu quân kẻ cướp.

 

Quả thật miền Nam ta, Phú Yên ta đã từng bị đủ mọi kẻ thù Pháp, Nhật, Mỹ cướp bóc, bòn rút, tàn phá. Thời mồ ma thực dân Pháp, chúng đã cướp hàng vạn mẫu ruộng phì nhiêu đồng Tuy Hòa để trồng mía, dựng lên Nhà máy đường Đồng Bò (Hòa Phong) lớn vào loại nhất nhì tại miền Nam; đã làm đại thủy nông Đồng Cam mang tên vua chót của triều đình phong kiến là đập Bảo Đại để triệt để khai thác đồng ruộng Tuy Hòa và lập ra liên nông thương đoàn độc quyền thuốc lá, độc quyền bông vải Phú Yên… để làm giàu túi tham không đáy của chúng.

 

Suốt 9 năm trường kháng chiến chống Pháp, Phú Yên ta vẫn ngoan cường đứng vững là một tiền đồn tự do phía nam Khu V mặc dù quân thù bao vây tứ phía nam bắc đông tây và suốt 17 năm trường đã qua, khắc cốt ghi xương mối thù Ngân Sơn Chí Thạnh, Đa Ngư Phú Lạc… rất đau lòng trước cảnh nhà tan cửa nát, vô cùng căm giận bọn giết người tàn bạo… mang nặng mối tình thương yêu tha thiết đối với đồng bào đồng chí Hải Hưng, Phú Yên quê hương ta đã anh dũng vùng lên xé tan “ngụy quốc sách” tố cộng, đánh địch chạy dài điên đảo cơ hồ hoàn toàn sụp đổ với 5-7 cứ điểm nhỏ bé vào thời kỳ 1965.

Chúng cũng ra công tìm kiếm hòng khai thác 50-60 mỏ sắt, đồng… của Phú Yên ta, và ngày nay, quân thù Mỹ ngụy nhắm bề không nuốt chửng được nên chúng đã điên cuồng tàn phá quê hương ta, gây nên biết bao tội ác tày trời mà điển hình là tội ác Đa Ngư Phú Lạc, Ngân Sơn Chí Thạnh, giết sạch, đốt sạch, phá sạch.

 

Quy luật lịch sử không thể nào khác là “có áp bức có đấu tranh”. Tình yêu đất nước không thể nào khác lời Hồ Chủ tịch đã dạy: Tổ tiên ta đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải gắng công giữ lấy nước, vì vậy mà quả tim nóng bỏng căm thù của người dân Phú Yên cùng một nhịp đập với 31 triệu quả tim cả nước, từ thế hệ này đến thế hệ khác đã không ngừng chiến đấu chống mọi kẻ thù.

 

Từ thời Quang Trung Nguyễn Huệ, Phú Yên đã từng là chiến trường nóng bỏng của quân Tây Sơn chống lại kẻ thù ở phía Nam. Đến những năm đầu của thế kỷ 20, hưởng ứng phong trào kháng chiến rộng lớn của Trung Kỳ mà kẻ thù khiếp sợ đã gán cho cái tên “phong trào giặc cúp”, đồng bào Phú Yên ta đã đứng lên tấn công tỉnh đường quan lại phong kiến làm cho chúng một phen khiếp vía. Và cũng vào thời kỳ ấy đã nổi lên nhiều phong trào chống Pháp do Ba Sự, Lê Thành Phương tức Tú Phương, Cử Sách… lãnh đạo đã làm cho lắm phen Tòa sứ Sông Cầu phải rung chuyển.

 

Tất cả mọi người chúng ta không ai là không biết Cà Lố, Tổng Binh (Cà Lúi, Sơn Hội, Sơn Hòa), không hiểu Hòn Đình, Hòn Đồn (An Định), đó chính là những di tích quật cường của ông cha ta thời đó. Tổng binh đã từng là nơi chiêu binh mãi mã, luyện tập quân lính của Bá Sự, là căn cứ xuất phát của quân khởi nghĩa tiến về tận Sông Cầu tấn công vào dinh lũy của thực dân Pháp và phong kiến ở tỉnh ta. Hòn Đồn chính là căn cứ quân sự có thần công đại bác của ông cha ta kiên cường chống lại kẻ thù khủng bố.

 

Và một điều vinh dự lớn cho đồng bào các dân tộc của Phú Yên ta là tinh thần bất khuất của đồng bào dân tộc Thồ Lồ thuộc xã Ple khu bắc miền Tây ngày nay, suốt 80 năm trời Pháp thuộc, không một ngày nào dù chỉ một ngày thôi, chúng có thể đặt ách thống trị của chúng lên đầu lên cổ đồng bào dân tộc Thồ Lồ mặc dù không phải là ít khi chúng quyết đến vùng này, nhưng tất cả mọi lần, không một lần nào chúng đến được, trái lại lần nào cũng phải đền tội dưới mũi tên thiện xạ của đồng bào dân tộc. Và tiếc thay từ bấy cho đến tận ngày nay đồng bào các dân tộc Thồ Lồ không hề được biết mặt “cái thằng Tây”.

 

Từ khi có Đảng dẫn đường, đồng bào Phú Yên ta cũng sớm biết đi theo con đường của Đảng, từ những năm 1929-1930, phong trào TNCMĐC Hội rồi đến phong trào Cộng sản cũng đã nẩy mầm ở nhiều vùng trong tỉnh bắt đầu từ những trung tâm La Hai, Sông Cầu ngày càng lan rộng và phát triển qua các thời kỳ cách mạng với điểm cao là cuộc biểu tình quần chúng ngày 14/7/1937 của phong trào 1936-1939 chuẩn bị cho cao trào Cách mạng Tháng Tám sôi nổi với những trung tâm Phước Hậu, Hòa Đa, La Hai, Sông Cầu… tập hợp 36 vạn đồng bào Phú Yên nhất tề đứng dậy bứt tung xiềng xích căng An Trí Trà Kê (Sơn Phước), đập đổ lâu đài thực dân và phong kiến đã bao đời đè nặng, mở đầu một thời kỳ chiến đấu mới đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng anh dũng và thắng lợi rất vẻ vang.

 

Và kế theo đó Phú Yên quê hương ta đã liên tục chiến đấu kiên cường bẻ vụn “mũi tên Mỹ” quét sạch chúng ra khỏi vùng rừng núi và trung du gần 2/3 diện tích địa lý của tỉnh nhà ghi vào lịch sử cách mạng. Phú Yên những cái tên đẹp đẽ: địa đạo Gò Thì Thùng, Phú Lạc quật cường như thượng cam lĩnh của Phú Yên, Hòa Thịnh quật khởi như Bến Tre của Phú Yên, anh hùng quân đội Lê Trung Kiên… và cho đến hôm nay đã giành lại được 11 vạn đồng bào yêu quý của chúng ta dựng lên chính quyền cách mạng trên 55 xã, 215 thôn… liên tục dồn địch sát tận bờ biển bằng những đòn nảy lửa mới rợi: Xuân Phước, Củng Sơn, Phú Lâm, Hòn Chùa… để cùng toàn miền tiến đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Vinh quang thay Hải Hưng quê hương yêu dấu của chúng ta, anh dũng thay Phú Yên quê hương yêu dấu của chúng ta.

 

Một lần nữa tại nơi đây chúng ta xin hứa với đồng bào đồng chí hai quê nhà, tiếp tục thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu. Chúng ta thề quyết chiến đấu xứng đáng với lòng thương yêu tin tưởng của đồng bào đồng chí đối với chúng ta, những người đi xa, những người bạn ở xa.

 

Chúng ta quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược cho Nam Bắc sớm chung một nhịp cầu, cho lúa Tuy Hòa lại xanh, cho mít Sơn Hòa lại mọc, cho bông Phú Yên về với Liên hiệp dệt Nam Định, cho cầu Đà Rằng sánh đôi với Long Biên, cho đường phèn Đồng Xuân trao qua, vải thiều Thanh Hà trao lại, cho các cụ phụ lão Hải Hưng - Phú Yên sớm được đi lại thăm nhau, cho các đồng chí Hải Hưng sớm được về Bắc báo cáo thành tích và cho các cô dâu Phú Hải sớm được về nhà chồng…

 

Xin chúc tình nghĩa Phú Yên - Hải Hưng đời đời keo sơn gắn bó. Và nhân dịp này cho phép tôi đề nghị các đồng chí tất cả các ngành, đoàn thể và các huyện ở tỉnh nhà thường xuyên đặt quan hệ giữa các ngành, đoàn thể ở Hải Hưng, đặt liên hệ với các đồng chí liên lạc đồng hương Hải Hưng và có nhiều hoạt động kết nghĩa trong các ngành, đoàn thể và trong đồng bào, chiến sĩ Phú Yên ta.

 

Tôi xin cảm ơn sự có mặt của các đồng chí Hải Hưng hôm nay và bước vào một xuân kết nghĩa mới, xin chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek