Thứ Năm, 03/10/2024 07:26 SA
Nhớ một người bạn
Thứ Hai, 12/02/2007 08:04 SA

070212-ky-linh.jpg

Nhà báo Nguyễn Kỳ Linh

Lần đầu tiên tôi gặp Kỳ Linh là vào năm 1982. Sau 7 năm công tác tại các Đoàn địa chất trên Tây Nguyên, tôi được chuyển về Trường Trung cấp Địa chất 2 (nay là Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà) - nơi Linh đang dạy môn Văn. Đúng năm đó tôi có truyện ngắn đầu tay đăng ngay trên trang nhất báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Khó có thể diễn tả được niềm vui của tôi khi nhận được tờ báo biếu có đăng truyện của mình và Linh là người đầu tiên chia sẻ với tôi niềm vui ấy, vì thế mà niềm vui được nhân lên gấp bội. Hồi ấy chưa có chuyện bia bọt như bây giờ, chúng tôi chỉ ngồi với nhau bên ly cafe trong quán cóc bên vườn hoa Diên Hồng và hàn huyên đủ chuyện trên trời dưới đất. Thời gian sau, khi đã hiểu Linh kỹ hơn, thấy hắn vẫn lông bông độc thân, tôi bảo: “Này, mày đã muốn lấy vợ chưa? Tao có cô em vợ cực đẹp”. Hắn cười khì. Vợ chồng tôi giới thiệu Linh với Trúc. Đôi bạn trẻ tìm hiểu nhau, mối quan hệ bắt đầu thân thiết, rồi... cũng chỉ dừng lại ở đó.

 

Ở Huế, Linh còn một người chị. Mẹ mất sớm, chị tần tảo nuôi em ăn học, hơn 40 tuổi, chị vẫn chưa lập gia đình. Vì thương chị cô quạnh, Linh quyết định trở lại Huế thay đổi môi trường công tác. Trong một lần ra thăm chị vào dịp Tết, Linh bèn thử sức trong lĩnh vực báo chí. Linh đi thực tế lấy tư liệu, viết một số bài cho Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế và được Đài sử dụng ngay. Quay vào Phú Yên, Linh xin chuyển ra Huế. Vài năm sau, chị của Linh lập gia đình.

 

Thời gian Linh công tác ở Huế, qua bạn bè và thư từ, tôi biết Linh vẫn còn rất yêu Trúc, nhưng vì công việc nên không thể vào Phú Yên. Còn Trúc, không thể ra Huế vì là con gái út, cha mẹ không muốn cho lấy chồng xa. Mối duyên tình cứ nhũng nhẵng như vậy mấy năm, cả hai đều không có người yêu mới. Thấy cứ để lâu như vậy không ổn, tôi bèn viết cho Linh một bức thư dài 10 trang, đại loại khuyên Linh nên xem xét mọi việc một cách hài hoà, vừa đảm bảo công việc vừa có hạnh phúc gia đình. Tóm lại, nếu tình yêu vẫn còn sâu nặng thì cố gắng xin chuyển vào Đài Phát thanh Phú Khánh. Viết thì viết vậy thôi, nhưng tôi không nghĩ có thể thay đổi được điều gì. Ở lại Huế, Linh có anh chị ruột, điều kiện sống cũng quá tốt, mai mốt kiếm một cô gái Huế nữa là xong. Không ngờ mấy tháng sau tôi nghe tin Linh đã xin chuyển được vào Nha Trang. Tất cả lại bắt đầu lại từ đầu, nhưng theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Đám cưới được tổ chức, đôi bạn trẻ đưa nhau vào lập nghiệp ở thành phố biển Nha Trang. Mọi việc tưởng như đã an bài...Nhưng rồi, sau 5 năm chia tay, tháng 7/1989 khi tỉnh Phú Yên được tái lập, Linh lại trở ra Tuy Hoà cùng với đoàn quân của Nguyễn Hùng Thi để thành lập Đài Tiếng nói Nhân dân Phú Yên, nhưng lần này là với một người vợ trẻ xinh đẹp và những người bạn mới.

 

Trong đám tang Kỳ Linh, bên cạnh những vòng hoa của các cơ quan, bạn bè, tôi để ý đến một vòng hoa nhỏ khiêm tốn. Đó là vòng hoa của Trần Sĩ Huệ, Nguyễn Hùng Thi, Đoàn Việt Hùng và Nguyễn Tường Văn. Tôi hiểu vì sao những người này lại cùng có tên trên vòng hoa ấy. Nhớ ngày mới tái lập tỉnh, Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên còn đóng trong căn nhà cổ ở 17 Phan Đình Phùng. Sau vài tuần ổn định tổ chức và phát sóng, Nguyễn Hùng Thi-Giám đốc Đài-gặp tôi bảo, Đài mới thành lập, phóng viên thiếu quá, ông ở Phú Yên đã lâu, quen biết giới cầm bút, giới thiệu cho tôi vài người. Tôi bàn với Kỳ Linh, lúc ấy là Phó phòng phụ trách Phòng Thời sự, rà soát hết những người có khả năng viết báo lúc bấy giờ, thấy chỉ còn anh Trần Sĩ Huệ, Đoàn Việt Hùng và Nguyễn Tường Văn là có khả năng viết mà chưa có việc làm, những người khác đều có công việc ổn định cả. Linh và tôi thống nhất giới thiệu Việt Hùng và Tường Văn làm phóng viên, còn anh Huệ làm cộng tác viên văn nghệ vì tuổi đã cao. Sau một số tin, bài thử việc, Đài chính thức ký hợp đồng với Hùng và Văn. Để ghi nhận sự kiện này, Tường Văn “hối lộ” một rổ trứng vịt lộn (hồi ấy vợ chồng Tường Văn làm nghề ấp trứng vịt lộn để kiếm sống), còn anh Hùng mang tới một can rượu đế Hoà An để liên hoan với Đài.

 

Trong bài viết của mình trên số Xuân Đinh Hợi 2007 của báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, cây bút văn xuôi “đang lên” của Phú Yên là Ngô Phan Lưu có bài phân chia loài người thành 4 loại: Loại nói thật suốt, loại nói láo suốt, loại lúc thật lúc láo và loại cần thật thì thật, cần láo thì láo. Với cách phân loại này tôi xếp Kỳ Linh vào loại thứ nhất, vì Linh có cách nói “ngang ngang, thẳng toẹt”, dễ làm mất lòng những người lần đầu tiếp xúc. Chính tính cách thẳng ruột ngựa ấy đã gây cho Linh không ít phiền toái và thua thiệt, nhưng cũng chính tính cách ấy mà nhiều người yêu quý Linh. Ngay cả việc vào Đảng, khi Chi bộ Đài Phát thanh bảo Linh làm hồ sơ, Linh nói: “Tôi là người tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, nhưng tôi thấy mình còn chưa xứng đáng, hãy cho tôi một thời gian nữa”. Có lần, sau khi đã uống sương sương, mấy em anh rủ nhau đi hát karaoke. Người thì đông, hát thì dở, chờ nghe người khác hát chẳng khác gì bị tra tấn lỗ tai thế mà cứ giành nhau hát. Hùng Thi chọn mãi mới được một số bài ưng ý, nhưng Kỳ Linh lại giành hát. Bực quá, Thi quát: “Thằng này lạ thật, bài tao chọn sao mày cứ giành hát hết thế?”. Linh đáp tỉnh queo: “Thì anh mời em đi hát mà lại!” “Sao mày không tự chọn?” “Thì do anh đã chọn đúng những bài em thích!”. Chịu không nổi, Hùng Thi ném micro xuống nền nhà nghe cái bộp. “Chương trình văn nghệ quần chúng” hôm đó phải mất thêm tiền micro.

 

 Trong công việc, Linh là người có ý thức trách nhiệm cao, khi đã nhận lời thì dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng hoàn thành. Tôi không bao giờ thấy Linh vòi vĩnh ai điều gì, chính vì thế mà cán bộ nhân viên các ban ngành trong khối mà Linh được Đài phân công theo dõi rất quý mến Linh. Khi có việc, chỉ cần một cú phôn là Linh xách máy đi ngay, chẳng nề hà, xách nhiễu, xong việc là lo về để hoàn chỉnh tin bài. Món quà duy nhất mà Linh nhận là một chiếc đồng hồ đeo tay loại thông dụng của một giám đốc sở tặng để phục vụ cho công việc. Món quà tuy nhỏ nhưng Linh trân trọng giữ mãi như một kỷ niệm tốt đẹp cho đến những ngày cuối đời. Thấy Linh thích vui vẻ với bạn, có người cho “cơ chế” năm-mười chai ở quán này, quán nọ... Linh liền gọi ngay cho bạn và thế là đủ.

 

Trong cuộc sống, Linh rất coi trọng chữ “tín” và khá hào phóng. Hễ thấy có chuyện ngang trái, thế nào cũng can thiệp. Có lần một thanh niên trong phố đến Đài quậy phá, việc xử lý không phải của Linh, nhưng thấy chướng tai gai mắt Linh liền ra tham gia giải quyết, bất ngờ bị anh ta ném một cục đá trúng ngay trán, dập một miếng bằng đít chén, phải đi cấp cứu. Những tưởng với tính cách nóng nảy của mình, Linh sẽ kiện anh thanh niên kia, nhưng gia đình đến xin lỗi, Linh cũng bỏ qua. Tết nhất, các cháu tới chơi thế nào cũng lì xì đầy đủ, hôm sau đến nhà các cháu chơi lại lì xì tiếp, ra phố gặp các cháu, có đứa nhõng nhẽo, lại lì xì nữa. Bạn bè rủ nhau đi ăn, Linh thường móc tiền ra trước. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, nếu Linh sống ở thời cổ đại, sắm thêm cây giáo và con ngựa chiến chắc hẳn sẽ có thêm một Đông-ky-sốt.

 

Tôi nhớ, đã đọc được ở đâu đó, rằng BẠN-chính là người mà khi cần ta có thể gõ cửa vào bất cứ lúc nào, kể cả lúc nửa đêm khuya khoắt. Kỳ Linh là một người như vậy với đúng nghĩa cao đẹp của từ BẠN. Tôi chưa bao giờ thấy Linh nuốt lời hứa với ai và từ chối ai điều gì, kể cả tiền bạc, lẫn thời gian và công sức nếu đó là một lời đề nghị chính đáng; chưa bao giờ phản bội bất cứ người nào cho dù bất đồng chính kiến hoặc trái ngược về tính cách.

 

Trong cuộc đời mình, Linh còn nhiều việc dở dang mà lẽ ra, với khả năng và tính cách của mình Linh có thể hoàn tất nếu không bị cái chết đột ngột cắt ngang. Lẽ ra còn phải chăm sóc dạy dỗ con cái cho đến khi trưởng thành rồi dựng vợ gả chồng, lẽ ra còn phải xây lại ngôi nhà đã quá ọp ẹp. Rồi còn công việc, sự nghiệp, ở cái tuổi trên dưới năm mươi là đến độ chín để cho ra đời những tác phẩm tâm huyết. Biết bao nhiêu dự định ấp ủ...Thật là tiếc cho một con người! Nhưng rồi tôi lại tự an ủi mình rằng, ngôi nhà dù có kịp xây xong nhưng sớm hay muộn cũng sẽ bị thời gian tàn phá; con cái nếu vắng cha thì chúng sẽ trưởng thành sớm hơn và cũng hoà nhập vào với dòng đời; công danh sự nghiệp rồi cũng sẽ kết thúc khi đến tuổi về hưu...Cái còn lại ở đời chính là một tấm lòng-một tấm lòng chân thành, nhân ái với cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè và đồng nghiệp. Tấm lòng ấy sẽ còn lại mãi với thời gian trong tâm tưởng mọi người. Và thế là đủ!

 

ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek