Thứ Năm, 03/10/2024 07:30 SA
Ba Người Khác
Thứ Sáu, 09/02/2007 15:40 CH

Câu chuyện này có thể được coi là một mảng ký ức trong cuộc đời nhà văn Tô Hoài. Và ký ức, có thể tương ứng, trùng với điều đã diễn ra, nhưng cũng có điều chỉ ở trong tâm tưởng. Có chi tiết thực, nhưng cũng có chi tiết là sản phẩm của sự tưởng tượng, rồi thêm " mắm muối " - vì thế mới định dạng là tiểu thuyết.


070209--To-Hoai.jpg
Nhà văn Tô Hoài
Một câu chuyện đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, từ một đội công tác cải cách xuống các vùng, miền. Mỗi người một hoàn cảnh, xuất thân, nhưng nhìn chung hiểu biết còn nhiều hơn hạn chế, có người là " tiểu tư sản " nhưng kiến thức mới cấp I. Bản năng, hồn nhiên đi vào cải cách trong buổi giao thời.


Nội dung không vẽ lại diện mạo của cuộc cải cách, mà đi sâu vào khía cạnh con người, thế cuộc, qua những nét sinh hoạt, tác vụ xoay quanh họ. Do có độ lùi cần thiết, tác giả đã nhận chan những nét bản năng, ấu trĩ, kể cá những sai lầm, tội lỗi của những con người cụ thể (mà họ còn chưa ý thức được), ở đội công tác cụ thể, trong bối cảnh nhận thức chung ở các vùng miền, nhất là nông thôn, vùng sâu xa còn nhiều yếu kém. Thậm chí có những chỗ u tối, " sinh hoạt như gà ". Các quan hệ cũ thì nhiều phần lạc hậu, những quan hệ mới chưa được xác lập rõ, còn những nhá nhem xấu - tốt, địch - ta, các anh đội - gia đình rẽ chuỗi, nhiệm vụ - nhận thức, tình cảm - tội lỗi, địa chủ - hay không phải, người - ngợm.... Một mảng tranh thời kỳ đầu cải cách khá sinh động, những bỡ ngỡ, sự nghèo khó, sự chất phác, mộc mạc, cả thô ráp, mù lối, lối sống chưa đạt tới tầm " tiểu nông, đôi phần hoang dã của con người được thể hiện qua cách dẫn chuyện lôi cuốn.

 

Nguồn vinabook.com

Đạt đến sự đơn giản từ lâu

 

Quyển sách viết xong 1992. Xuất bản lần đầu 2006. Trong khoảng thời gian gần 15 năm ấy nhà văn Tô Hoài vẫn tiếp tục viết. Mỗi quyển sách hoàn tất như một đứa con đã trưởng thành, có số phận riêng, không còn thuộc về đấng sinh thành nữa. Rốt cuộc thì điều quan trọng nhất với mỗi người là phải tiếp tục sống đời của riêng mình.

 

Sách sống đời của sách, lẳng lặng đời bản thảo cho đến một ngày hiện hình cùng công chúng. Còn nhà văn, như đã được qui định bởi một nguyên tắc bất di bất dịch của nghề, quên bẵng đứa con ấy để mỗi ngày có thể bình thản ngồi vào bàn và viết.

Sống để viết.

 

Không ai làm điều đó tốt hơn nhà văn Tô Hoài. Không ai có thể làm điều đó chuyên nghiệp hơn nhà văn Tô Hoài.

 

Ông không chỉ đi đầu trong lao động nhà văn, biến thứ kỷ luật khổ sai thành nhu cầu thiết yếu dễ chịu như thở, mà trong suốt quãng thời gian làm nghề dài dặc ấy, trong mọi biến chuyển thời cuộc, ông vẫn giữ được sức viết dồi dào với sự thông thái ngày một đầy thêm. Sự hiện đại của văn phong; lời thoại tinh tế, nhịp điệu câu chuyện, tính đa dạng về thể loại ở ông vẫn chưa thấy người trẻ nào theo kịp.

 

Trong khi khá nhiều người viết khác hãy còn chìm trong rối rắm, như là hệ quả của một đời sống nhiều lý thuyết mà thiếu đời sống, thì ông với cuộc đời đầy sự kiện đã đạt đến sự đơn giản từ lâu. Người khác kể từng ấy chuyện phải mất nhiều trang, lắm lời diễn giải, với ông chỉ cần vài dòng, hay một chi tiết nhỏ.

 

Ba người khác (*) là một quyển tiểu thuyết đầy ắp những chi tiết đắt giá như thế. Ngay những dòng đầu tiên, người đọc bị hút ngay vào thế giới của những rễ và chuỗi, của cán bộ đội..., những khái niệm giờ trở nên hư hư thực thực mà những thế hệ sau này không tin rằng đã từng hiện diện thống trị một thời.

 

Nhưng trong muôn vàn câu chuyện người ta được biết về một thời cay đắng ấy, câu chuyện ông kể vẫn rất riêng, rất lạ. Ấy là vì ông đã thoát ra khỏi thân phận làm nhân vật của một giai đoạn để trở thành người quan sát. Ông đứng ở một vị trí tách biệt, cao hơn hẳn đám đông ấy, nhờ thế mà cái nhìn cũng tinh tường hơn và bao dung hơn. Cho nên nhân vật chính có là tôi với nhân thân rất gần tác giả đi nữa thì nhờ giọng kể bình thản, thuần chi tiết, thuần sự kiện ấy mà các nhân vật từ chính đến phụ hay rất phụ, đều có tính cách riêng đặc sắc và thuyết phục.

 

Nhà văn Tô Hoài có một khả năng nhớ lạ thường. Thường có hai cách ứng xử với kỷ niệm. Một, như đa số, theo thời gian sẽ phai nhạt dần đi, rồi quên bẵng hoặc nhẹ bỗng. Hai, như bà tôi, kỷ niệm được chắt lọc lại, và khi đã vượt qua được một con đê tuổi tác nào đấy, chúng trở nên bất tử đối với người già. Với nhà văn Tô Hoài thì còn hơn thế nữa, dường như ông nhớ tất thảy, không sót điều gì. Và không chỉ nhớ, ông còn mang chúng đến tận ngày hôm nay với đầy đủ trọn vẹn cảm xúc. Ông sống với cùng những chi tiết của đời sống, mà theo thời gian, qua gần một thế kỷ chỉ ngồn ngộn lên.

 

Có lẽ vì yêu và quí từng ngày của cuộc đời được ban tặng, nên ông nâng niu bất cứ gì mình đã trải qua. Và sự kiện, con người, nơi chốn, cảm xúc của bao nhiêu năm tháng ấy đã may mắn tìm thấy nơi nương náu trong cụ Tô Hoài.

Nhờ thế đã không chìm vào lãng quên.

 

Theo Phan Triều Hải- TTCT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek