Thứ Bảy, 12/10/2024 03:25 SA
Thơ của thầy
Chủ Nhật, 18/11/2012 14:00 CH

Thầy gọi điện, dặn: “Lúc nào rảnh ghé nhà chơi. Thầy vừa có quyển sách mới”. Cứ ngỡ sách mới xuất bản là một công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian, hóa ra là một tập thơ!

 

Thay-Chuc-121118.jpg

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc bên những dấu tích của chùa Cổ Lâm (huyện Tuy An) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Bỗng thấy xúc động khi nghĩ rằng: Thầy - người đã hơn 40 năm gắn bó với bục giảng, đã dạy dỗ và ươm mầm thơ cho bao lớp học trò, giờ mới có một tập thơ riêng khi tóc đã bạc.

 

Bỗng nhớ những năm tháng học trò dưới mái trường Lương Văn Chánh. Hồi ấy trường chưa có cơ sở, phải mượn một dãy phòng của Trường THPT Nguyễn Huệ để học. Lớp 10 Văn năm đó do thầy làm chủ nhiệm. Không đơn thuần là giáo viên chủ nhiệm, thầy như người cha của 18 đứa học trò chúng tôi. Người cha đó quan tâm từng li từng tí đến đám học trò, từ chuyện vì sao trò A. nghỉ học (sau khi tan trường, thầy đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân), chuyện trò B., trò C. ít đọc sách văn học đến chuyện hôm nay trò D. nhận được thư từ bạn phương xa, trong thư viết gì (mỗi khi thấy chúng tôi nhận thư từ những người bạn chưa từng biết mặt gởi đến, thầy đều “kiểm duyệt” rất nghiêm). Đặc biệt, không chỉ dồn hết niềm say mê văn chương vào những bài giảng, thầy luôn khích lệ các học trò sáng tác thơ văn và ghi lại những sáng tác vụng về ấy trong một quyển sổ tay. Mỗi khi kiểm tra bài, thầy kiểm tra cả “Sổ tay văn học”, nhận xét, chỉnh sửa những câu chữ vụng về. Rồi thầy khích lệ học trò gởi “tác phẩm” cho các báo, tạp chí. Học trò nào có thơ đăng báo, thầy cho điểm 10 vào cột kiểm tra miệng. Sau này, trong lớp lớp học trò từng được thầy dạy dỗ có người trở thành nhà thơ, có người trở thành nhà báo giỏi. Và họ luôn nhớ về thầy - người thường xuyên khích lệ họ mở cửa tâm hồn mình bằng những trang sách, bằng việc sáng tác văn chương.

 

Tất nhiên thầy cũng sáng tác và chia sẻ với học trò những tác phẩm mới. Sau này, khi chúng tôi như những con chim tung cánh bay, thi thoảng, thầy vẫn tặng học trò những bài thơ của mình. Đó là những tâm tư, cảm xúc được thể hiện bằng thơ Đường luật, thơ tự do. Dường như thời gian và nỗi đau mất đi người bạn đời càng làm đầy thêm cảm xúc trong thầy.

 

Cầm tập thơ thầy tặng, tôi xúc động nghĩ rằng bao năm ươm mầm thơ cho bao lớp học trò, ở tuổi 75, thầy mới có một tập thơ của riêng mình. Bìa sách khá đẹp với màu xanh là chủ đạo. Trong lời tựa, thầy khiêm nhường viết rằng: “…Dẫu sao, đây chỉ là tâm chí đơn lẻ, dấu ấn của một thời Khi vào Nam ra Bắc, khi lên núi xuống đồng… Từ buổi đến trường, những ngày dạy học và thời hưu nghỉ…”.

 

Sach-cua-thay121118.jpg

Bìa “Ký thơ” - tập sách mới của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc - Ảnh: L.VY

Thơ của thầy thường phảng phất sắc màu thơ cổ, như bài Đường trăng (viết năm 1970):

 

…Đường trăng ngời sáng đêm nay

Cát vàng sỏi đá những ngày nhớ thương

Như nghe khúc hát Nghê Thường

Nỗi lòng cố quận tình vương vấn nhiều!...”

 

Không chỉ gắn bó với thơ lục bát, thơ Đường luật, thầy còn làm thơ tự do. Bài thơ Về với em (viết năm 1987) ấm áp niềm vui là một ví dụ:

 

Tôi về với em trong hơi ấm của ngày vui

Mang cái rộn ràng âu lo của người thầy,

người cha trở về với lớp…

Mang cái xôn xao ngọt lành của tình yêu rạo rực:

Mái trường xưa cũ thân yêu!...

Tôi về với em chiều nay!

Phượng mùa hè đung đưa rực rỡ

Bóng dáng trường đỏ giữa màu hoa!”

 

Còn đây là một đoạn trong bài thơ Mưa xuân chiêm nghiệm cuộc đời (viết năm 2001).

 

…Tan đi hết mù sương đời phiêu lãng

Trời hương hoa hỉ nộ buổi đi về

Dấu kỷ niệm xa mờ thời dĩ vãng!

Từng bước chân nằng nặng mối tình quê.

Mưa bất chợt ngày xuân về mát mặt

Vui hay buồn nước cũng mãi trôi xuôi!

Thôi xóa hết những cơ duyên bất cập

Nắng hồng lên cho xuân lại bồi hồi”.

 

So với 4 tập sách riêng đã xuất bản trước đó (Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ, ca dao Phú Yên, Hò khoan Phú Yên, Văn hóa dân gian Đồng Xuân Văn hóa dân gian Phú Nông Tân Hội thôn) thì tập sách mới này có số trang khiêm tốn nhất: hơn 120 trang với 71 bài thơ. Song nếu như 4 tập sách riêng đã được xuất bản và tái bản trước kia là kết quả của những tháng năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu thì tập sách mới này là những sẻ chia của một tâm hồn thuần hậu nặng lòng với người, với đất, với cuộc đời.

 

Tập sách ấy tên là Ký thơ. Và tác giả là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, bút danh Nguyên Đình.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek