Thứ Bảy, 12/10/2024 19:27 CH
Người họa sĩ làng Chăm
Thứ Năm, 25/10/2012 14:00 CH

Với tài năng của đôi tay, anh đã truyền cho đất những hình hài cụ thể và thổi vào đó cả một linh hồn biết nói. Để rồi, khi ngắm nhìn tượng của người họa sĩ 58 tuổi này, không ít người đã lặng đi trước một tâm hồn Chăm đa cảm, đa mang… Từ làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), tác phẩm của anh đã vươn ra thế giới. Anh là họa sĩ, nhà điêu khắc người Chăm Đàng Năng Thọ.

 

dan-nang-tho121025.jpg

Họa sĩ Đàng Năng Thọ đang khắc hình thiếu nữ Chăm bằng đất sét - Ảnh: K.HÀ

1. Nghe tên tuổi Đàng Năng Thọ đã lâu nhưng mãi dạo gần đây khi đến với tỉnh Ninh Thuận, tôi mới có dịp gặp anh. Sau một thoáng bất ngờ, Đàng Năng Thọ kể tôi nghe bao nhiêu chuyện của đời anh. Từ chuyện anh học vẽ ở Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, gây ấn tượng qua tác phẩm “Lễ cầu mưa” trong kỳ tốt nghiệp năm 1992, sau đó là họa sĩ Chăm duy nhất từng có phòng tranh triển lãm ở Hà Nội năm 1995, và rồi bất chợt một ngày, khi sơn dầu cạn kiệt, anh đột ngột chuyển qua nhào nặn đất sét và tỏa sáng; chuyện tréo ngoe khi anh học hội họa nhưng lại được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam theo chuyên ngành điêu khắc…

 

Hiền lành, sống khép kín với một nội tâm phong phú và phức tạp, Đàng Năng Thọ thường dùng một triết lý để nói về bước rẽ từ hội họa sang làm tượng của mình: “Cố tình cắm hoa thì hoa héo/Vô tình cắm liễu thì liễu xanh”. Năm 1998, khi đi dự triển lãm tại Ấn Độ, bức tượng “Luân hồi” của anh được ban tổ chức chọn làm biểu tượng chung cho cuộc triển lãm có mấy chục quốc gia tham dự. Còn “Tạ ơn” thì đoạt giải ba Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, “Người trầm tư” đoạt giải nhì (không có giải nhất) tại Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam Bộ năm 2004. Nhà thơ In­rasara nhận xét, Đàng Năng Thọ là một tài năng xuất chúng của người Chăm. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì bảo những bức tượng của Đàng Năng Thọ là do bàn tay của ai đó trên trời làm nên, chứ không phải anh. Đàng Năng Thọ không muốn nói nhiều về những giải thưởng hay thành tích mà anh đạt được, bởi với anh giải thưởng chỉ là chuyện nhất thời, tác phẩm để lại cùng với sự sống theo thời gian mới là điều quan trọng của người nghệ sĩ.

 

2. Trong khuôn viên Bảo tàng Ninh Thuận, có một bức tượng rất ngộ: một hình chữ nhật dựng đứng, trong đó có một cái lỗ tròn. Tác giả của nó - Đàng Năng Thọ giải thích: Đó là hình ảnh tượng trưng cho hai con người nam và nữ đang kết hợp với nhau, và cái lỗ tròn ấy - sự kết tinh của tình yêu - theo quan niệm của người Chăm là nơi con người ta sinh ra đời. Hiểu được ý nghĩa ấy, nên khi bức tượng dựng ở Bảo tàng Ninh Thuận, không ít người đến đây hằng mong chui qua cái lỗ tròn để hóa thành kiếp người. Cứ như thế, tượng của Đàng Năng Thọ có mặt khắp nơi, nhiều nhất là trưng bày ở các bảo tàng tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

 

Chủ đề thể hiện của anh thường rất riêng biệt, đó là ký ức Chămpa, “dấu nối vàng” giữa truyền thống và hiện đại. Theo Đàng Năng Thọ, những tinh túy rực rỡ nhất của dân tộc Chiêm Thành đến hôm nay vẫn còn được lưu giữ trong những hoa văn, đền đài, tháp cổ. Là một họa sĩ theo trường phái tả thực, Đàng Năng Thọ muốn bằng cái nhìn mới tái hiện lại những cái hay, cái độc đáo của người Chăm qua các lễ hội và sinh hoạt đời thường. Bởi trong tiềm thức và cảm nhận của anh, văn hóa Chămpa là một bề dày mênh mông, lắm sắc màu mà cũng vô cùng hỗn độn. Thông qua điêu khắc, anh muốn truyền vào đất những vọng âm của một thời xưa cũ, để rồi, qua đó, tâm hồn anh có dịp trở về với những ngôi tháp cổ xưa, lễ hội Ka-tê, Ramvam, về với những điệu múa cổ ngập ngừng, xao xuyến, rạo rực, huyền bí trong tiếng trống Gimăng, Paranưng và tiếng kèn Saranai. “Đề tài mẫu tử thường in đậm nét trong những sáng tác của tôi, bởi lẽ trong mớ ký ức ngày xưa còn sót lại, tôi hay ám ảnh hình ảnh của mẹ. Ngày xưa nghèo, tôi lại là con một trong gia đình nên mỗi khi đi đâu, mẹ cũng dắt tôi đi cùng. Đó chính là dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn tôi trên con đường nghệ thuật”, Đàng Năng Thọ tâm sự.

 

3. Chiều cuối tuần, một mình, tôi thong dong thả bộ trên con đường dẫn vào làng gốm cổ Bàu Trúc. Bởi lẽ, nếu không đến đây thì thật khó hình dung ra màu sắc Chăm trong những sáng tác của anh. Và thật bất ngờ khi đặt chân vào xưởng gốm nhỏ của nghệ nhân Đàng Thị Phan, tôi đã nhận ra “bóng dáng” Đàng Năng Thọ ở đó từ những bức tượng rất quen do con trai bà Phan làm theo mẫu sáng tác của anh. Người dân ở làng gốm Bàu Trúc tự hào về Đàng Năng Thọ lắm, vì anh là họa sĩ người Chăm đầu tiên được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Dường như anh sinh ra để làm tượng gốm cho làng Bàu Trúc. Nhiều nhà sưu tầm đã về tận nơi để mua tượng của anh, nhà nhà theo anh chuyển sang làm gốm mỹ thuật để bán cho du khách. Đàng Năng Thọ trở thành tấm gương cho mọi người trong làng khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của đất cát xứ sở đầy nắng và gió này…

 

Từ nơi cư ngụ bây giờ của gia đình Đàng Năng Thọ ở một xã vùng biển Xuân Hải, huyện Ninh Hải đến làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước cách xa gần 30km. Nhưng Đàng Năng Thọ vẫn thường về lại nơi chôn nhau cắt rốn để chở đất sét về nhà nặn tượng. Anh cho biết: “Tuy ba mẹ tôi đã mất, nhưng ký ức của tuổi thơ ở Bàu Trúc vẫn còn đó. Và tôi thường moi những điều đã cũ trong mớ ký ức Chăm hỗn độn ấy để sáng tác. Dù thế nào, làng Chăm vẫn sống trong tâm hồn và trong cả những tác phẩm của tôi một cách sống động và đặc biệt nhất…”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thổ cẩm Việt Nam sang Pháp
Thứ Năm, 25/10/2012 07:40 SA
Hai nông dân say mê ca hát
Thứ Ba, 23/10/2012 14:30 CH
Xuất bản Bình thơ của Vũ Quần Phương
Thứ Ba, 23/10/2012 08:00 SA
“Chiến binh” Ke$ha tái xuất
Thứ Hai, 22/10/2012 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek