Thứ Ba, 15/10/2024 11:31 SA
Người thổi hồn Việt vào thơ haiku
Thứ Năm, 19/07/2012 18:00 CH

Có trò chuyện với Nhật Chiêu, nhìn cung cách của ông, nghe ông giảng thơ… người ta mới thấy hết sự mê đắm của con người này dành cho haiku. Dường như thể thơ độc đáo này của Nhật Bản đã ăn sâu vào con người Sài Thành, làm ông cũng trở nên vừa thực, vừa hư giữa cõi đời bồng bềnh hư thực…

 

nhat-chieu120719.jpg

Nhà văn Nhật Chiêu (phải) cùng nhà thơ Inrasara tại Đà Lạt - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Cả đời nhà nghiên cứu, dịch giả, giảng viên văn học, nhà văn Nhật Chiêu chỉ muốn giới thiệu cho người đọc Việt Nam về thể thơ nhỏ gọn nhất thế giới - Haiku. Ông muốn mang cái thần của người Việt hòa vào cái hồn của thể thơ súc tích, để mỗi khi đọc haiku, độc giả vừa có cảm giác như gió lướt qua, lại vừa có cảm nhận đang chạm vào hơi thở của mùa, của hoa đào, lá phong và tuyết trắng...

 

NIỀM SAY MÊ VỚI THỂ THƠ CÓ MỘT KHÔNG HAI

 

Từ nhỏ, văn học đã ngấm vào máu của Nhật Chiêu. Say mê đọc sách, ông thường tìm đến những vần thơ tuyệt tác của các bậc thi nhân xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Ở chúng, ông tìm thấy “khí khái” của thơ ca và tâm hồn hào sảng của người Việt. Những năm theo học tại Trường Petrus Ký, Nhật Chiêu tìm đọc hàng trăm quyển sách văn học của các tác giả nước ngoài. Thế giới văn học với những tác phẩm nổi tiếng của Kafka, Kawabata… mở ra trước mắt ông. Nhật Chiêu bắt đầu gắn bó hơn với nghiệp văn khi ông thi đậu vào khoa Văn Trường đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó, dù trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng ông vẫn tập trung vào nghiên cứu văn học, đồng thời tham gia giảng dạy ở một số trường THPT.

 

Trong quá trình giảng dạy, Nhật Chiêu được Bộ GD-ĐT mời tham gia biên soạn sách giáo khoa cải cách, rồi được mời về làm giảng viên tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Tại đây, ngoài giờ giảng dạy, ông chăm chú vào công việc soạn thảo giáo trình và đưa vào giảng dạy nhiều nền văn học mới như Ấn Độ, Trung Cận Đông, Hàn Quốc… Càng tiếp xúc với văn học Nhật Bản, nghiên cứu sâu thơ haiku, Nhật Chiêu thấy thể thơ này vừa bí hiểm mà lại rất gần gũi, gợi mở. Với quan niệm: “Haiku đồng nghĩa với nghệ thuật và đạo. Đó là con đường tâm linh. Trong haiku, các tác giả quan tâm đến tất cả động tĩnh quanh mình, dù rất nhỏ nhoi. Muốn làm được vậy, họ phải yêu quý từng giây phút sống và luôn hướng đến sự bình đẳng với vạn vật”, Nhật Chiêu bắt đầu “lao” vào thể thơ này và xem đó như một hành trình cần phải “dốc lòng” mà khám phá, chiêm nghiệm.

 

Theo Nhật Chiêu, thơ ca Nhật Bản bắt đầu bằng những vần thơ trữ tình gọi là waka, toàn bài bao gồm 31 âm tiết. Vậy mà người Nhật vẫn chưa hài lòng với cái ngắn gọn của waka. Họ phát minh thêm thể haiku chỉ vỏn vẹn có 17 âm tiết và nó trở thành thể thơ ngắn nhất thế giới. Thơ haiku có từ lâu, nhưng vào thế kỷ XVII, XVIII, thơ mới lên đến đỉnh điểm với sự xuất hiện hai thi sĩ lừng danh là Basho và Issa. Thơ haiku chỉ có ba câu, 17 âm tiết (5-7-5) dài không quá 12, 13 từ, không chấm câu, không đề. Nội dung thường hướng về thiên nhiên bốn mùa và nội tâm cá nhân. “Nhỏ nhoi là vậy, nhưng thơ haiku vẫn có thể chứa đựng “ba nghìn thế giới”. Một bài thơ haiku hay phải thể hiện được khoảnh khắc “độc sáng” của nhà thơ trong việc nắm bắt cuộc đời, quan sát tinh nhạy, biết cảm nghiệm đời sống đầy đủ”, nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ.

 

ĐI TÌM “BA NN THẾ GIỚI THƠM” CỦA HAIKU

 

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nhật Chiêu là người đầu tiên phổ biến thơ haiku tại Việt Nam từ đầu những năm 1980 của thế kỷ trước. Ông dịch thơ và đăng tải trên nhiều tờ báo. Sau đó, ông viết sách và làm thơ haiku. Ông mang “Ba ngàn thế giới thơm” đi phân phát và gieo cho những tâm hồn thi sĩ đồng điệu. Từ đó, tại Việt Nam, dấy lên phong trào sáng tác thơ haiku. Hiện tại, Nhật Chiêu là cố vấn cho CLB thơ haiku Việt Nam do giáo sư Lưu Đức Trung làm chủ nhiệm, cũng như cố vấn cho các cuộc thi thơ haiku mà Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức.

 

Có lẽ, cũng như tôi, rất nhiều thế hệ sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh từng được tham dự những giờ lên lớp của thầy Nhật Chiêu đã rất tri ân nhà nghiên cứu văn học, dịch giả 61 tuổi này bởi ông đã mang đến cho học trò những “câu chuyện văn chương phương Đông” tuyệt đẹp. Giữa vòng xoáy mưu sinh của Sài Gòn, thầy kéo chúng tôi sống chậm lại, để rồi lơ lửng giữa không trung ngạt ngào của “ba ngàn thế giới thơm”, và thấy tâm hồn mình hóa trong veo như những giọt sương… Tâm sự về cách thưởng thức một tác phẩm văn học, nhà văn Nhật Chiêu cho hay, văn chương phải có cái nhìn “ly kiến” tức là nhìn có khoảng cách để thoát ly khỏi cái “ngã kiến” tức nhìn đâu cũng thấy. Cái tuyệt diệu của văn chương phải có phần ẩn giấu trong đó, đòi hỏi độc giả phải “động não” suy ngẫm, thẩm thấu. Như vậy, nghệ thuật và cái đẹp mới hòa quyện, tạo ra sự thi vị cho người đọc. Muốn vậy, người đọc phải là người cùng tác giả sáng tạo. Điều này giúp ta xóa đi những “lằn ranh” trong cuộc sống.

 

Với Nhật Chiêu, haiku là cả một nghệ thuật, cũng giống như giọt sương kia, cũng có thể làm nên một tập truyện ngắn và cả một câu chuyện dài về cuộc đời. Và những bài thơ haiku dù nhỏ xíu, như một món quà bỏ túi, nhưng ý nghĩa của nó thì gợi mở đến muôn trùng.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek