Vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ và chỉ để lại cho đời 3 ca khúc, song 3 ca khúc ấy đều trở nên bất hủ với thời gian. Đó là nhạc sĩ Đặng Thế Phong.
Cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong.
TÌNH NGHÈO MÀ ĐẸP
Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại TP Nam Định, là một người vừa có tài lại vừa có… sắc. Ông được miêu tả có khuôn mặt khả ái và môi đỏ như son. Cha Đặng Thế Phong mất sớm, cuộc sống gia đình trở nên túng quẫn nên ông phải bỏ học giữa chừng. Tư chất thông minh, lại đam mê nghệ thuật nên Đặng Thế Phong tìm cách và đã “len” được vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dù chỉ là học viên dự thính. Cuộc sống của Đặng Thế Phong rất chật vật, dù ông được bạn bè đánh giá là đa tài bởi ngoài sáng tác, ông còn biết vẽ tranh và ca hát. Là bởi, thời này dù tranh, nhạc có đẹp, có hay đến mấy thì cũng chẳng ai mua! Nghèo nhưng đời sống tinh thần của Đặng Thế Phong rất phong phú và thi vị. Do bệnh tật, ông sớm từ giã cõi đời ở tuổi 24 đầy thơ mộng. Tài sản ông để lại là 3 bài hát: Con thuyền không bến, Đêm thu và Giọt mưa thu nhưng bài nào cũng trở nên bất hủ, qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn được mến chuộng.
Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng Đặng Thế Phong có một chuyện tình thật đẹp. Đó là lúc còn ở quê, ông đem lòng yêu say đắm một thiếu nữ tên Tuyết, buôn bán ở chợ, tuy không đẹp nhưng rất có duyên. Dù nghèo, Đặng Thế Phong không bao giờ động đến dù chỉ một đồng của người yêu, dẫu cho Tuyết bao lần khéo léo tỏ bày sự giúp đỡ.
Năm 1940, trong chuyến tạm xa người yêu lên Bắc Giang - nơi có con sông Thương nước bên đục bên trong nổi tiếng, Đặng Thế Phong cùng bạn bè thuê thuyền cắm sào trên sông hàn huyên tâm sự. Được một lúc, có người báo Tuyết nhuốm bệnh cả tuần. Đêm tàn, nghĩ về người yêu không sao chợp mắt, Đặng Thế Phong liền ngồi dậy viết một mạch nhạc phẩm Con thuyền không bến với ca từ não nuột: Đêm nay thu sang cùng heo may/ Đêm nay sương lam mờ chân mây/ Thuyền ai lờ lững trôi trên dòng/ Như nhớ thương ai trùng tơ lòng… Hai hôm sau, ông từ giã bạn bè để về Nam Định.
TÀI HOA BẠC MỆNH
Gặp lại người yêu, Tuyết dần bình phục. Đêm tái ngộ, với heo may lành lạnh, Đặng Thế Phong hát nhẹ nhàng, rạt rào bài Con thuyền không bến, sáng tác trong hoàn cảnh nhớ thương Tuyết cho cô nghe. Rồi Đặng Thế Phong nhuốm bệnh lao - vốn là bệnh nan y bấy giờ, ông giấu mọi người nhưng không hiểu sao Tuyết biết được. Không ngại tốn kém, cô khéo léo thuốc thang, ân cần săn sóc người yêu. Lúc bệnh trở nặng, ở quê không có điều kiện chữa trị, Đặng Thế Phong phải xa người yêu, về Hà Nội thuê phòng ở với người chú để tiện việc chạy chữa. Dù vậy, không tuần nào Tuyết không lên thăm.
Sông quê - Ảnh: M.NGUYỆT |
Cuộc sống kham khổ khiến bệnh tình của Đặng Thế Phong càng thêm trầm trọng, từng cơn ho rũ người, tiếp đến là những cơn thổ huyết vắt kiệt sức tàn. Tháng ngày đó ông ôm vào lòng nỗi khổ đau, day dứt, một bên là thân xác bệnh tật khó qua, bên kia là người thân, là mối tình tươi đẹp. Rồi một hôm mưa tầm tã, tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái lá, mưa tí tách xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại. Trong không gian sầu não ấy, nguồn nhạc hứng tuôn trào, ông gắng gượng ngồi dậy viết nên bài Giọt mưa thu, ý nhạc tái tê lòng người.
Những ngày cuối năm 1941, biết bệnh khó qua, Đặng Thế Phong ngỏ ý được về quê Nam Định. Hằng ngày, Tuyết sang chăm sóc người yêu, không chút quản ngại. Ai đến thăm nhìn đôi trẻ thương yêu cũng không khỏi mủi lòng, mến thương và khâm phục.
Rồi một ngày, có người bạn từ Hà Nội ghé thăm. Bệnh tật hoành hành, nằm trên giường, Đặng Thế Phong không nói được lời nào. Không nói được gì với nhau nên người bạn cũng chỉ biết ngậm ngùi, ôm đàn hát Giọt mưa thu như gửi gắm ân tình, như yêu thương chia sẻ và có sự đớn đau, bất lực trước bệnh tình của tác giả. Tiếng hát vừa dứt cũng là lúc Đặng Thế Phong mở mắt nhìn như gửi lời chào vĩnh biệt. Sau đó thật nhẹ nhàng, ông lặng yên trút hơi thở cuối cùng… Sự ra đi của ông để lại bao thương tiếc. Trong đám tang, Tuyết xin phép và được gia đình hai bên cho mặc áo tang.
Sinh thời, Đặng Thế Phong không phổ biến rộng rãi Con thuyền không bến nhưng vì ca khúc quá hay, quá khơi gợi xúc cảm nên được nhiều người biết đến. Một người mến mộ đã từng mời Đặng Thế Phong lên Hà Nội hát bài này, Tuyết bỏ buổi chợ để cùng lên, ngồi ở hàng ghế đầu tiên lắng nghe người yêu hát. Bài hát vì cô và cũng chỉ cho cô…
TUYẾT DÂN