Trong 15 ngày sống giữa mây trời Tam Đảo, các văn nghệ sĩ đến từ Phú Yên đã hoàn tất 62 tác phẩm. Trại sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Nhà sáng tác Tam Đảo tổ chức đã gặt hái những kết quả bước đầu.
Văn nghệ sĩ Phú Yên về Hà Nội tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: N.PHƯƠNG
Phố núi Tam Đảo mờ sương, huyền hoặc khiến con người mơ mộng;người Tam Đảo hiếu khách; Nhà sáng tác Tam Đảo (thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đầy đủ tiện nghi, nhân viên tận tình, chu đáo. Tất cả đã cộng hưởng, tạo nên cảm xúc để 13 văn nghệ sĩ Phú Yên sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
Chỉ trong 15 ngày, văn nghệ sĩ Phú Yên đã sáng tạo và hoàn thành 62 tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có 5 truyện ngắn, 16 tản văn, 13 bài thơ, 2 ca khúc, 1 kịch bản sân khấu, 11 tác phẩm mỹ thuật (phác thảo) và 14 ảnh nghệ thuật. Có những tác phẩm tươi nguyên màu cảm xúc về Tam Đảo: “Bâng khuâng phố nhỏ chập chùng mây/ Lữ khách bâng quơ dạo bước ngày/ Loanh quanh dốc núi đôi hàng quán/ Vài bông hoa tím đẹp ngất ngây...” (ca khúc Bâng khuâng chiều Tam Đảo của Nguyễn Thiện Thân). Đào Tấn Trực, một cây bút trẻ đang độ sung mãn cũng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp mây che trên đầu và gió ngang vai: “... Ở thị trấn ngàn mây/ Mây sa về phía núi/ Tóc em sương hương đêm (bài thơ Ở thị trấn mây).
Người bị Tam Đảo mê hoặc nhưng ngoài mặt cứ tỉnh bơ như không là họa sĩ Võ Tĩnh. Nào Biệt thự Tam Đảo 1, Biệt thự Tam Đảo 2, nào Chùa vàng, Đường lên miếu Bà Thượng ngàn và cả Tĩnh vật su su... Tất cả tác phẩm đều “máu thịt” với Tam đảo dẫu anh chỉ mới đến một lần.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quỳ tác nghiệp tại Tam Đảo - Ảnh: N.PHƯƠNG
Thanh Trúc - nữ họa sĩ trẻ nhất trại sáng tác cũng có cái nhìn khá ấn tượng về Tam Đảo, Phong cảnh 1, Phong cảnh 2 của Thanh Trúc với giáo đường bàng bạc mây, thăm thẳm núi. Trần Quỳ với Một chiều Tam Đảo ghi lại vẻ đẹp của một góc phố núi bồng bềnh mây. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh đến Tam Đảo như một nhà sinh vật học yêu nghệ thuật. Anh có bộ ảnh với chủ đề Mầm sống Tam Đảo, giới thiệu về các loại côn trùng đa dạng ở Tam Đảo bằng nhiều góc máy độc đáo cùng thông điệp: Mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường.
Có những người không sáng tác về đất và người Tam Đảo. Tuy nhiên, vẻ đẹp thần tiên của thị trấn trong mây đã tạo cảm hứng cho họ sáng tác thành công ngoài sự mong đợi. Đó là nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Phụng Kỳ với kịch bản dân ca Phía sau hoàng hôn được chuyển thể từ tác phẩm kịch nói cùng tên của Mai Quốc Thành, ca ngợi sự hy sinh cao cả và lòng thủy chung với cách mạng của người mẹ Việt Nam anh hùng trước những biến thiên của cuộc sống hôm nay. Nhà báo Trịnh Phương Trà với truyện ngắn Người mẫu viết về thân phận những phụ nữ dưới đáy xã hội - những phụ nữ tưởng như chỉ biết đến tiền song luôn khao khát có được tình yêu và cuộc sống bình thường như bao người. Cốt truyện không mới nhưng ám ảnh người đọc bởi tài dẫn truyện và cái kết thật có hậu.
Các truyện ngắn Người lính trên chuyến tàu, Nhựa đời của Bùi Văn Thành, Truyện dẫn không lời của Phan Kim Việt... đã gây xúc động cho người đọc về sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần giải phóng dân tộc mà hôm nay và mãi mãi mai sau chúng ta không thể nào quên.
Trại sáng tác Văn học nghệ thuật năm 2012 của Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên đã thành công tốt đẹp. Văn nghệ sĩ Phú Yên hẹn sẽ có một ngày trở lại Tam Đảo tươi đẹp và mến khách để gởi gắm cảm xúc của mình bằng những tác phẩm hay hơn.
TRẦN QUỐC CƯỠNG
Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên