Phú Yên có một điệu dân ca đơn giản mộc mạc, đó là bài chòi. Bây giờ bài chòi được xếp vào “dân ca Liên khu V”, nhưng có thể nghĩ rằng điệu dân ca bài chòi và việc tổ chức thành bài chòi là do những người dân đi khẩn hoang miền rừng núi sáng tạo ra.
Hô bài chòi - Ảnh: M.NGUYỆT
Ở miền núi Phú Yên, điểm chung là đồng ruộng nằm dưới thung lũng, hai bên là sườn đồi còn nguyên cây cỏ tranh đế, nơi ác thú và dã thú sinh sống, ẩn nấp. Nơi có những đám ruộng như thế, từng đám thì nhỏ hẹp, nhưng nối lại với nhau thì thật dài, quanh co, người ta gọi là một dây ruộng. Những khi phải ở lại đêm để sáng ngày làm việc sớm, hoặc là canh giữ hoa màu không cho heo nai ăn phá, người ta dựng những chòi cao dọc theo dây ruộng, giữa chân đồi và bờ ruộng, chòi này cách chòi kia một khoảng xa vừa đủ nghe khi nói lớn. Buổi tối, không khí núi rừng vắng lặng, lạnh lẽo, họ gọi nhau nói chuyện, rồi bày ra câu đố để thử tài nhau, đây là một cách giải trí chống cơn buồn ngủ, rồi kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn hoặc bày tỏ tình cảm, trang trải nỗi lòng với nhau, dần dần những chuyện vui ấy, những sự bày tỏ ấy được diễn đạt qua câu vè thể lục bát, lục bát biến thức hay nói lối. Tự nhiên hình thành một làn điệu đơn giản, không cần nhạc cụ phụ họa, chỉ gõ nhịp lên cột chòi, sàn chòi ngân nga chút ít là được. Điệu bài chòi ra đời.
Xét trong dân ca thấy có các cách diễn xuất là: nói - hô - hò - hát. Nói chỉ là đọc diễn cảm mà thôi. Hô là nói có phần chú ý cung bậc và cắt nhịp. Hò cao hơn hô bởi có ngân nga dàn trải nhưng phần nội dung chính gần với hô. Cao hơn hết là hát, toàn bộ những lời trong bài đều theo nhịp điệu. Người ta nói thơ, nói vè, hô bài chòi, hò khoan, hát rập. Bài chòi không phải là nói, nhưng cũng không phải là hò bài chòi hay hát bài chòi được. Bài chòi là hô. Không cần trời cho chất giọng tốt hay am hiểu nhạc luật, già trẻ trai gái đều hô bài chòi được, cũng như ai cũng biết ru em, cứ tự do theo sự sáng tạo của mình. Bởi quá nôm na mộc mạc nên khi trưởng thành nhiều lúc bài chòi thấy cần viện dẫn thêm một chút bác học làm con tem bảo đảm.
Trước năm 1945, thuở bài chòi còn khá hồn nhiên, nhiều câu mở đầu rằng: “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra. Bà con lẳng lặng mà nghe tui hô”. Là vì dân Phú Yên nghe tiếng trong Nam có ông Trương Vĩnh Ký làm nhựt trình (làm báo) tưởng rằng nhựt trình nào cũng của Vĩnh Ký hết. Nói rằng câu bài chòi này là làm theo nhựt trình Vĩnh Ký mà đặt ra, có hàm ý chứng minh: chuyện tôi hô là chuyện có thật đấy, không phải nói bừa đâu. Ngày nay, không còn ai hô bài chòi, nó được cải tiến theo các làn điệu cung đình và chuyên nghiệp để đưa lên sân khấu. Xem một vở dân ca kịch bài chòi có cảm tưởng như xem một tuồng cải lương vậy.
Tiến lên một bước, những câu đố cũng đặt theo thể lục bát hay lục bát biến thức, thành câu thai, ngồi trên chòi hô lên đố nhau. Ai nghĩ ra trước thì gõ mõ báo cho người đố và các chòi khác biết để giành quyền ưu tiên rồi mới trả lời. Tiền thân của hội đánh bài chòi là như vậy. Sau này, đi sâu vào đời sống văn hóa thôn quê, điệu bài chòi mới thêm đờn kèn hòa âm và cuộc đánh bài chòi thêm những con bài có tên gọi riêng, có anh hiệu hô xướng, có ban nhạc, có làng xã... Quan sát những con bài của một hội bài chòi thấy tên thật buồn cười, nào là chín cu, ngũ rún, tứ cẳng, cửu điều... Cách vẽ cũng mỗi nơi một khác, không có bộ bài in sẵn hàng loạt đem bán. Những hội bài chòi sau này dù có sang trọng hay lòe loẹt đến đâu thì cái cốt lõi vẫn phải giữ nét nguyên thủy phải có chòi, có mõ tre, có người đánh bài chòi ngồi trên chòi, gõ mõ tre. Đôi khi vì thiếu điều kiện, để giản tiện người ta dùng một cái ghế cho người ngồi đánh bài chòi, gọi là “bài chòi đẩu” (đẩu = ghế). Thế nhưng bài chòi đẩu không đáng mặt bài chòi, ba tiếng bài chòi đẩu cho thấy đây là loại bài chòi thứ cấp.
Như vậy, điệu bài chòi và việc đánh bài chòi là sản phẩm văn hóa hoàn toàn của dân gian. Những người nông dân đi khẩn hoang bước đầu đã góp công không nhỏ tạo ra nó và lưu trữ vào kho tàng văn hóa dân tộc, nó mộc mạc, nôm na, đơn giản nhưng thật gần gũi và thật dễ thương.
TRẦN HUIỀN ÂN