Thứ Tư, 27/11/2024 19:29 CH
Chợ tình Sa Pa:
Dấu lặng của tiếng khèn
Thứ Ba, 15/05/2012 18:00 CH

Đến Sa Pa vào cuối tuần, du khách háo hức rủ nhau đi xem chợ tình - nét độc đáo trong đời sống văn hóa của người Mông, người Dao sống dưới thung lũng Mường Hoa. Thế nhưng một trong những nơi hẹn hò, giao tình của các chàng trai cô gái trên vùng cao Tây Bắc đã bị “thương mại hóa”.

 

Cho-tinh-2120515.jpg

Biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách - Ảnh: N.LAN

8g tối. Sương bảng lảng trên những hàng sa mộc, bảng lảng trên tháp chuông nhà thờ đá - ngôi thánh đường cổ có lịch sử gắn với sự ra đời của thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Mấy người bạn trong đoàn rủ nhau đi xem chợ tình.

Ngày trước, đường đi lối lại khó khăn, bản của đồng bào cách xa trung tâm thị trấn Sa Pa, dân bản phải mất nửa ngày để đến chợ phiên, họp vào chủ nhật hàng tuần. Vì vậy, họ thường đi chợ từ thứ bảy, nghỉ đêm tại thị trấn để hôm sau ra chợ. Tối thứ bảy, Sa Pa trở nên rộn ràng bởi những cuộc gặp gỡ, dìu dặt tiếng sáo, tiếng khèn như lời thổ lộ tâm tình của những chàng trai người Dao, người Mông. Chợ tình là nơi kết bạn, giao tình. Cùng với chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ tình Mộc Châu (Sơn La), chợ tình Sa Pa là nét văn hóa độc đáo trong đời sống của các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc.

Khi chúng tôi đến trung tâm thị trấn, không phải tiếng khèn tình tứ mà là những âm thanh của đàn điện tử vang lên từ khoảng sân rộng phía trước nhà thờ đá, nơi đang tập trung khá đông người. Chương trình văn nghệ rực rỡ sắc màu vùng cao Tây Bắc được các ca sĩ, diễn viên không chuyên biểu diễn cho du khách và dân địa phương xem. Vậy đâu rồi chợ tình Sa Pa nổi tiếng, với những hẹn hò nôn nao vào tối thứ bảy?

Một phụ nữ bán hàng tại Sa Pa nói: “Chợ tình như ngày xưa giờ làm gì có! Tình không còn, chỉ còn chợ thôi. Địa phương tổ chức biểu diễn văn nghệ gọi là thay thế chợ tình, phục vụ du khách”. Ra vậy!

Cho-tinh-1120515.jpg

Dân bản chào mời du khách mua hàng lưu niệm - Ảnh: N.LAN

Thế nhưng khi chương trình văn nghệ kết thúc, khán giả tản đi thì chợ tình xuất hiện ở khu vực gần đó. Tiếng khèn vang lên. Có điều đó là tiếng khèn của những cậu nhóc chưa đến tuổi hẹn hò. Múa cùng cậu nhóc là một cô nhóc, trên tay cầm chiếc dù sặc sỡ. Du khách, nhất là khách Tây xúm lại xem, còn một du khách người Việt thì rỉ tai bạn tôi: “Họ múa rồi sẽ xin tiền đấy!”.

Những gì diễn ra sau đó đúng như lời du khách người Việt. Hóa ra các cậu nhóc thổi khèn, các cô nhóc múa rập rờn chỉ là để kiếm tiền từ khách du lịch. Chợ tình Sa Pa thực chất đã không còn, chỉ còn những người hồn nhiên khai thác “thương hiệu” một trong những chợ tình nổi tiếng ở vùng cao Tây Bắc.

Vẫn biết giờ đây đường đi lối lại không còn khó khăn và dân bản chẳng việc gì phải đi chợ phiên từ ngày hôm trước. Vẫn biết giờ đây thông tin liên lạc đã phủ sóng đến các bản làng vùng cao và trai gái có nhiều cách để tìm nhau, gặp nhau, không cứ gì phải mượn tiếng khèn, tiếng sáo, nhưng sao tôi vẫn thấy tiếc khi một nét văn hóa đã mai một nơi Sa Pa mờ sương.

Về khuya, cái lạnh của Sa Pa như thấm vào lòng. Tiếng khèn đã tắt. Các cậu nhóc cô nhóc lục tục ra về. Chỉ còn tiếng đàn môi chập chờn, ẩn hiện trong sương. Đó là tiếng đàn môi của một người Mông ngồi dưới gốc sa mộc. Chẳng biết có phải vì đồng cảm hay không mà tiếng đàn u hoài, như tiếc nuối về một vẻ đẹp đã mất...

NGỌC LAN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek