Từ các tỉnh, thành phố trong nước, 24 nhà văn, nhà thơ đang hội ngộ tại Trại sáng tác Văn học ở Khu du lịch sinh thái Sao Việt (TP Tuy Hòa). Đại tá - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, người phụ trách trại sáng tác, đã chia sẻ những điều thú vị về trại viết lần đầu tiên được Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp tổ chức tại Phú Yên.
Đại tá - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - Ảnh: N.PHƯƠNG
* Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức nhiều trại sáng tác văn học ở nhiều vùng miền của đất nước, song đây là lần đầu tiên tạp chí tổ chức trại viết tại Phú Yên. Đâu là sự khác biệt của trại viết này, thưa anh?
- Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có hơn nửa thế kỷ đồng hành với công cuộc giữ nước, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tạp chí đã tổ chức rất nhiều trại viết. Gần đây nhất, chúng tôi phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức trại sáng tác ở TP Hồ Chí Minh, viết về biển đảo, tổ chức trại sáng tác ở Hạ Long, cũng viết về biển đảo, tổ chức trại viết ở Bến Tre… Để phân biệt rạch ròi sự khác nhau giữa các trại viết mà Văn nghệ Quân đội đã tổ chức với trại viết ở Phú Yên thì cũng hơi khó, nhưng nói như thế không có nghĩa là không có những nét đặc trưng riêng. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức trại viết ở một tỉnh miền Trung - một tỉnh đã in dấu ấn trong thơ của Trần Mai Ninh, trong thơ của Hữu Loan, một vùng đất có nhiều thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử và nhiều giá trị văn hóa nổi tiếng. Đây cũng là lần đầu tiên tạp chí tổ chức trại viết với sự phối hợp của UBND tỉnh, sự tài trợ của một doanh nghiệp (Công ty Du lịch Sao Việt - PV) và một số doanh nghiệp khác. Như vậy, việc xã hội hóa trong tổ chức trại viết giữa những người cầm bút của lực lượng vũ trang với dân sự bên ngoài được phối hợp một cách chặt chẽ, quy mô và bài bản. Thứ hai, đề tài của trại viết này là chiến tranh cách mạng.
* Vì sao Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn đề tài chiến tranh cách mạng cho trại viết trên vùng đất này?
- Phú Yên là mảnh đất lịch sử vừa kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển. Tôi nghĩ cái tên Phú Yên rất lãng mạn, như khát vọng của dân tộc về một đất nước bình yên, giàu có. Nhưng để khát vọng ấy trở thành hiện thực thì dân tộc ta nói chung, mảnh đất Phú Yên nói riêng phải trải qua những năm tháng chiến tranh, lớp lớp mồ hôi lớp lớp máu xương của chiến sĩ, đồng bào ta đã đổ xuống để có ngày hôm nay, để khát vọng đó dần dần trở thành hiện thực. Những cái tên như đèo Cả, Vũng Rô… đều gợi lên một thời oanh liệt, một thời bi tráng của vùng đất này - vùng đất đang còn nghèo khó, còn gian nan nhưng thấm đẫm truyền thống cách mạng. Vì vậy, khi phối hợp với Phú Yên mở trại viết, những người tổ chức ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các nhà văn, nhà thơ tham gia trại đều hướng về đề tài đó, viết về Phú Yên ngày trước với truyền thống cách mạng nhưng cũng không quên Phú Yên hôm nay đang trên đường đổi mới, hội nhập và xây dựng cuộc sống yên bình, hạnh phúc, giàu có hơn.
* Là người phụ trách, anh kỳ vọng gì ở trại viết này, về sự góp mặt của những nhà văn, nhà thơ có tuổi nghề và cả những cây bút trẻ?
- Chúng tôi rất hy vọng và đặt niềm tin lớn vào sự thành công của trại viết. Chúng ta có thiên thời - địa lợi - nhân hòa, điều kiện ở Phú Yên rất tốt; chúng tôi về đây, đi đến đâu cũng nhận được tình cảm ấm áp, chân thành của bà con Phú Yên.
Trại viết này có những tên tuổi khá quen thuộc với bạn viết, bạn đọc như các nhà văn, nhà thơ: Nam Ninh, Nguyễn Hiếu, Lê Nguyên Ngữ, Inrasara, Trần Thế Vinh, Hồ Thanh Điền, Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Quốc Trung… và nhà văn rất nổi tiếng của Phú Yên: Ngô Phan Lưu. Đấy là lớp nhà văn đã thành danh. Chúng tôi tin rằng sau khi thâm nhập thực tế ở Phú Yên, họ sẽ có những truyện ngắn, bút ký, những bài thơ… thấm đẫm hơi thở cuộc sống của mảnh đất này. Lớp trẻ cũng là những cái tên được lựa chọn, như Di Li, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Vĩnh Cường, Hồ Thị Ngọc Hoài, Thu Phương, Nguyễn Anh Vũ… Dù trẻ về tuổi đời nhưng sức viết, sức bật họ đều có và đã chứng minh qua tác phẩm, như Di Li, Thu Phương, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Xuân Thủy… Chúng tôi tin rằng họ sẽ có những trang viết tươi mới với cái nhìn, bút pháp trẻ trung, mới mẻ. Và chúng tôi hy vọng.
* Trong nhiều thập niên qua, Văn nghệ Quân đội là một tạp chí rất uy tín mà những người yêu văn chương thường tìm đọc, là cái nôi để rồi từ đó nhiều cây bút xuất hiện, tỏa sáng. Rất nhiều tác phẩm của những người lính Cụ Hồ, những nhà văn mặc áo lính đã được giới thiệu trên Văn nghệ Quân đội và được độc giả đón nhận. Vậy còn tác phẩm của những người từng ở phía bên kia chiến tuyến viết về chiến tranh, về cuộc sống hôm nay… thì sao, thưa anh?
- Tạp chí Văn nghệ Quân đội là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến công được tôn vinh của tạp chí không phải là những trận đánh trực diện trên chiến trường hoặc những thành quả về vật chất mà là những giá trị tinh thần. Những giá trị ấy, những bài văn, bài thơ, những tiểu thuyết… đã cùng người lính đi suốt cuộc kháng chiến.
Đất nước ta đã trải qua cuộc chiến tranh lâu dài. Trong quá khứ, có những người cầm bút ở phía bên này và phía bên kia. Khi chiến tranh kết thúc, chúng ta không thể quên quá khứ đau thương, bi tráng đó nhưng phải khép lại để hướng về tương lai, không chỉ với những người cầm bút trong nước mà ngay đến các bạn Mỹ cũng thế thôi. Có những nhà văn, nhà thơ Mỹ trước kia từng tham chiến ở Việt Nam, họ đã từng đặt dấu giày xâm lược lên Tổ quốc ta, thậm chí từng cầm súng bắn vào chúng ta. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, họ nhận ra một điều: mình đã tham gia một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chính lòng nhân ái của người Việt Nam đã lay tỉnh họ. Và họ quay trở lại Việt Nam để tìm sự bình yên cho chính mình. Cứ nghĩ sẽ gặp sự hận thù nhưng không phải, họ đến Việt Nam và được đón tiếp bằng những nụ cười… Đấy là với người nước ngoài, với người Việt chúng ta cũng thế, theo tinh thần hòa hợp dân tộc. Chúng tôi hết sức trân trọng những người cầm bút trước kia có thể ở bên kia chiến tuyến nhưng viết về chiến tranh với góc nhìn chân thật, phản ánh đúng sự thật về chiến tranh, về sự bi thương của nó, về nỗi đau và khát vọng của dân tộc. Tôi nghĩ, nếu những tác phẩm ấy đích thực là văn chương thì vẫn được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội một cách đàng hoàng. Có những nhà văn lúc trước từng ở trong quân đội của phía bên kia, bây giờ họ có những trang viết về chiến tranh rất đau đớn, rất sâu thẳm và họ đã được giới thiệu trên Văn nghệ Quân đội, đón nhận tình cảm trân trọng của những người cầm bút chúng tôi - những người lính Cụ Hồ và cả bạn đọc, nếu như những tác phẩm ấy thấm đẫm tinh thần nhân văn.
* Xin cảm ơn đại tá - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý!
LÂM VY (thực hiện)