Biết hát dân ca từ năm 4 tuổi. 6 tuổi đã mon men theo cha và chị gái đi diễn khắp các thôn xóm của vùng lúa Đông Hòa. Với Nguyễn Linh Trúc Lai (học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Văn Linh), dân ca đã trở thành máu thịt và là niềm đam mê lớn trong cuộc đời.
Nguyễn Linh Trúc Lai: “Dân ca là niềm đam mê của em” - Ảnh: K.HÀ
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát dân ca, ba là nghệ sĩ Bình Thảng, còn chị gái Nguyễn Thị Trúc Linh đang theo học tại Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nên từ nhỏ, những điệu lý, điệu lía, câu hò... đặc trưng của người dân Khu 5 đã thấm vào từng lời ăn tiếng nói của Trúc Lai. 4 tuổi, em bắt đầu học đưa đẩy từng nhịp phách. Chỉ cần nghe chị gái hát qua một làn điệu nào đó là Trúc Lai có thể lặp lại ngay. Lên 6 tuổi, Trúc Lai có thể kể tên các làn điệu dân ca. Cũng từ đấy, em bắt đầu theo ba và chị gái đi diễn khắp các thôn, xóm của xã Hòa Hiệp Trung. Với khuôn mặt sáng, tiếng hát thanh, phong cách diễn hồn nhiên, Trúc Lai liên tục được các ban, ngành của xã Hòa Hiệp Trung và huyện Đông Hòa mời hát trong những buổi lao giưu, hội nghị. Trúc Lai tâm sự: “Em rất mê hát dân ca. Qua các làn điệu, em thấy quê hương mình đẹp, càng tự hào và yêu quê hương mình hơn”.
Mỗi lần nghe Trúc Lai “khoe giọng”, không ít người ngỡ ngàng trước giọng ca vừa ngọt, lại trong và cao của em. Trúc Lai từng đoạt giải nhì Cánh diều mơ ước năm 2011. Mới đây, em đoạt giải nhất Cánh diều mơ ước năm 2012 với bài hát Huyền thoại Hồ núi Cốc. Bằng giọng ca trữ tình ngọt ngào, kỹ thuật rung và ngân rất tốt trong xử lý bài hát cùng khả năng làm chủ sân khấu, Trúc Lai đã mang đến cho khán giả một màn biểu diễn đặc sắc. Chị Nguyễn Thị Thanh Thỏa, phường 6, TP Tuy Hòa, cho biết: “Tôi được xem Trúc Lai diễn trong đêm chung kết Giải Cánh diều mơ ước năm 2012 ở Nhà hát Sao Mai. Khi nghe em hát, cả khán đài như lặng đi”.
Không những hát tốt, Trúc Lai còn diễn kịch rất đạt. Những vở kịch do nghệ sĩ Bình Thảng sáng tác có Trúc Lai tham gia diễn luôn đạt các giải thưởng cao trong tỉnh và toàn quốc như kịch Vận động đầu thú, Vườn cây ao cá, Vọng cổ Bảo vệ thôn xóm…
Hai năm gần đây, khi Chi hội Sân khấu tỉnh Phú Yên chủ trương đưa sân khấu vào học đường bằng các buổi biểu diễn tại các trường học để thu hút sự quan tâm của học sinh đối với các điệu dân ca lý, lía, hò... đầy bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng miền Khu 5, nghệ sĩ Bình Thảng đã mở lớp dạy miễn phí tại các điểm trường. Những lúc rảnh rỗi, Trúc Lai lại phụ ba dạy hát cho các bạn và các em. Bằng tấm lòng tâm huyết với dân ca, hai cha con say sưa truyền lửa cho học trò vùng lúa Đông Hòa. Trúc Lai tâm sự: “Dân ca vốn là nét đẹp truyền thống của dân tộc. Thế nhưng, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nhiều bạn trẻ chỉ quan tâm tiếp cận với những bản nhạc rock, rap, hip hop sôi động và ồn ào mà quên dần các điệu lý, điệu lía, câu hò... mềm mại, sâu lắng, mang đậm bản sắc quê hương. Cho nên, mỗi khi có cơ hội biểu diễn, em đều hát dân ca, vừa là cách giới thiệu đến các bạn trẻ những làn điệu hay, vừa để cấy lên tình yêu dân ca trong các bạn”.
Đam mê ca hát và có nhiều triển vọng, nhưng Trúc Lai không có ý định gắn bó với nghiệp hát. Ước mơ của em là trở thành một nữ công an hoặc nữ bộ đội. Trúc Lai bộc bạch: “Dù làm nghề gì, em cũng sẽ không từ bỏ dân ca. Và nếu được, các bạn trẻ nên tìm đến với thể loại này để cảm nhận được nét đẹp truyền thống của dân tộc và tự hào về quê hương mình hơn”.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh Nguyễn Đình Diêm cho biết: “Trúc Lai là một giọng ca vàng trong phong trào văn hóa nghệ thuật của trường và của huyện. Hầu như chương trình nào của trường, em cũng nhiệt tình tham gia và để lại những dấu ấn đẹp trong lòng người xem. Nếu định hướng tốt, Lai sẽ còn phát triển hơn nữa”.
KHÁNH HÀ