Chương trình nghệ thuật Hát bên bờ biển Đông kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Phú Yên sẽ diễn ra tối nay (1/4), tại Nhà văn hóa Diên Hồng. Với 3 phần Ký ức hào hùng, Hát bên bờ biển Đông và Nhớ Phú Yên, chương trình gồm 17 tiết mục khá đặc sắc, thể hiện tình yêu biển, đảo, tình yêu Tổ quốc của những người con đất Việt.
Phóng viên Báo Phú Yên đã trò chuyện với nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, Trưởng đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển chung quanh chương trình Hát bên bờ biển Đông.
Song ca “Hát biển tình yêu” do hai ca sĩ Quỳnh Như, Tất Đạt và tốp múa thể hiện - Ảnh: N.PHƯƠNG
* Thưa nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng Phú Yên, vì sao những người thực hiện chương trình nghệ thuật chọn cái tên Hát bên bờ biển Đông mà không phải là Hát từ cao nguyên hoặc Hát trên đường 5, đường 7?
- Xây dựng chương trình nghệ thuật kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng Phú Yên, chúng tôi không chỉ muốn tái hiện quá khứ hào hùng mà còn muốn thông qua lời ca tiếng hát thể hiện tình yêu biển, đảo của Tổ quốc. Những người thực hiện chương trình muốn đưa không khí hào hùng của 37 năm trước đến tận biển Đông. Biển, đảo đang là vấn đề thời sự nóng. Chúng ta ở sát bên biển Đông, vậy tại sao không chọn chủ đề biển Đông, không Hát bên bờ biển Đông, đưa khí thế đến với biển Đông?
* Chương trình có 3 phần với 17 tiết mục, phần nào là trọng tâm, thể hiện tình cảm mà các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên… gởi gắm?
- Hát bên bờ biển Đông gồm 3 phần. Phần đầu tiên gợi nhớ những năm tháng, những ký ức hào hùng. Còn trọng tâm là phần hai - Hát bên bờ biển Đông. Phần 3 là những giai điệu về Phú Yên.
Với chương trình Hát bên bờ biển Đông, anh em nghệ sĩ của đoàn muốn gởi gắm tất cả tình cảm về biển, đảo vào các tiết mục. Đợt này, đoàn Sao Biển tập nhiều ca khúc hay về biển, đảo. Bên cạnh một số ca khúc của các tác giả người Phú Yên, chúng tôi còn chọn và dàn dựng một số ca khúc của nhạc sĩ ở các tỉnh, thành phố khác, với nhiều cung bậc khác nhau. Biển mênh mông, lúc dữ dội lúc êm đềm, khơi gợi nhiều cảm xúc nên có rất nhiều ca khúc hay về biển. Vì thời gian của chương trình gói gọn trong 80 phút nên đoàn chọn những ca khúc phù hợp với sự thể hiện của anh em để đưa vào.
Tiết mục “Tình em biển cả” - Ảnh: N.PHƯƠNG
* Về cách thể hiện bằng âm nhạc, hình ảnh, theo ông, Hát bên bờ biển Đông có gì đặc sắc, khác biệt so với những chương trình nghệ thuật trong các lễ kỷ niệm trước đó?
- Các chương trình nghệ thuật kỷ niệm trước đó, chúng tôi thiên về quá khứ, nếu có đề cập đến hiện tại thì cũng chỉ khái quát về sự đổi mới, phát triển. Chương trình này có sự gắn kết giữa quá khứ với hiện tại, đưa không khí hào hùng từ quá khứ đến hiện tại và thể hiện tính thời sự.
Trong chương trình này, trọng tâm là hát. Bên cạnh các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên của đoàn Sao Biển, chúng tôi còn dàn dựng những tiết mục có cả trăm sinh viên biểu diễn. Và chúng tôi muốn người xem cùng hát với các ca sĩ, diễn viên, cùng hướng về biển Đông.
Đợt này, ngoài lực lượng của Sao Biển, đoàn còn mời cộng tác viên, trong đó có nhiều sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung tham gia.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!
LÂM VY (thực hiện)