Trong tháng ba, làng văn hóa nghệ thuật trong nước chứng kiến không ít sự ra đi của các nghệ sĩ lớn, từ văn học, âm nhạc đến điện ảnh, kịch nói. Những tin buồn liên tiếp này đã tạo nên một khoảng trống lớn trong lòng khán giả nói riêng và trong nền văn hóa nghệ thuật nước nhà nói chung.
Nghệ sĩ Trọng Khôi ra đi để lại sự tiếc nuối lớn cho sân khấu và điện ảnh – Internet
Nỗi buồn tháng ba khởi nguồn từ tin buồn nghệ sĩ Trọng Khôi qua đời trong một cơn bạo bệnh. Đây thực sự là một sự mất mát lớn cho nền điện ảnh và sân khấu nước nhà. Nhắc đến Trọng Khôi, khán giả lại nhớ về những nét diễn cá tính, riêng biệt, không bao giờ lặp lại của ông. Hẳn người yêu sân khấu sẽ khó lòng quên được những vai do ông đóng: vua Lia (Vua Lia), tướng De Castries (Bài ca Điện Biên Phủ), Việt (Đôi mắt), Đia-lốp (Khúc thứ ba bi tráng), Erostrat (Vụ án người đốt đền), quan huyện (Nghêu sò ốc hến)... và đặc biệt là anh hàng thịt (Hồn Trương Ba da hàng thịt). Trong lĩnh vực điện ảnh, tên tuổi Trọng Khôi ghi dấu với những Nghị Hách (Giông tố), hay Ba Đức (Đứng trước biển). Có ai cười được điệu cười như Nghị Hách ranh mãnh, ít học, có máu dê? Màn ảnh nhỏ từ đây sẽ buồn lắm vì thiếu đi nụ cười đáng nhớ này. Và đố ai diễn ra sự giằng xé giữa hai con người Trương Ba và anh hàng thịt chỉ bằng đôi tay. Trọng Khôi diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt trong suốt hàng chục năm, chưa ai có thể vượt qua cái bóng của ông.
Từ bên kia đại dương, GS.TS Lorelle Browning, người bạn và cũng là khán giả của ông, đã viết những lời phân ưu thật cảm động: “Tôi biết nhiều người Việt Nam đau buồn về sự ra đi của diễn viên lớn này, người đã tận hiến đời mình cho sân khấu. Nhưng ở bên Mỹ, cũng có nhiều người trong chúng tôi cảm thấy mất mát to lớn vì sự ra đi của người nghệ sĩ tuyệt vời này. Tôi có ân sủng lớn, được là phần nhỏ trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng hoàn mãn của anh, trong khi anh lại là một phần rất quan trọng trong đời tôi. Tôi sẽ nhớ con người đã từng là một quà tặng đầy cường lực cho sân khấu và màn ảnh”.
Sau sự vắng bóng của Trọng Khôi, cách đây ít ngày, sân khấu kịch lại chứng kiến sự ra đi của nghệ sĩ Ngọc Đức. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi Ban kịch Kim Cương được thành lập (sau đổi thành Đoàn Kịch nói Kim Cương), nghệ sĩ Ngọc Đức đã tham gia biểu diễn rất nhiều vở kịch được đông đảo khán giả yêu thích. Trong số đó có thể kể đến các vở: Sông dài, Bóng chim tăm cá, Vợ và Tình, Quyền làm mẹ, Tảng đá, Mưa đầu mùa… Nghệ sĩ Ngọc Đức đã có nhiều đóng góp cùng “kỳ nữ” Kim Cương tạo nên thương hiệu kịch nói nổi tiếng ở Nam Bộ - Kịch nói Kim Cương.
Làng văn học trong nước tháng ba này cũng không kém phần buồn bã khi phải chia tay với nhà văn - dịch giả Hoàng Hữu Đản ở tuổi 90. Ông là một dịch giả văn chương Pháp khá nổi tiếng, với nhiều tác phẩm cổ điển Hy Lạp như các trường ca của Homère (Iliade và Odyssée); những bi kịch của Eschyle, Sophocle, Euripide; hài kịch của Aristophane; những tác phẩm sử học của Herodote, Thucydide, Xenophon… Văn học Việt được ông dịch sang tiếng Pháp gồm có tập thơ song ngữ Ánh trăng (tuyển thơ Việt Nam của nhiều tác giả), Quà muộn (tập truyện ngắn của nhà văn Nguyên Hương), Thi Vân Yên Tử (tập thơ của Hoàng Quang Thuận), Lỡ bước sang ngang (thơ Nguyễn Bính), Thơ điên Hàn Mặc Tử... Nặng lòng với văn hóa và lịch sử Việt Nam, Hoàng Hữu Đản còn viết nhiều vở kịch như: Bí mật vườn Lệ Chi, Người con gái Nguyễn Du, Gặp gỡ tất yếu... Riêng vở Bí mật vườn Lệ Chi được Idécaf dựng và đoạt giải thưởng Hội sân khấu năm 2000. Năm 2008, ông được đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm bởi những đóng góp của ông trong dịch thuật văn học Pháp.
Tuy nhiên, có lẽ tiếc nuối nhất vẫn là nền âm nhạc Việt Nam khi phải chứng kiến sự ra đi ở độ tuổi còn quá trẻ của Mỹ Quyên, nữ DJ nổi tiếng và xinh đẹp hàng đầu Việt Nam. Mỹ Quyên (sinh năm 1982), thường được gọi thân mật là DJ Bo, từng đoạt giải nhất cuộc thi Tìm kiến tài năng DJ Việt Nam, giải nhì Tìm kiếm tài năng DJ khu vực châu Á 2004 tại Malaysia nhờ sự tinh tế, nhạy cảm khi kết nối các âm thanh cùng khả năng “trình diễn dòng nhạc tươi mới, sáng tạo và có sức gắn kết đám đông lớn”. Dù mới 30 tuổi nhưng Mỹ Quyên đã có 12 năm kinh nghiệm trong nghề “phù thủy âm thanh”. Sự ra đi khi còn quá trẻ của Mỹ Quyên khiến giới DJ nói riêng cũng như những người chơi âm thanh nói chung vô cùng thương tiếc.
Tháng ba đi qua, làng văn hóa nghệ thuật trở nên buồn hơn vì thiếu vắng những khuôn mặt thân thương và giọt nước mắt tháng ba rơi tri ân các nghệ sĩ!
KHÁNH HÀ